Tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 2 sân bay dân sự, sở hữu một ‘đại dự án’ 340.000 tỷ biến Việt Nam thành cửa ngõ quốc tế
Tỉnh này trở thành địa phương đầu tiên và cũng là duy nhất cả nước sở hữu 2 sân bay dân sự, góp phần mang đến cơ hội lớn phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như khu vực.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, có 2 dự án sân bay dân sự đang được triển khai, hứa hẹn mang đến một tương lai sáng cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như của vùng Đông Nam Bộ.
Một trong số 2 dự án sân bay dân sự ở Đồng Nai là dự án sân bay Biên Hòa, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay quân sự Biên Hòa được quy hoạch thành sân bay thành lưỡng dụng cấp 4E. Sân bay có công suất khai thác đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 đạt 10 triệu hành khách/năm.
Sân bay Biên Hòa tọa lạc tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 25km. Đây đang là sân bay quân sự cấp 1 với 2 đường cất hạ cánh, kết cấu bằng bê tông xi măng. Diện tích đất sân bay Biên Hòa khoảng 967ha, có khả năng bố trí khoảng 50ha để quy hoạch khu hàng không dân dụng.
Dự án sân bay dân sự thứ hai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chính là “đại dự án” sân bay quốc tế Long Thành có tầm quan trọng đặc biệt cấp Quốc gia. Dự án có tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD (khoảng 340.000 tỷ đồng), khi đi vào hoạt động sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai.
Theo thiết kế, sân bay quốc tế Long Thành là sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và là cửa ngõ hàng không lớn, quan trọng của quốc gia và khu vực. Trong đó, giai đoạn 1, có công suất 25 triệu khách, sau đó nâng lên 50 triệu khách vào giai đoạn 2 và giai đoạn 3 là 100 triệu khách sau năm 2030. Dự kiến trong tương lai, sân bay quốc tế Long Thành sẽ trở thành một trong những hub (điểm kết nối chung) trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.
Hiện tại, tiến độ xây dựng sân bay Long Thành đang bám sát kế hoạch. Các hạng mục nền đất, nền cát về cơ bản đã được hoàn thành. Hạng mục đài kiểm soát không lưu, tháp được khởi công vào cuối tháng 9/2023, đến nay đã thi công đến cao độ 42,355m, vượt tiến độ thi công hơn 20 ngày.
Ngày 10/4, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc bàn giao mặt bằng của dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Về cơ bản, đến nay mặt bằng dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra, tuy nhiên ACV cho biết vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các hạng mục công trình.
Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh cũ là Biên Hòa và Long Khánh, Việt Nam. Đây là tỉnh đông dân thứ 5 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An.
Hiện tại, Đồng Nai cũng là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp trên cả nước. Đồng Nai hiện có 33 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích đất 10.514ha. Trong đó, 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 1 khu công nghiệp trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư là khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành; 1 khu công nghiệp vừa được thành lập trong tháng 7/2023 là khu công nghiệp Long Đức 3.
Nguồn: Nguoiquansat