Khai mạc Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018

Sáng nay, 8/8/2018, Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018 (Vietnam E-Government Procurement Forum 2018) khai mạc tại Hà Nội. Đây là sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Đây là Diễn đàn cấp quốc gia đầu tiên về đấu thầu qua mạng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các bên nhìn lại quá trình triển khai đấu thầu qua mạng, chia sẻ bài học kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về lợi ích và ứng dụng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS), từ đó đề xuấy ý kiến để hoàn thiện và cải thiện chính sách về quản lý, công nghệ và hoạt động của Hệ thống trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng chủ trì Diễn đàn, phát biểu khai mạc và lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu, các đại biểu, diễn giả tham gia diễn đàn gồm:

– Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương;

– Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Anh Tuấn;

– Phó Cục trưởng Cục tin học hoá, Bộ TT&TT Nguyễn Hữu Hạnh;

– Chuyên gia cấp cao về đấu thầu của WB Adu-Gyamfi Abunyewa;

– Chuyên gia cấp cao về đấu thầu của ADB Alexander Fox;

– Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La Hà Ngọc Châu;

– Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng Trần Văn Sơn;

– Trưởng Ban Quản lý đấu thầu – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Thúy Hà;

– Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội Hà Tiến Lực.

Diễn đàn bao gồm 2 phiên thảo luận:

Phiên thảo luận 1: Đấu thầu qua mạng “Nhìn lại lộ trình phát triển”

Phiên thảo luận 2: Xây dựng hệ sinh thái cho đấu thầu qua mạng, hướng tới hoàn thành mục tiêu đấu thầu qua mạng vào năm 2025

Khai mạc Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018

Khai mạc Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên thế giới, việc áp dụng đấu thầu qua mạng là xu thế tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính. Nhận thức sâu sắc về điều này, ngày 29/11/2005, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Đấu thầu, theo đó tại Điều 30 đã quy định về hình thức đấu thầu qua mạng, tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng mô hình đấu thầu qua mạng tại Việt Nam.

Được sự chấp thuận của Chính phủ, với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc, từ năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Hệ thống đấu thầu qua mạng và tiến hành thí điểm tại 03 cơ quan là UBND Thành phố Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. Kết quả của giai đoạn thí điểm là cơ sở thực tiễn để đưa các nội dung về đấu thầu qua mạng đầy đủ hơn vào Luật đấu thầu 2013 và các văn bản hướng dẫn luật, theo đó, đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 2016.

Với quyết tâm chính trị rất cao, trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&ĐT, ngày 13/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1402/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025. Nhờ vậy đấu thầu qua mạng đã có những bước phát triển vượt bậc. Đến nay đã có tổng cộng gần 23.000 gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng, trong đó chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2018 đã có gần 9.000 gói thầu được đấu thầu qua mạng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017 trong đó có những gói thầu quy mô lớn có giá trị lên tới gần 200 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm bình quân đạt 9%, trong khi đấu thầu truyền thống đạt khoảng 7%.

Nhờ các quy trình được điện tử hóa, tài liệu được mẫu hóa, công tác đấu thầu trở nên đơn giản, nhanh chóng, chính xác và thuận tiện hơn. Đặc biệt thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các nhà thầu có được môi trường cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng, minh bạch. Đây là công cụ hiệu quả giúp loại bỏ các tiêu cực, tham nhũng, đồng thời tiết giảm mạnh mẽ chi phí, tiết kiệm ngân sách Nhà nước,  mang lại lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp và toàn xã hội.

Theo định hướng của Chính phủ tại Quyết định 1402/QĐ-TTg, mục tiêu phát triển đấu thầu qua mạng đến năm 2025 là:

– 100% các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

– Tối thiểu 70% số lượng gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

– 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Trong thời gian tiếp theo, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, đào tạo nâng cao năng lực, tuyên truyền phổ biến đến các đối tượng tham gia, tăng cường đầu tư để hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật Hệ thống.

Mặc dù kết quả bước đầu đã đạt được là rất khả quan, song để hiện thực hóa những mục tiêu nêu trên, nhiệm vụ đặt ra đối với phát triển đấu thầu qua mạng còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Với ý nghĩa đó, Bộ KH&ĐT tổ chức điễn đàn đấu thầu qua mạng này nhằm chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm từ đó nâng cao nhận thức về phương thức đấu thầu hiện đại và hiệu quả này. Bộ KH&ĐT rất mong sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ, chung tay của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí và toàn xã hội để tạo đồng thuận, giúp chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu thầu nói chung, đặc biệt là đấu thầu qua mạng.

9:00 – Mở đầu Phiên thảo luận 1 “Đấu thầu qua mạng: Nhìn lại lộ trình phát triển”, Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLĐT (Bộ KH&ĐT) cho biết: Từ giai đoạn ban đầu chỉ có 3 đơn vị thí điểm thì đến ngày 1/1/2016 đã triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng trên phạm vi cả nước. Con số tiết kiệm qua đấu thầu qua mạng hơn 9%, cao hơn con số tiết kiệm chung của đấu thầu truyền thống (6,98%).

Tuy nhiên, đấu thầu qua mạng hiện vẫn gặp khó khăn như: Khó khăn về hạ tầng (hệ thống). Khó khăn thứ 2 là về con người thực thi, nhất là nhận thức của những con người thực hiện. Họ vẫn quen với cách thức làm cũ nên không quyết tâm hoặc ngại thực hiện đấu thầu qua mạng.

9:10 – Bà Phạm Thúy Hà, Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Giai đoạn 2009 – nay, EVN cũng đạt được 1 số thành tích đáng ghi nhận. Cái được của EVN là thay đổi về nhận thức đấu thầu qua mạng (ĐTQM), 2009 chỉ có hơn 10 gói thầu, 2016 đã có 1.800 gói thầu, 2017 gần 4.000 gói thầu và nửa đầu năm 2018 đã triển khai trên 4.500 gói thầu. Gần đây EVN đã triển khai ĐTQM một số gói thầu quy mô từ 200 tỷ đồng trở lên. Đấy là những con số biết nói.

9:20 Ông Adu-Gyamfi Abunyewa, chuyên gia cấp cao về đấu thầu của WB cho biết, hệ thống đấu thầu qua mạng hiện vẫn còn hạn chế về năng lực, tính năng. WB đã làm việc với Việt Nam để nâng cấp hệ thống, nâng cao năng lực và nhận thức của các bên liên quan. Năm 2016, WB đã quyết định áp dụng đấu thầu qua mạng đối với một số gói thầu quy mô nhỏ sử dụng vốn vay của WB. Quá trình hợp tác đã đưa lại những kết quả tích cực. Vì vậy, các bên liên quan nên hợp tác với Cục QLĐT, Bộ KH&ĐT để đưa môi trường đấu thầu của Việt Nam thực sự minh bạch hơn. Ngân hàng Thế giới đang làm việc với ADB để cùng hỗ trợ Cục QLĐT tiếp tục phát triển Hệ thống.

Tất cả các quốc gia đều bắt đầu từ những bước đầu rất khó khăn. Đơn cử Mông Cổ và Malaysia đều xây dựng Hệ thống từ những bước sơ đẳng ban đầu sau đó điều chỉnh dần để thích ứng với từng hoàn cảnh và đã thành công. Hiện Cục QLĐT cũng đang làm như vậy.

Về tính khả thi trong thực tiễn của Hệ thống, ông Adu Gyamfi Abunyewa cho biết, khó có quốc gia nào có thể đưa vào từ đầu một hệ thống ĐTQM hoàn hảo. Mỗi quốc gia có một đặc thù, quy định riêng về mua sắm, vì thế không thể có thể “bê nguyên” một hệ thống ĐTQM hoàn hảo nào của 1 quốc gia nào đó để áp dụng cho mình. Vấn đề là cách thức để chúng ta vận dụng làm sao cho hiệu quả và phù hợp.

9:30 – Bà Hà Ngọc Châu, Phó GĐ Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La: Trong công tác đấu thầu, Sơn La nhận thức được ưu điểm của đấu thầu qua mạng. Từ năm 2017, Sơn La bắt đầu thực hiện đấu thầu điện tử và đã thực hiện được 53 gói đấu thầu điện tử. Từ đầu năm 2018 đến nay đã thực hiện được 115 gói đấu thầu điện tử.

Bà Hà Ngọc Châu, Phó GĐ Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La

Về phía địa phương, qua kết quả triển khai ĐTQM cho thấy, đấu thầu qua mạng đã đưa lại công bằng, minh bạch cho các bên, thu hút được nhiều nhà thầu quan tâm hơn. Đối với phía chủ đầu tư/bên mời thầu thì giảm được các chi phí, thời gian. Phía nhà thầu thì không phải đi lại nhiều lần. Theo đấu thầu truyền thống, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu qua mạng đạt cao hơn đấu thầu truyền thống, có gói thầu giảm tới 9,5% nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Bà Châu nói tiếp: Hiện Sơn La đang cố gắng thu hút nhiều nhà thầu tham gia Hệ thống. Các bên mời thầu cho biết tỷ lệ giảm giá trong đấu thầu chúng tôi thường thấy ở mức 1-2% nhưng có những gói đấu thầu qua mạng giảm đến 9,5% mà hiệu quả chất lượng công trình vẫn đảm bảo tốt. Các gói thầu mà Sơn La thực hiện chỉ trên 1 tỷ đến dưới 20 tỷ đồng là phổ biến nhưng chúng tôi thấy rất hiệu quả.

