Trình Chính phủ phương án mua điện mặt trời theo giá cố định
Bộ Công Thương đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời theo phương án cố định, trong đó giá dự án điện mặt trời mặt đất là 1.620 đồng/kWh và dự án điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh. Để được hưởng ưu đãi, dự án, phần dự án điện mặt trời nối lưới phải được cấp chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại từ 1/7/2019 đến 31/12/2020.
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây về hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, bổ sung sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, Bộ Công Thương đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam theo giá bán điện cố định (giá FIT).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, giá mua điện theo đề xuất này không ảnh hưởng đến giá bán lẻ điện và giá mua điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).Cụ thể, những dự án hoặc phần dự án điện mặt trời nối lưới đã được cấp chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại từ 1/7/2019 đến 31/12/2020 được áp dụng hưởng giá ưu đãi 7,09 UScent/kWh, tương đương 1.620 đồng với dự án điện mặt trời mặt đất và 7,69 UScent/kWh, tương đương 1.758 đồng với dự án nối. Mức giá này chưa bao gồm VAT.
Lý giải về phương án này, Bộ Công Thương cho biết nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và nhà đầu tư bỏ nhiều thời gian, kinh phí hoàn thành các thủ tục quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị xây dựng, thi công các hạng mục phụ trợ và hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật. Trong khi đó, các dự án chưa ký được hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN phần lớn là do nguyên nhân khách quan. Nếu những dự án này chuyển sang đấu thầu cạnh tranh có khả năng chậm tiến độ dự án, tăng thời gian, chi phí của nhà đầu tư và giảm hiệu quả dự án.
Ngoài ra, nếu chỉ vì chưa có cơ chế về mua bán điện mà dự án đã được cấp chủ trương đầu tư không được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến cam kết đầu tư của UBND tỉnh, môi trường đầu tư và uy tín chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Hiện, 36 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất đạt khoảng gần 3.000MW đáp ứng được tiêu chuẩn theo đề xuất nêu trên của Bộ Công Thương.
Trước đó, Bộ Công Thương đã dự thảo 2 phương án giá mua điện trình Chính phủ vào vào 6/2. Phương án 1: những dự án hoặc phần dự án điện mặt trời nối lưới đã ký hợp đồng mua bán điện, đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn 1/7/2019 đến 31/12/2020 được áp dụng biểu giá mua điện các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện quy định.
Hiện có 7 dự án đã được ký PPA với tổng công suất khoảng 320 MW và đáp ứng điều kiện dự án đã, đang triển khai thi công xây dựng trước 23/11/2019. Còn lại, phương án 2 là đề xuất Bộ Công Thương vừa lựa chọn để trình Chính phủ.
Vào giữa tháng 1, Bộ Công Thương cũng trình Thủ tướng đề xuất lấy giá mua điện vùng III làm cơ sở giá mua điện mặt thay vì nhiều vùng giá như những dự thảo quyết định trước đây. Trong đó, điện mặt trời nổi có giá bán 1.758 đồng/kWh, điện mặt trời áp mái có giá bán 1.916 đồng/kWh và đện mặt trời mặt đất là 1.620 đồng/kWh.
Ở thời điểm đó, Bộ Công Thương lý giải đề xuất lấy giá vùng III là nhằm áp dụng cơ chế phát triển điện mặt trời bền vững, phù hợp với xu hướng giá công nghệ giảm, giảm sức ép tăng giá điện bán lẻ và hệ thống điện mặt trời áp mái chủ yếu tập trung ở phía Nam (chiếm 73%).