Tóm tắt quy hoạch Khu, Cụm công nghiệp tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030
Giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang đã đưa ra kế hoạch quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhằm khai thác tối đa tiềm năng kinh tế của tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang, nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những tỉnh có tiềm năng kinh tế và phát triển đa dạng nhất tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang đã đưa ra kế hoạch quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhằm khai thác tối đa tiềm năng kinh tế của tỉnh.Tầm nhìn dài hạn đến năm 2050 hướng đến việc biến Kiên Giang trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh cao, đồng thời bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng sinh thái.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG PHỤC VỤ KHU CÔNG NGHIỆP
Giao thông vận tải
Đường bộ:
Hành lang Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu: Là hành lang vùng. Hành lang dọc theo hành lang ven biển phía nam, do tuyến cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu đảm nhận.
Hành lang TP. HCM – Hà Tiên (Kiên Giang): Là hành lang vùng, quốc gia. Hành lang này do tuyến N1 đảm nhận.
Hành lang TP. HCM – An Giang – Rạch Giá (Kiên Giang): Là hành lang vùng, quốc gia.
Hành lang này do QL.80, cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi đảm nhận.
Cảng biển: Quy hoạch hệ thống cảng biển: Căn cứ Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Kiên Giang là cảng biển loại III phục vụ cho việc phát triển KT-XH của địa phương, bao gồm khu bến Rạch Giá, Hòn Chông, Bình Trị – Kiên Lương, Bãi Nò – Hà Tiên, Phú Quốc, quần đảo Nam Du, Thổ Châu. Nhu cầu hàng hóa thông qua năm 2030 khoảng 8,3 đến 15,0 triệu tấn/năm (không kể đến hàng hóa qua cảng chuyên dùng Mũi Đất Đỏ).
Đường hàng không: Cảng hàng không Rạch Giá: Quy hoạch tiêu chuẩn cấp 4C, diện tích đất dự kiến 200 ha; sân bay dùng chung dân dụng và quân sự với công suất thiết kế đến năm 2030 đạt 0,5 triệu hành khách/năm. Đảm bảo khai thác cho các loại máy bay tương đương Airbus A321. Đến năm 2050 nâng cấp quy mô khai thác đạt công suất 1,0 triệu hành khách/năm.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc: Đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn cấp 4E, diện tích đất dự kiến 905 ha, 01 đường băng, công suất thiết kế đạt 10,0 triệu hành khách/năm. Giai đoạn sau năm 2030, đạt tiêu chuẩn cấp 4E, diện tích đất dự kiến 915 ha, 02 đường băng, công suất thiết kế đạt 18,0 triệu hành khách/năm.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP
Tổng quan ngành công nghiệp
– Giá trị sản xuất và tăng trưởng: Công nghiệp Kiên Giang là cầu nối gắn kết lĩnh vực nông nghiệp và thương mại – dịch vụ. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 16,9% năm 2010 lên 20,1% năm 2020; quy mô giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tỉnh đạt trên 11.986 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (theo giá so sánh) ngành bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 8,3%/năm, cao hơn cả nước (7,4%/năm).
– Theo ngành công nghiệp:
Ngành công nghiệp khai khoáng là lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao của Kiên Giang với trữ lượng khoáng sản dồi dào, đặc biệt là đá vôi, đất sét, đá xây dựng.
Công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản và thực phẩm là ngành đóng vai trò quan trọng nhất trong các ngành công nghiệp Kiên Giang, đóng góp khoảng 56% doanh thu thuần của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Kiên Giang.
Ngành công nghiệp cơ khí tăng trưởng cao, đổi mới nhanh doanh nghiệp công nghiệp, nâng cao tính tập trung về quy mô sản xuất kinh doanh, tiềm lực tài chính và sức cạnh tranh. Nhóm ngành công nghiệp cơ khí là một trong những nhóm ngành được chú ý đầu tư có trọng điểm và phát triển mạnh, bao gồm các ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, máy móc thiết bị và các loại phương tiện giao thông vận tải khác.
– Theo không gian kinh tế:
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 tỉnh Kiên Giang có 05 khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 2/5 KCN đi vào hoạt động, gồm KCN Thạnh Lộc và KCN Thuận Yên. Nhìn chung, các KCN theo quy hoạch của tỉnh được đặt tại các khu vực/vùng ven biển, có lợi thế về nguyên vật liệu đầu vào thủy hải sản, có tiềm năng phát triển công nghiệp sản xuất và chế biến thủy hải sản.
Tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp
Xét về mức độ tập trung ngành, Kiên Giang có lợi thế phát triển ngành công nghiệp, được đánh giá cụ thể thông qua mức độ tập trung về lao động và mức độ tập trung về giá trị sản xuất.
Mức độ tập trung giá trị sản xuất ngành công nghiệp toàn tỉnh Kiên Giang cao, khi giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 95% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
QUY HOẠCH, MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP
Mục tiêu phát triển
Mục tiêu xây dựng và phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển phù hợp theo chiều rộng, tập trung phát triển theo chiều sâu; ưu tiên phát triển các Khu – CCN chuyên ngành; công nghiệp hỗ trợ; kết hợp với đổi mới công nghệ, không gây ô nhiễm môi trường; căn cứ vào quy định quản lý, phát triển khu, cụm công nghiệp cũng như hiện trạng sử dụng đất.
Định hướng phát triển
Các KCN, CCN được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan như: nông nghiệp, thương mại – du lịch, đô thị và nông thôn, cơ sở hạ tầng. Đồng thời, phát triển KCN, CCN gắn liền với ứng dụng KHCN, tận dụng được các lợi thế tự nhiên, cơ sở hạ tầng sẵn có, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính hợp lý, thực thi và bền vững trong quá trình phát triển.
Các khu vực bố trí phát triển công nghiệp tập trung phải đảm bảo đáp ứng các yếu tố, điều kiện về kết nối giao thông thuận lợi, về hạ tầng cấp điện, viễn thông, nước sạch, thu gom, xử lý chất thải… và hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động; đồng thời, phải đảm bảo khai thác, sử dụng có hiệu quả về đất đai, nguồn nguyên liệu và các yếu tố đầu vào khác tại địa phương.
Trên cơ sở đó, định hướng phát triển KCN, CCN như sau:
– Thực hiện rà soát, loại bỏ, bổ sung, điều chỉnh các khu, cụm công nghiệp và lô đất công nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp đến năm 2030 và có quỹ đất dự phòng phát triển sau năm 2030; đồng bộ với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác của tỉnh.
– Tích cực kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh xây dựng, hoàn chỉnh dần hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, cũng như các dự án sản xuất công nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất công nghiệp; nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN, CCN hiện hữu.
– Khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường trong nội đô di dời vào các khu, cụm công nghiệp.
QUY HOẠCH, PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP
KCN Thạnh Lộc và KCN Tắc Cậu (huyện Châu Thành): hướng đến phát triển thành khu công nghiệp chế tạo. Châu Thành là huyện có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất trong tất cả các huyện thuộc Kiên Giang. Với nền tảng công nghiệp sẵn có, trong dài hạn, các KCN tại Châu Thành cần chuyển đổi phát triển từ chiều rộng qua chiều sâu, thu hút đầu tư vào các ngành có ứng dụng công nghệ và lao động chất lượng cao.
(1) KCN Thạnh Lộc: Ngành nghề thu hút đầu tư: Công nghiệp chế biến nông – lâm – thuỷ sản; ngành công nghiệp hỗ trợ nông – lâm – thuỷ sản và một số ngành nghề khác.
(2) KCN Tắc Cậu: Định hướng hình thành dịch vụ thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá và các nhà máy chế biến thuỷ sản.
Ngành nghề thu hút đầu tư: Kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư dự án xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho ngành chế biến thuỷ sản; đóng tàu; sản xuất nước đá, hậu cần nghề cá và nhóm ngành công nghiệp khác.
(3) KCN Thuận Yên (thành phố Hà Tiên): Hướng đến phát triển khu công nghiệp công nghệ cao.
Ngành nghề thu hút đầu tư: Sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; tiểu thủ công nghiệp; thủ công mỹ nghệ, làng nghề và một số ngành nghề khác.
(4) KCN Xẻo Rô (huyện An Biên): Vị trí nằm trên tuyến đường thủy quốc gia Sông Cái Lớn. Thuận lợi phát triển cảng thủy nội địa, dịch vụ logistic tại khu công nghiệp.
Ngành thu hút đầu tư: Chế biến thuỷ hải sản; chế biến lương thực, thực phẩm; công nghiệp cơ khí phụ trợ; công nghiệp đóng tàu; sản xuất vật liệu xây dựng và một số ngành nghề khác.
(5) KCN Kiên Lương II (huyện Kiên Lương): Ngành nghề thu hút đầu tư: các ngành công nghiệp phụ trợ, hàng tiêu dùng, chế biến thủy hải sản, và nhóm ngành công nghiệp khác.
QUY HOẠCH, PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP
Giai đoạn 2021-2030, tiếp tục thu hút đầu tư 09 CCN đã được duyệt trong giai đoạn trước và hình thành mới 03 CCN. Tổng quy mô 12 CCN đạt 595,21 ha.
– CCN Hà Giang, TP. Hà Tiên – 50 ha: CCN Hà Giang thu hút các dự án: Công nghiệp chế biến thuỷ sản; công nghiệp hỗ trợ; di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong đô thị vào CCN.
– CCN Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao – 29,05 ha: CCN Vĩnh Hòa Hưng Nam thu hút đầu tư ngành nghề: sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến lương thực, thực phẩm, nông – thủy – hải sản; ngành may mặc, giày da…. thân thiện với môi trường; công nghiệp cơ khí phục vụ nông, lâm, đánh bắt hải sản, giao thông vận tải; công nghiệp hỗ trợ.
– CCN Rạch Giá, TP. Rạch Giá – 75 ha: thu hút các dự án đầu tư ngành công nghiệp cơ khí chế tạo và sửa chữa tàu thuyền; chế biến thực phẩm và đồ uống, nông thuỷ hải sản; chế biến gỗ; công nghiệp hỗ trợ; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong đô thị vào CCN.
– CCN Bình Trị, huyện Kiên Lương – 50 ha: sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; công nghiệp hỗ trợ.
– CCN Bình Sơn, huyện Hòn Đất – 50 ha: Nằm trên tuyến QL.80, giáp kênh Rạch Giá – Hà Tiên, giáp đường Tám Ngàn kết nối tốt với tỉnh An Giang. Thu hút các dự án đầu tư ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông thủy sản, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống; sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
– CCN Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận – 50 ha: thu hút các dự án đầu tư ngành sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến lương thực, thực phẩm, nông thủy sản; công nghiệp cơ khí; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất hàng tiêu dùng.
– CCN Long Thạnh, huyện Giồng Riềng – 32 ha: điều chỉnh vị trí quy hoạch mới từ ấp Đường Xuồng qua ấp Năm Hải, xã Long Thạnh. Thu hút các dự án đầu tư ngành chế biến nông – lâm – thuỷ sản và thực phẩm; công nghiệp cơ khí, ngành nghề truyền thống; chế biến thức ăn gia súc, gia cầm; may mặc; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất hàng tiêu dùng.
QUY HOẠCH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM KHU CÔNG NGHIỆP
Khu công nghiệp Thanh Lộc
Quy mô: 250 ha
Đến năm 2021 – 2025, tập trung giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư để xây dựng hạ tầng trong kỳ 2021-2025 và tiếp theo. Dự kiến vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật giai đoạn II và một phần còn lại của giai đoạn I dự kiến là 2.341 tỷ đồng.
Ngành nghề thu hút đầu tư: công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; công nghiệp cơ khí và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu; may mặc, giày da xuất khẩu, công nghiệp tiêu dùng và các ngành công nghiệp khác.
Khu công nghiệp Thuận Yên
Quy mô: 141 ha
Giai đoạn 2021-2025, hoàn thành điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng của KCN. Tích cực thu hút đầu tư, từng bước xây dựng hạ tầng kỹ thuật của KCN. Phấn đấu đầu tư xong nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tổng nhu cầu vốn đầu tư là 465 tỷ đồng, không kể số vốn đã thực hiện.
Ngành nghề thu hút đầu tư: Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, thủy sản, lắp ráp điện tử, may mặc, giày da xuất khẩu, công nghiệp tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, đồ mộc gia dụng, và các ngành công nghiệp khác.
Khu công nghiệp Xẻo Rô
Quy mô: 200 ha
Giai đoạn 2021-2025, hoàn thành dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, tổng mức đầu tư dự kiến là 3.171 tỷ đồng.
Ngành thu hút đầu tư: công nghiệp chế biến; công nghiệp năng lượng; công nghiệp dệt may; công nghiệp cơ khí (đóng mới và sửa chữa tàu); công nghiệp vật liệu xây dựng và nhóm ngành công nghiệp khác.
Khu công nghiệp Kiên Lương II
Quy mô: 100 ha
Ngành nghề thu hút đầu tư: các ngành công nghiệp phụ trợ, hàng tiêu dùng, chế biến thủy hải sản, và nhóm ngành công nghiệp khác.
Nguồn: moitruongvadothi