TTI tăng tốc dự án 650 triệu USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM

Dự án có vốn đầu tư 650 triệu USD của Techonic Industries (TTI) tại Khu công nghệ cao TP.HCM dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong quý IV/2020 và đi vào sản xuất 2 năm sau đó.

Khẩn trương triển khai dự án

Thông tin với báo giới, ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành của Tập đoàn TTI cho biết, Dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) sau hơn 6 tháng được cấp phép đầu tư đã được triển khai nhanh và hoàn thành nhiều phần việc quan trọng.

Đến nay, nhà đầu tư hoàn thành và đang thực hiện các thủ tục, như: Ký quỹ và hoàn thành thủ tục thuê đất; báo cáo tác động môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở; xin giấy phép xây dựng…

“Chúng tôi đang khẩn trương triển khai các công việc để có thể khởi công xây dựng nhà máy (giai đoạn 1) vào cuối năm nay và ngay sau đó là Trung tâm nghiên cứu và phát triển dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành xây dựng và đủ điều kiện đi vào sản xuất trong năm 2022 và tiếp sau đó là Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng sẽ đi vào hoạt động… Từ năm 2024 trở đi, nhà đầu tư sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo của việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và Trung tâm R&D”, ông Nate Easter thông tin.

106460713_669800016905163_5813013032677614277_n

Ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành của Tập đoàn TTI.

Trước đó, tháng 12/2019, chính quyền TP.HCM đã cấp phép cho Tập đoàn TTI (có trụ sở chính tại Hồng Kông) đầu tư dự án có vốn đăng ký 650 triệu USD, có mục tiêu hoạt động sản xuất phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng; thành lập trung tâm R&D trong lĩnh vực điện tử.

Theo ông Nate Easter, dự án tại Việt Nam rất quan trọng đối với chiến lược mở rộng sản xuất toàn cầu của TTI. Đồng thời, dự án tại SHTP sẽ là nhà máy lớn thứ hai và cũng là nơi đặt Trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn thứ hai trên toàn cầu của Tập đoàn TTI.

Theo tìm hiểu, ngoài việc rất coi trọng Dự án tại SHTP thì cơ sở của việc TTI có thể đẩy nhanh tiến độ và tự tin về các kế hoạch khởi công xây dựng, đưa nhà máy vào hoạt động sản xuất, là bởi, nhà đầu tư này cũng không còn xa lạ với Việt Nam.

Cụ thể, từ năm 2018, Tập đoàn TTI đã triển khai một dự án tại Khu công nghiệp VSIP II A (Bình Dương) với mục tiêu hoạt động là sản xuất, gia công sản xuất, lắp ráp thiết bị điện, phu kiện sử dụng điện, dụng cụ cầm tay sử dụng điện, thiết bị điện sử dụng ngoài trời, các sản phản phẩm và thiết bị sử dụng cho sàn nhà, dụng cụ sử dụng điện, thiết bị chiếu sáng…

“Chúng tôi đã đầu tư cho dự án ở Bình Dương khoảng 100 triệu USD, hiện có nhiều xưởng sản xuất đã đi vào hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động địa phương”, ông Nate Easter cho hay.

Dù không chia sẻ thông tin về sự kết nối, mối liên hệ trong sản xuất giữa 2 cơ sở tại Việt Nam song đại diện của TTI cho biết, các nhân sự đang làm việc tại Bình Dương có những hỗ trợ tốt cho việc triển khai các công việc của dự án tại SHTP.

Trong khi đó, với dự án tại SHTP, theo đại diện TTI, khi đi vào hoạt động ổn định sẽ sử dụng hơn 7.000 lao động trong đó có 500 nhân sự trực tiếp tham gia vào hoạt động nghiên cứu phát triển, dự kiến đóng góp doanh thu xuất khẩu 1,3 tỷ USD/năm vào năm thứ 3 và khoảng 3 tỷ USD/năm vào năm thứ 6 trở đi…

Mục tiêu 2,5 tỷ USD mỗi năm

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch điều hành của Tập đoàn TTI cũng cho biết, hiện nay, tập đoàn này là một trong những nhà sản xuất công nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng của thế giới về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu.

Năm 2019, doanh thu của tập đoàn là hơn 7,6 tỷ USD, trong đó, hơn 88% doanh thu ở mảng thiết bị điện, phụ kiện, dụng cụ lưu trữ, dụng cụ cầm tay…Ước tính doanh thu của trong năm nay là hơn 9 tỷ USD. Những sản phẩm thiết bị công cụ kết nối không dây của TTI chiếm 35% thị phần toàn cầu…

TTI là nhà đầu tư đã đồng thuận thực hiện 3 vấn đề quan trọng mà Việt Nam đề ra trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn mới, đó là: Dự án công nghệ cao, có đầu tư cho R&D và kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Minh chứng rõ hơn, ngay trong thời điểm còn mấy tháng nữa mới khởi công xây dựng Dự án, TTI đã phối hợp với SHTP và Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM tổ chức “Hội thảo chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ – Phát triển Nhà cung cấp trong nước” với sự tham gia của gần 100 đại diện doanh nghiệp, nhà cung cấp tại Việt Nam.

Đề bài mà nhà đầu tư đưa ra cũng khá rõ ràng, đó là, nhà cung cấp là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động trong 4 lĩnh vực là phun nhựa, khuôn mẫu, điện, kim loại; phải đảm bảo được 2 tiêu chí chất lượng và tiến độ giao hàng…

“Chúng tôi kỳ vọng trong 2 năm tới, thu hút khoảng 180-200 doanh nghiệp tại Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho TTI, với mục tiêu đạt khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm, tỷ lệ cung ứng nội địa lên đến 60% trong năm 2020 và 80% vào năm 2021”, ông Nate Easter chia sẻ.

Một cam kết khác cũng đáng được lưu ý, đó là việc TTI cùng với SHTP và Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM đã ký kết Quy chế phối hợp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, tìm kiếm nhà cung cấp trong nước cho TTI.

“Hội thảo và các hoạt động kết nối với nhà cung cấp sẽ thúc đẩy sự hiện diện của TTI và sẽ phát triển hơn nữa các mục tiêu chiến lược của TTI tại Việt Nam”, ông Nate Easter khẳng định.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đề nghị chính quyền, các cơ quan quản lý có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy quá trình nội địa hóa chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như hỗ trợ về tài chính, đất đai, nhà xưởng cho các nhà cung ứng nội địa để có thể đầu tư, xây dựng nhà máy gần dự án của TTI, thuận tiện cho việc vận chuyển, cung ứng các sản phẩm cho doanh nghiệp này.

Nguồn: nhadautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo