Tổng giám đốc Canon Việt Nam chia sẻ bí quyết tăng năng suất lao động
Theo ông Shunji Sawa, Tổng giám đốc Canon Việt Nam, để nâng cao chất lượng và năng suất lao động, cần phải đổi mới sản xuất và loại bỏ lãng phí.
Trao đổi với TheLEADER, ông Shunji Sawa cho rằng quá trình nâng cao năng suất lao động được chia thành ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất là cải tiến công đoạn, nghĩa là loại bỏ sự lãng phí và đình trệ. Giai đoạn thứ hai là cải tiến thao tác, tức là loại bỏ việc lãng phí trong các động tác và việc vận chuyển. Giai đoạn cuối cùng mới là cải tiến thiết bị thông qua việc tự động hóa, giúp quá trình sản xuất rẻ đi, bé đi và đơn thuần đi.
Tổng giám đốc Canon Việt Nam nhấn mạnh, một trong những đặc điểm tốt của người Việt Nam là sự yêu thích các ngành cơ khí cũng như tự động hóa robot và điều này đã giúp Canon Việt Nam đạt được những thành tựu tuyệt vời.
Trả lời về sự khác biệt giữa mô hình cải tiến tại Canon Việt Nam và Canon Nhật Bản, ông Sawa cho biết, trên thực tế hai mô hình này về cơ bản không khác nhau.
Tuy nhiên, do giá thành chi phí nguồn nhân lực có sự khác biệt lớn giữa Việt Nam và Nhật Bản cho nên việc tự động hóa hay cải tiến có chút khác nhau về quy mô đầu tư chứ công nghệ tại Việt Nam thì không chậm hơn so với Nhật Bản.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho áp dụng linh phụ kiện, các thành phần hỗ trợ cho tự động hóa tại Việt Nam cũng có một chút khác biệt.
Canon Việt Nam được thành lập năm 2001 và tới nay đã có ba nhà máy. Trụ sở chính của Canon được đặt tại nhà máy Thăng Long với sản phẩm chính là máy in phun và máy quét ảnh.
Hai sản phẩm trên cũng được sản xuất tại nhà máy Canon Tiên Sơn thuộc Tiên Du, Bắc Ninh. Một nhà máy nữa của hãng này cũng được đặt tại Bắc Ninh là nhà máy Quế Võ với sản phẩm là máy in laze.
Tính đến hết năm 2017, doanh thu của Canon Việt Nam ước đạt 1.756 tỷ USD với số lượng sản xuất máy in phun đạt khoảng 13 triệu máy, in laze đạt 8 triệu máy. Hiện có khoảng 21.500 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nhà máy của Canon.
Nguồn: The Leader