9:40 – Ông Hà Tiến Lập, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội cho rằng, đấu thầu qua mạng sẽ triệt tiêu yếu tố tiêu cực trong đấu thầu. Làm ĐTQM sẽ giảm được nhiều loại chi phí cho doanh nghiệp. Đấu thầu qua mạng là môi trường bình đẳng cho các nhà thầu cạnh tranh công bằng. Có thể mới làm thì các doanh nghiệp sẽ e ngại nhưng khi bắt tay vào nhập cuộc thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.

Ông Hà Tiến Lập, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội

Chúng tôi tham gia đấu thầu qua mạng đã 6 năm và thấy Hệ thống có những cải tiến rất rõ ràng. Nhà thầu có thể giảm các chi phí ít nhất  3-5% tùy mỗi gói thầu khi tham gia đấu thầu qua mạng.

9:55 – Chia sẻ về công tác đấu thầu qua mạng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLĐT (Bộ KH&ĐT) cho biết, nhìn lại những ngày đầu triển khai ĐTQM chúng ta thấy đến nay đã có thay đổi rất nhiều. Những ngày đầu triển khai thí điểm ngay cả cơ sở pháp lý còn rất thiếu. Đến nay, chúng tôi có thể tự tin khẳng định hệ thống cơ sở pháp lý đã tương đối đầy đủ.

Thực tế qua 3 năm triển khai ĐTQM, một điều đáng buồn là theo lộ trình quy định trong số 119 cơ quan thực hiện công tác đấu thầu thì còn 41 cơ quan chưa thực hiện gói thầu nào đấu thầu qua mạng. Một số cơ quan ban đầu nói còn nhiều khó khăn này khó khăn kia khi triển khai đấu thầu qua mạng nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì lại làm rất tốt. Vì vậy, vấn đề thay đổi nhận thức là rất quan trọng để thúc đẩy áp dụng ĐTQM.

Hiện Bộ KH&ĐT đang phối hợp WB và ADB để hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, chúng tôi đang xây dựng thêm một số tiện ích khác để tạo thuận lợi cho người dùng. Một mình Bộ KH&ĐT rất khó để có thể thực hiện thành công. Chúng tôi kỳ vọng sự chia sẻ và tham gia tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các nhà tài trợ như WB, ADB, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp để phát triển Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Bà Phạm Thúy Hà, Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Chia sẻ về việc vượt qua khó khăn khi thực hiện ĐTQM, bà Thúy Hà (EVN) cho biết: EVN những ngày đầu vượt qua khó khăn bắt đầu từ việc nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện công tác đấu thầu. Chúng tôi mời các anh bên Cục QLĐT tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo, tuyên truyền. Tiếp đó vận động một số đơn vị tham gia thực hiện. 3 năm gần đây EVN đưa ra tiêu chí chấm điểm cho người đứng đầu đơn vị trong việc tham gia thực hiện ĐTQM. Ban đầu mới là chỉ tiêu khích lệ, nhưng từ 2017 đưa vào thành chí tiêu bắt buộc. Khi thực hiện rồi thì Lãnh đạo các đơn vị bắt đầu thấy giảm được nhiều chi phí cho đơn vị, đầu tiên là giảm chi phí in ấn, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu ngày càng cao, chi phí thực hiện các công việc hành chính khi tổ chức ĐTQM. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới hiệu quả còn tăng lên nữa.

Về việc khuyến khích các DN tham gia ĐTQM, ông Adu Gyamfi Abunyewa, (World Bank tại Việt Nam) chia sẻ, vấn đề là nhận thức của DNNVV đối với ĐTQM. Họ cần nhận thức đây là công cụ tốt cho họ để có nhiều cơ hội để nắm lấy gói thầu bởi theo thời gian, số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM sẽ ngày càng tăng. Cục QLĐT cần tuyên truyền để họ thấy được rằng, họ hoàn toàn có thể tham gia vào hệ thống ĐTQM để nắm bắt “kho tàng” cơ hội này. WB sẽ hỗ trợ Bộ KH&ĐT nâng cấp hệ thống và cần có chế độ khuyến khích để hỗ trợ nhà thầu tham gia vào hệ thống này, có phương thức giới thiệu, giải thích để nhà thầu làm quen và sử dụng hệ thống ĐTQM.

