Trước đó, Tập đoàn T&T Group và UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện trong các lĩnh vực: Đầu tư bất động sản, tài chính, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ và logistics. Theo đó, T&T Group sẽ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tiềm năng, đề xuất ý tưởng đầu tư và chiến lược phát triển đối với những dự án trọng điểm như dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển ngành công nghiệp chế biến lúa gạo chất lượng cao; đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác lợi thế của Vườn Quốc gia Tràm Chim, đưa vườn quốc gia này thành khu du lịch xanh và bảo tồn thiên nhiên quốc tế; hợp tác phát triển hệ thống đào tạo bóng đá trẻ.

Đáng chú ý, với định hướng xác định năng lượng là một trong những lĩnh vực cốt lõi, thời gian vừa qua, “ông lớn” đa ngành T&T Group cũng đẩy mạnh đầu tư, triển khai nhiều dự án năng lượng lớn trên cả nước, có thể kể tên như: dự án Trung tâm Điện khí LNG Sơn Mỹ 3&4 dự kiến được đặt tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) có tổng công suất phát điện 3.000 MW; dự án Trung tâm Nhiệt điện khí hóa lỏng LNG, Bến chuyên dụng và kho khí hóa lỏng LNG – Cái Mép Hạ tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng chi phí đầu tư gần 6 tỷ USD, tổng công suất hóa khí đạt 9 triệu tấn/năm; công suất phát điện tăng 6.000MW; dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) có quy mô gần 120 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 4,4 tỷ USD, dự kiến đi vào vận hành giai đoạn 1 từ năm 2028.

Đặc biệt, dự án Nhà máy Điện mặt trời Phước Ninh do Tập đoàn T&T Group làm chủ đầu tư được xây dựng tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có quy mô 168,5 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 với công suất 45 MWp sẽ đi vào hoạt động trong tháng 6/2020 này sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh/năm.

Nguồn: thanhtra.com