Tỉnh đặt ‘đại bản doanh’ của Samsung lớn nhất thế giới nhận được 16.000 tỷ đồng vốn từ 14 dự án
Trong nửa đầu năm 2024, tỉnh này đã làm việc với hơn 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN).
Năm 2023, Thái Nguyên thu hút 58 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư gần 390 triệu USD, trong đó cấp mới 41 dự án với tổng số vốn là 243 triệu USD; quý I/2024 cấp mới bảy dự án FDI với tổng số vốn hơn 470 triệu USD.
Mới đây, UBND tỉnh có báo cáo 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên tiếp tục đạt 14,14%, đứng đầu cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng tăng 18,11%; dịch vụ tăng 6,42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,82%; thuế sản phẩm tăng 10,59% so với cùng kỳ. Quy mô GRDP đạt 96.058 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch.
Trong nửa đầu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã làm việc với hơn 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN. UBND tỉnh đã cấp phép đầu tư mới cho 14 dự án vào các KCN. Trong đó, 10 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư 482,8 triệu USD (hơn 12.000 tỷ đồng) và 4 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch năm và bằng 116,7% so với cùng kỳ. Trong số 14 dự án được cấp phép đầu tư mới, đã có 10 dự án chính thức đi vào hoạt động, tạo việc làm mới cho 6.815 người lao động.
Hạ tầng giao thông đồng bộ, chính sách đầu tư thuận lợi
Trên thực tế, Thái Nguyên đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.
Nhà đầu tư lớn nhất bước chân vào tỉnh Thái Nguyên là Tập đoàn Samsung với nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất tại thành phố Phổ Yên vào năm 2013. Sau đó, nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đến từ các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đã có mặt và đang đẩy mạnh đầu tư vào Thái Nguyên. Điển hình là các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Sunny, Trinar Solar, Núi Pháo Massan…
Nhận được sự quan tâm lớn của “đại bàng ngoại” không thể phủ nhận những ưu thế vượt trội trên nhiều mặt, nhất là ưu thế tuyệt đối về vị trí địa lý khi Thái Nguyên nằm sát Thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 50km, cùng với đó là sự quan tâm đầu tư đồng bộ về hạ tầng cơ sở với tầm nhìn chiến lược, dài hạn, ổn định của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên
Thái Nguyên có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại như hiện nay, điển hình là: Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Thái Nguyên – Bắc Kạn, đường vành đai V, đường liên kết vùng Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc… Hai tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên với 4 làn xe, là đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn có điểm đầu kết nối với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, điểm cuối kết nối với tỉnh Bắc Giang đang được triển khai, trong đó đoạn kết nối với cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên đến quốc lộ 37 dài gần 10km đã được đưa vào sử dụng.
Tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc có chiều dài hơn 42,5km, tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng đang khẩn trương được thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay đang thực sự là động lực thu hút đối với các nhà đầu tư.
Chỉ tính riêng trong quý I/2024, Thái Nguyên đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, mời gọi đầu tư cho 14 dự án bất động sản với tổng diện tích trên 239,9ha, tổng mức đầu tư trên 9.629 tỷ đồng, trong đó có những dự án lớn như: Dự án Khu đô thị số 1, phường Cải Đan – khu A, thuộc phường Cải Đan, thành phố Sông Công: 35,22ha, tổng mức đầu tư 1744,666 tỷ đồng; Khu đô thị Tân Hương (Khu số 1) thuộc phường Đông Cao và phường Tân Hương, thành phố Phổ Yên: 21,7758ha, tổng mức đầu tư 1311,197 tỷ đồng; Khu đô thị Nam Thái (phần diện tích 19,45ha) thuộc phường Ba Hàng và Nam Tiến, thành phố Phổ Yên: 19,45ha, tổng mức đầu tư 2045,511 tỷ đồng…
Cùng với với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh, mạnh đang thu hút một số lượng lớn người lao động, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến sinh hoạt, học tập, làm việc tại Thái Nguyên, đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới, bền vững cho các nhà đầu tư bất động sản nhất là bất động sản đô thị tại Thái Nguyên.
Nguồn: nguoiquansat