Triển khai khảo sát Dự án Nhà máy điện sinh khối PIR-1 Quảng Bình
UBND tỉnh Quảng Bình vừa có văn bản đồng ý cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng sinh khối Hoàng Gia tiến hành nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch Dự án Nhà máy điện sinh khối PIR-1 Quảng Bình, tại Khu Công nghiệp Bang, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (Văn vản số: 2702/VPUBND-KT, ngày 3/8/2020).
Theo đó, Dự án Nhà máy điện sinh khối PIR-1 Quảng Bình do Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng sinh khối Hoàng Gia làm chủ đầu tư. Địa điểm tại Khu Công nghiệp Bang, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Dự án có quy mô tổng công suất khoảng 50 MW, chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn phát triển 25 MW. Sản lượng điện phát lên lưới 137,1 GWh/năm (giai đoạn 1); toàn dự án 274,4 GWh/năm (toàn dự án).
Diện tích khu vực nhà máy khoảng 20 ha; thời gian thực hiện khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ xin bổ sung Quy hoạch điện là 8 tháng.
Cấp điện áp đấu nối vào lưới điện quốc gia là 110 kV; điểm đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 110 kV Áng Sơn – Vĩnh Linh. Xây dựng trạm biến áp nâng áp 10,5/110 kV Nhà máy điện sinh khối PIR 1-Quảng Bỉnh, công suất 2×40 MVA. Giai đoạn 1 lắp 1×40 MVA.
Đường dây đấu nối, xây dựng đường dây 100 kV mạch kép từ Nhà máy điện sinh khối PIR 1-Quảng Bình đấu nối chuyển tiếp vào đường dây 110 kV Áng Sơn – Vĩnh Linh, chiều dài 2×4 km, sử dụng dây dẫn tiết diện ACSR240.
Tổng mức đầu tư của dự án là 2.420 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1 là 1.310 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án: Thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng (từ quý 3/2020 đến quý 3/2021); Khởi công xây dựng, mua sắm thiết bị và hoàn thành lắp máy, thiết bị (từ quý 4/2021); Đưa hệ thống thiết bị vào vận hành, phát điện lên lưới – hoàn tất giai đoạn 1 của dự án (quý 4/2023); Hoàn thành toàn bộ dự án (quý 4/2025).
UBND tỉnh Quảng Bình lưu ý việc nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch bổ sung Dự án Nhà máy điện sinh khối PIR-1 Quảng Bình phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch đất năng lượng, đất trong khu công nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; lựa chọn công nghệ tiên tiến, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực từ khí thải, rác thải của nhà máy; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường sinh thái; không làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương trong vùng. Đồng thời, tạo được sự đồng thuận của người dân trong quá trình nghiên cứu, khảo sát thực hiện Dự án.
UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Công Thương làm đầu mối chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện khảo sát, nghiên cứu thực địa, lập hồ sơ bổ sung Quy hoạch điện; Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Nhà đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan về đầu tư theo đúng quy định.
Liên quan đến vấn đề phát triển năng lượng tại Quảng Bình, mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đồng ý với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trong định hướng quy hoạch, phát triển tỉnh Quảng Bình trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước, trên cơ sở các điều kiện, tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển các dự án điện sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tiếp tục nghiên cứu, xem xét hướng dẫn, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII các dự án điện trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, quy trình và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời xem xét bổ sung các dự án điện sinh khối, điện rác và thủy điện nhỏ đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).
Theo nguồn tin của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, thành viên sáng lập của Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng sinh khối Hoàng Gia là những nhà đầu tư, chuyên gia đầu ngành nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo (năng lượng điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối…). Đặc biệt là sự tham gia hợp tác đầu tư tài chính của các Quỹ đầu tư năng lượng tái tạo quốc tế.
Lĩnh vực hoạt động của Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng sinh khối Hoàng Gia là: Sản xuất điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời; Phân phối và mua bán điện; Tư vấn đầu tư và tài chính ngành điện; Tư vấn pháp lý dự án năng lượng tái tạo; Chuyển giao công nghệ sản xuất điện và Tổng thầu EPC dự án năng lượng tái tạo.
Theo dự kiến, trong năm 2020, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng sinh khối Hoàng Gia sẽ đầu tư các dự án điện sinh khối: PIR-1 Quảng Bình (50 MW); PIR-3 Hà Tĩnh (50 MW); PIR-5 Bình Phước (50 MW). Trong giai đoạn đến năm 2021-2025, sẽ tiếp tục đầu tư các dự án: PIR-4 Nghệ An; PIR-8 Quảng Trị; PIR-2 Quảng Ngãi; PIR-6 Bình Định; PIR-7 Gia Lai; PIR-10 Đắk Lắk.
Mục tiêu đến năm 2025 của Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng sinh khối Hoàng Gia là phát triển các dự án điện sinh khối đạt sản lượng 500 MW hòa vào lưới điện quốc gia./.
Nguồn nangluongvietnam.vn