Ông Adu Gyamfi Abunyewa nói tiếp, một điều mà chính phủ rất quan tâm là thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trên thực tế Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có rất nhiều cơ hội cho DNNVV tham gia và tận dụng cơ hội kinh doanh, phát triển. Các DN này có thể tìm hiểu để biết gói thầu nào thích hợp với mình để lựa chọn tham gia. Đối với các dự án của WB, 80% vốn các dự án chúng tôi tài trợ là áp dụng đấu thầu cạnh tranh trong nước. Chúng tôi khuyến khích các DN của Việt Nam tham gia Hệ thống và tìm cơ hội tham gia các gói thầu của chúng tôi. Chúng tôi mong Cục QLĐT đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích các DN tham gia Hệ thống. Có nhiều DN muốn tham nhưng chưa biết về Hệ thống, chúng ta có thể đào tạo, hướng dẫn họ để họ hiểu được Hệ thống này để họ có thể tự tin tham gia Hệ thống. Hy vọng sắp tới Cục QLĐT có thể giúp nâng cao nhận thức của khối DN này để họ có thể tham gia Hệ thống nhiều hơn.

10:10 – Trả lời các vấn đề của các diễn giả, ông Nguyễn Anh Tuấn (Cục QLĐT) nói: Chúng tôi rất vui mừng nhận được chia sẻ của các Tập đoàn, công ty, các địa phương cũng như phía WB. Hiện trung bình mới chỉ có 2,67 nhà thầu tham gia trên một gói thầu thực hiện ĐTQM. Điều này cho thấy có nhiều nhà thầu chưa biết để tham gia hoặc biết nhưng chưa tự tin để tham gia đấu thầu điện tử. Chúng tôi rất đồng tình với ông Adu về việc nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống và tăng cường hỗ trợ, truyền tải thông điệp và khuyến khích các bên liên quan tham gia Hệ thống.

Khó khăn hiện nay là nhận thức của các bên về ĐTQM chưa cao, niềm tin của nhà thầu vào hệ thống vẫn chưa cao. Hiện nhà thầu vẫn chưa thực sự tin tưởng để tham gia vào hệ thống ĐTQM, tỷ lệ nhà thầu tham gia ĐTQM trung bình vẫn nhỏ hơn 3 nhà thầu/gói thầu.

Kết luận phiên thảo luận 1, ông Nguyễn Anh Tuấn (Cục QLĐT) cho biết, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về các gói thầu trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT với trách nhiệm là cơ quan nhà nước về đấu thầu sẽ nghiên cứu phương án để thông tin với các nhà thầu về nhóm các gói thầu mà họ quan tâm, thay vì họ phải truy cập để tìm đơn lẻ từng gói thầu được đăng tải trên Hệ thống. Cục QLĐT cũng mong những nhà thầu đã thực hiện thành công các gói thầu qua mạng hãy chia sẻ những kinh nghiệm này tới những nhà thầu khác.

10:15 – Diễn đàn bước vào phần hỏi đáp cho phiên thảo luận 1 và chuyển sang phiên thảo luận 2. Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) chủ trì phiên thảo luận thứ 2 “Xây dựng hệ sinh thái cho đấu thầu qua mạng, hướng tới hoàn thành mục tiêu đấu thầu qua mạng vào năm 2025”.

10:55 – Bắt đầu vào phiên thảo luận 2, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục QLĐT (Bộ KH&ĐT) cho biết, xây dựng hệ sinh thaí cho đấu thầu qua mạng dựa trên 3 trụ cột: Thứ nhất là môi trường, khuôn khổ pháp lý, tạo ra “cuộc chơi”; Thứ hai là xây dựng công cụ để “chơi”; Thứ ba là mọi người trong môi trường đó nhận thức đầy đủ về cuộc chơi công cụ “chơi”. Tuy nhiên, trở ngại cho vấn đề này là cần thay đổi nhận thức. Chúng ta thảo luận những giá trị cốt lõi, lợi ích rõ ràng thế nhưng các bên lại không chịu tham gia. Nhiều thành phố lớn nói quan ngại, khó, trong khi đó một tỉnh nhỏ như Sơn La làm tốt. Phải thay đổi được nhận thức, có sự đồng thuận chúng ta mới tạo được hệ sinh thái.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục tin học hoá (Bộ TT&TT)

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục tin học hoá (Bộ TT&TT) nói: Chính phủ có rất nhiều chính sách phát triển ứng dụng thương mại điện tử trong đó có đấu thầu qua mạng. Việc ứng dụng tin học hóa trong phát triển đấu thầu qua mạng có rất nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm chi phí như không phải in ấn hồ sơ, có thể ngồi ở nhà tham dự thầu hay có những tác dụng phụ như giảm ùn tắc giao thông chẳng hạn. Ngoài ra có hiệu quả lớn trong việc tăng cường công khai minh bạch, hạn chế tham nhũng.

