TP. HCM thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất, khu công nghiệp
(VNF) – Dự kiến đến năm 2041 và một số năm tiếp theo sẽ có một số khu chế xuất, khu công nghiệp hết thời hạn 50 năm thuê đất của nhà nước, vùng không gian xung quanh các khu này đã rất đông dân cư và là các đô thị phát triển. Do vậy cần phải xác định một lộ trình thích hợp từng bước chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu theo các mô hình mới, hiệu quả hơn.
Văn phòng UBND TP. HCM vừa có thông báo về hoàn chỉnh kế hoạch triển khai đề án “Định hướng phát triển các Khu chế xuất, khu công nghiệp TP. HCM giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” và đề án “Chuyển đổi thí điểm 5 khu chế xuất, khu công nghiệp”.
Theo đó, đối với đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. HCM giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, UBND TP. HCM giao Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố hoàn chỉnh đề án và kế hoạch triển khai đề án theo Kết luận số 514- KL/TU ngày 28/2/2023 của ban Thường vụ Thành ủy, trình UBND phê duyệt.
Cụ thể, năm 2023, hoàn thành việc xây dựng chính sách để triển khai thực hiện đề án trong việc chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp; bao gồm các nội dung như: Tích hợp phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp vào Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030; tiêu chí công nghệ của doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hoặc di dời khỏi khu chế xuất, khu công nghiệp; chuẩn bị quỹ đất tiếp nhận doanh nghiệp di dời, chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp…
Để đảm bảo tiến độ và nguồn lực triển khai, Ban Quản lý xem xét việc thuê đơn vị tư vấn thực hiện. Nguồn kinh phí nghiên cứu các chính sách nêu trên ưu tiên sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ TP. HCM (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM).
Giai đoạn 2024-2030, triển khai chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp; triển khai khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh với tổng quy mô 668 ha sau khi Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của thành phố.
Ban Quản lý tham gia tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các khu công nghiệp đã có quyết định thành lập nhưng chưa triển khai (bao gồm các khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Phong Phú, Vĩnh Lộc mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng) và các khu công nghiệp đã có trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp TP. HCM nhưng chưa được thành lập (Hiệp Phước 3, Vĩnh Lộc 3).
Giai đoạn 2031 – 2045 bao gồm các công việc kiểm tra, giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi công nghệ hoặc di dời.
Đối với đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu chế xuất, khu công nghiệp Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu, UBND TP. HCM giao Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. HCM chủ động làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố để thống nhất nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu chế xuất, khu công nghiệp (thực hiện song song với việc nghiên cứu các chính sách để triển khai chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp nêu trên). Thời gian hoàn thành là tháng 6/2024.
Đây sẽ là 5 khu sản xuất công nghiệp đầu tiên của TP. HCM sẽ được lập đề án thí điểm chuyển đổi. Hiện có hơn 700 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động sản xuất trong 5 khu này.
Theo quy hoạch, TP. HCM có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích gần 6.000ha. Đến nay, đã có 19 khu chế xuất, khu công nghiệp được thành lập, trong đó 17 địa điểm đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%.
Từ khi triển khai đến nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố đã thu hút 1.665 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của các nơi này khoảng 8 tỷ USD, chiếm khoảng 21% kim ngạch xuất khẩu của thành phố (trừ dầu thô).
Dự kiến đến năm 2041 và một số năm tiếp theo sẽ có một số khu chế xuất, khu công nghiệp hết thời hạn 50 năm thuê đất của nhà nước, vùng không gian xung quanh các khu này đã rất đông dân cư và là các đô thị phát triển. Do vậy cần phải xác định một lộ trình thích hợp từng bước chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu theo các mô hình mới, hiệu quả hơn. Tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ.
Nguồn: vietnamfinance