TP HCM sẽ cấp giấy phép xây dựng khu đô thị lấn biển Cần Giờ trong hai năm tới
Giai đoạn từ nay đến ngày 30/4/2025, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy phép xây dựng để doanh nghiệp tiến hành đầu tư khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Ngày 8/8, UBND TP HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2025). Trong đó, thành phố chốt kế hoạch đầu tư khu đô thị lấn biển Cần Giờ, nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.
Cụ thể, TP HCM dự kiến thời điểm ngày 30/4/2025, dự án sẽ được cấp Giấy phép xây dựng để tiến hành đầu tư theo quy định.
Đối với dự án này, hồi tháng 5, UBND huyện Cần Giờ đã công bố hồ sơ dự thảo điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/500.
Theo đó, khu đô thị lấn biển Cần Giờ là khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, M.I.C.E (hội thảo hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng), đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn,…
Quy mô quy hoạch toàn khu là 2.870 ha. Quy mô dân số tối đa 228.506 người; quy mô khách du lịch là 8,9 triệu lượt/năm. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 32.516 tỷ đồng.
Các vị trí đề xuất điều chỉnh thuộc các phân khu A, B, C, D, E trong ranh giới 2.870 ha của khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Tại phân khu A, diện tích khu sân golf đã phê duyệt khoảng 146,7 ha, sau khi điều chỉnh tăng lên 155,2 ha (tăng 8,5 ha). Qũy đất sân golf tăng để tăng quỹ đất bố trí các công trình tiện ích của sân golf và mở rộng các không gian cách ly với khu vực xung quanh.
Về giao thông, nắn chỉnh một số đoạn của tuyến đường vòng trung tâm để đảm bảo khả năng khai thác hợp lý – kết nối thuận tiện, tăng cường kết nối với bãi tắm công cộng và các khu tập trung đông người.
Khu A giữ nguyên cấu trúc và các khu chức năng chính theo quy hoạch được duyệt. Bổ sung quần thể trung tâm hội nghị, kết hợp quảng trường cây xanh trên trục chính thương mại dịch vụ. Bố trí các công trình cao tầng tại khu vực trung tâm cửa ngõ và khai thác yếu tố nước dẫn vào từng nhóm nhà ở A1, A4, A6.
Khu B giữ nguyên cấu trúc và các khu chức năng chính theo quy hoạch được duyệt. Bổ sung sân vận động cấp đô thị tại khu vực cửa ngõ.
Bố trí cụm công trình cao tầng TMDV kết hợp khu trung tâm phân khu A tạo tính đối xứng, hình thành quần thể điểm nhấn tại khu trung tâm. Khai thác không gian cảnh quan mặt nước vào các đơn vị ở B3, B4.
Khu du lịch bố trí tiếp giáp khu TMDV, công cộng đô thị là các quần thể công trình thương mại dịch vụ từ cao cấp đến khách sạn mini.
Khu C giữ nguyên cấu trúc và các khu chức năng chính theo quy hoạch được duyệt. Bố trí khu ở cao tầng, văn phòng, TMDV quanh khu vực tháp 108 tầng. Mật độ xây dựng và tầng tầng cao thấp dần về phía mặt nước cảnh quan trung tâm.
Khu D thay vì chia không gian trục tuyến lưới ô bàn cờ như trước đây, phương án điều chỉnh đã vận dụng giao thông một cách mềm mại vào từng đơn vị ở. Các lớp không gian đô thị chuyển từ động sang tĩnh từ phía biển vào phía mặt nước trung tâm cảnh quan khi bố trí phía ngoài quảng trường biển gắn với các khu du lịch, nhà phố thương mại và phía trong khái thác ở sinh thái mật độ thấp.
Toàn bộ diện tích khu E là mặt nước cảnh quan trung tâm. Là không gian kết nối toàn khu, với điểm nhấn là cầu vượt mặt nước trung tâm cảnh từ phía Đông Bắc nối với mũi Hải Đăng. Cơ bản giữ nguyên theo quy hoạch đã duyệt.
Nguồn : vietnammoi