TP.HCM: 127 dự án đang chờ doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư
Sáng ngày 17/3, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố với các doanh nghiệp với chủ đề “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TP.HCM nhanh, bền vững”.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố để có những con số tăng trưởng ấn tượng như: năm 2017, thu hút đầu tư đạt 365.710 tỷ đồng, thu ngân sách hơn 348.000 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài trong 2 năm 2016-2017 đạt 10,06 tỷ USD, gần bằng với thu hút trong 5 năm 2011-2015 là 10,36 tỷ USD.
Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh: Việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố phát triển cần sự chung tay, đồng hành của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, lãnh đạo thành phố đã lắng nghe, nỗ lực giải quyết những khó khăn vướng mắc và có nhiểu hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp thành phố và doanh nghiệp cả nước chủ yếu là vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực cạnh tranh còn hạn chế, cần nhiều hơn nữa các cơ chế, biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn.
Ông Nguyễn Xuân Hàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM đánh giá, một số quy định hiện nay chưa phù hợp như: yêu cầu xuất xứ sản phẩm… trong lĩnh vực đấu thầu khiến doanh nghiệp Việt đứng ngoài cuộc hoặc chỉ được là nhà thầu phụ ngay trong chính các dự án đầu tư công của thành phố. Quy định này hoàn toàn có thể cụ thể hóa thành những yêu cầu mà doanh nghiệp có thể đáp ứng được.
Khi chính quyền đã lắng nghe doanh nghiệp và có sự điều chỉnh quy định thì việc điều chỉnh ấy cũng phải nhanh chóng đi vào cuộc sống mới có hiệu quả. Vì trên thực tế, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, hiện nay Trung ương và chính quyền thành phố chuyển rất nhanh trong ban hành các chính sách mới hoặc điều chỉnh các quy định cho phù hợp thực tế hoạt động của doanh nghiệp; nhưng khi xuống đến các sở, ngành chức năng và các địa phương thì hay bị ách tắc.
Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn tồn tại. Do đó, bà Chi đề nghị lãnh đạo các sở ngành phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong lĩnh vực của mình khi thực thi hành chính công, từ đó mới có thể giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp một cách triệt để, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, thành phố luôn ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, điều chỉnh. Thành phố cam kết tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.
Ông Phong cho biết, thành phố đang có 127 dự án có tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng đang chờ doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư thực hiện.
TP HCM vừa thông qua 6 nghị quyết để thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có chương trình cải cách hành chính mà trong những kiến nghị của doanh nghiệp để cập rất nhiều. Thành phố cũng xem cải cách hành chính là động lực để tạo ra nhiều đột phá, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tếphát triển.
Nguồn: Báo Đầu tư Online