11:10 – Đơn vị đi đầu trong triển khai ĐTQM, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng nhận thức rõ hiệu quả của ĐTQM. Đấu thầu truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro, các nhà thầu cấu kết với nhau, kiểu như anh làm chỗ này tôi làm chỗ kia, do đó không tiết kiệm được qua đấu thầu. Tại Đà Nẵng, ĐTQM tiết kiệm được từ 10-15%. Mỗi năm chúng ta chi khoảng 40 nghìn tỷ trong khi nguồn thu từ dầu thô của chúng ta chỉ 30 nghìn tỷ, do vậy nếu ĐTQM tiết kiệm 10-15% của 40 nghìn tỷ thì con số rất lớn.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng

Ông Sơn nói tiếp, Đà Nẵng đưa ra danh mục và yêu cầu bắt buộc đấu thầu qua mạng trong thời gian qua, đặt mục tiêu thực hiện cao hơn con số Thủ tướng yêu cầu về ĐTQM. Sắp tới chúng tôi hy vọng rút ngắn được thời gian thực hiện so với lộ trình được đưa ra.

Ông Alexander Fox, Chuyên gia Đấu thầu Cao cấp, Cơ quan Đại diện Thường trú tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chia sẻ về bài học thành công và kinh nghiệm triển khai ĐTQM ở châu Á, con đường ĐTQM là con đường gian nan, gồ ghề và nhiều thách thức. Hiện Việt Nam đã có lộ trình áp dụng ĐTQM.

Ví dụ là ở Băng La Đét, khi họ áp dụng ĐTQM, đất nước này cũng gặp khó khăn tương tự như ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình áp dụng đấu  thầu qua mạng của họ đã cho thấy số lượng nhà thầu quan tâm nộp HSDT nhiều hơn bình thường (thông thường chỉ có 2 – 3 nhà thầu), còn thực hiện ĐTQM có tới 9 -10 nhà thầu.

Hơn nữa, ĐTQM nâng cao trách nhiệm giải trình cho các bên liên quan, từ chủ đầu tư – nhà thầu, mỗi bước đi đều được in dấu qua mạng internet nên trong cách làm cũng thận trọng hơn, rõ ràng hơn. Tôi cho rằng, mô hình và hoàn cảnh áp dụng ĐTQM ở Băng La Đét giống Việt Nam và Việt Nam có thể tham khảo. Trong quá trình sử dụng, hệ thống ĐTQM cũng cần được nâng cấp và điều chỉnh liên tục nhưng nhất quán để ngày càng tạo thuận lợi hơn cho người sử dụng, phù hợp hơn với thực tiễn.

11:30 – Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục QLĐT (Bộ KH&ĐT) cho biết, trên thế giới các quốc gia phát triển ĐTQM thường trải qua 3 giai đoạn: khởi đầu, phát triển và chín muồi. Hiện chúng ta đang có những gói thầu ở giai đoạn chín muồi nhưng cũng có những gói thầu đang ở giai đoạn khởi đầu. Về kế hoạch sắp tới thực hiện chỉ tiêu 100% gói thầu đăng thông tin qua mạng thì chúng tôi nghĩ sẽ đạt được nhưng không chỉ dừng tại đó mà cần các thông tin sâu hơn về các gói thầu. Chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà thầu liệt kê hết các gói thầu, các hợp đồng thực hiện gói thầu trên Hệ thống. Chủ đầu tư sẽ vào Hệ thống để biết năng lực nhà thầu đến đâu mà không phải yêu cầu 1 bộ hộ sơ năng lực nữa. Điều này giúp tiết kiệm chi phí rất lớn và tránh hiện tượng khai man năng lực.

12:00 – Phát biểu kết thúc, Cục trưởng Cục QLĐT Nguyễn Đăng Trương trân trọng cám ơn các vị đại biểu tham dự diễn đàn: “Đến giờ này hầu hết đại biểu vẫn đồng hành cùng chúng tôi trong Diễn đàn. Cám ơn các nhà tài trợ đã luôn đồng hành cùng chúng tôi. Chúng tôi hứa sẽ xây dựng một hệ thống ĐTQM ngày càng đáp ứng yêu cầu về cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả.”

Nguồn: baodautu.vn / baodauthau.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo