Bê tông làm từ gai dầu – giải pháp xây dựng thân thiện với môi trường
Nhờ vào công dụng đa dạng của mình, gai dầu đang ngày càng trở thành loại cây trồng được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới. Hạt và hoa từ loại cây này có thể được sử dụng để chế biến thực phẩm, thuốc cùng các sản phẩm làm đẹp;
Trong khi đó sợi và phần thân lại đóng vai trò hữu ích với hoạt động dệt may, làm giấy và chế tạo nhiên liệu sinh học. Nhưng đặc biệt hơn, bằng công nghệ tiên tiến, các nhà khoa học còn có thể sử dụng phế phẩm sót lại sau quá trình gia công gai dầu để làm bê tông, tạo nên một loại vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường.
Đặc tính nổi bật của bê tông làm từ gai dầu nằm ở khả năng cách nhiệt mạnh mẽ. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, giá trị R (giá trị thể hiện tính cách nhiệt) của vật liệu này nằm trong khoảng từ 2.4 – 4.8 trên inch, trong khi giá trị R của bê tông truyền thống là khoảng 0.1 – 0.2 trên inch. Nếu so với vật liệu cách nhiệt làm bằng cotton hoặc sợi thủy tinh, với giá trị R tương ứng khoảng 3.8 và 3.7 trên inch, khả năng cách nhiệt của bê tông gai dầu vẫn chiếm ưu thế hơn.
Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, lớp áo vôi của bê tông gai dầu có tác dụng chống cháy, qua đó tạo điều kiện và thời gian sơ tán cho người dân. Nhờ tính năng đặc biệt này, các đám cháy trong những công trình xây dựng bằng bê tông gai dầu thường sẽ mang tính cục bộ, ít có cơ hội lan rộng; thiệt hại về người và tài sản vì vậy mà được hạn chế một cách đáng kể.
Nhờ hoạt động “thở” của mình, bê tông gai dầu cho phép hơi ẩm bên trong bay hơi dần, qua đó tránh được tình trạng nấm mốc, mối mọt. Ngoài ra, tính chất nhẹ, không độc hại của sản phẩm cũng là yếu tố tác động tích cực tới sức khỏe con người trong môi trường sinh sống và làm việc. Đặc biệt, vật liệu này ít bị co duỗi dưới ảnh hưởng của thời tiết, duy trì yếu tố thẩm mỹ, thậm chí còn tăng được độ bền qua thời gian. Tính nhẹ của vật liệu cũng góp phần chống động đất hiệu quả cho các công trình xây dựng.
Khi xây dựng, bê tông gai dầu ít khi được sử dụng làm kết cấu móng do khả năng chịu lực thấp. Vật liệu này chỉ được sử dụng làm móng thay cho bê tông truyền thống trong một số công trình đặc biệt, khi đã được kỹ sư phê duyệt kỹ lưỡng, cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn xây dựng của địa phương.
Khối kết cấu, tấm panel làm từ bê tông gai dầu có thể thay thế hiệu quả cho khối kết cấu bằng xi-măng và các loại khung gỗ. Điều này góp phần giảm tỉ lệ chặt phá rừng với trung bình 15 tỷ cây cối bị đốn hạ mỗi năm trên toàn cầu như hiện nay. Tình trạng phá rừng giảm sẽ giúp hoạt động hấp thụ khí CO2 từ hệ thống cây xanh gia tăng mạnh mẽ hơn, chống lại hiện tượng trái đất ngày một nóng lên. Bên cạnh đó, quy trình chế tạo bê tông gai dầu không thải ra các loại khí nhà kính, thành phần vôi trong vật liệu cũng có khả năng hấp thụ khí CO2 hiệu quả, càng cho thấy đây là loại giải pháp xây dựng xanh thân thiện với môi trường trong tương lai.
Đình Đức
Theo : Trọng Đức http://kientrucvietnam.org.vn/