Tin bất động sản ngày 9/2: Hưng Yên duyệt quy hoạch cụm công nghiệp quy mô 50ha
Dự án treo, đất nông lâm trường chưa sử dụng được “ tháo gỡ khó khăn”; Khởi công đường nối hai cao tốc trọng điểm dài 16,3 km…là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Hưng Yên duyệt quy hoạch cụm công nghiệp quy mô 50ha
Mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Quyết định số 388/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp Phùng Chí Kiên.
Theo đó, khu vực lập quy hoạch có quy mô khoảng 50 ha trên địa bàn phường Phùng Chí Kiên, phường Bạch Sam và xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào.
Ranh giới quy hoạch phía bắc giáp đất quy hoạch mở rộng trường THPT Nguyễn Thiện Thuật, đất nghĩa địa, khu dân cư và đất canh tác thuộc phường Bạch Sam; phía nam giáp dự án nhà máy sản xuất và gia công hàng may mặc ACM; phía đông giáp đất canh tác phường tác phường Bạch Sam, khu dân cư và kênh thủy lợi xã Xuân Dục; phía tây giáp đất sản xuất kinh doanh, khu dân cư, đường Phạm Ngũ Lão (ĐT.387).
Theo quyết định, đây là cụm công nghiệp có ngành nghề hoạt động chủ yếu gồm công nghiệp gia dụng, cơ khí, chế tạo, lắp ráp, điện tử, điện lạnh; chế biến thực phẩm, dược phẩm; sản xuất đồ uống; vật liệu xây dựng…
Về quy hoạch không gian kiến trúc và phân khu chức năng, các khu chức năng được hình thành trên cơ sở định hướng phát triển giao thông nội bộ được thiết kế theo dạng ô cờ, kết nối với giao thông đối ngoại là Quốc lộ 5, đường Phạm Ngũ Lão (ĐT.387). Đối với các tuyến giao thông nội bộ, tuyến đường trục chính hướng Đông – Tây kết nối đường ĐT.387 đi xã Xuân Dục có mặt cắt ngang rộng 34 m, tuyến đường nội bộ cụm công nghiệp có mặt cắt ngang rộng từ 24,5 – 30 m.
Đơn vị tổ chức lập quy hoạch là CTCP phát triển hạ tầng Gia Hưng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND thị xã Mỹ Hào và các đơn vị liên quan triển khai công bố quy hoạch, làm căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, quản lý và xây dựng. Bên cạnh đó, có phương án cụ thể, chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ, hiệu quả sử dụng đất và các quy định về quản lý đất đai theo quy định hiện hành.
Dự án treo, đất nông lâm trường chưa sử dụng được “ tháo gỡ khó khăn”
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh quá trình đưa đất của các dự án còn bị ‘treo‘… vào sử dụng là việc cần thiết, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất xây dựng “Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội” trình Chính phủ phê duyệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh việc đưa vào khai thác, sử dụng đối với diện tích đất của các dự án không triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí.
Cùng với đó là quỹ đất của các nông, lâm trường không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả; quỹ đất chưa sử dụng; đất đã giao, cho thuê có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… trên phạm vi cả nước nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hiện cả nước có 3.205 dự án với diện tích khoảng trên 85.163 ha (chưa tính đến diện tích đất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp) đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không sử dụng đất hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không thể thu hồi được.
Khởi công đường nối hai cao tốc trọng điểm dài 16,3 km
Dự án Thành phần II (giai đoạn 2) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình có tổng mức đầu tư 702,82 tỷ đồng, dài 16,3km, do Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Thời gian hoàn thành dự án năm 2023.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến cao tốc kết nối này, giúp giảm tải giao thông cho khu vực nội đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả kết nối giao thông, thu hút đầu tư và mở rộng không gian phát triển thương mại, du lịch, đô thị của vùng đồng bằng Bắc bộ.
Trực tiếp hưởng lợi từ dự án là nhóm các tỉnh, thành phố năng động và phát triển nhanh là Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Giai đoạn 2 dự án tuyến nối 2 cao tốc huyết mạch này góp phần nâng cao quy mô, năng lực hạ tầng giao thông kết nối theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, giao thương liên vùng ngày càng tăng.
Dự án khi hoàn thành sẽ nâng cao năng lực khai thác của tuyến nối 2 cao tốc, đồng thời hoàn thiện đoạn tuyến đường kết nối Quốc lộ 38B đến đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (đoạn từ đường ĐT.491 đến đường nối 2 cao tốc qua Khu công nghiệp Thái Hà) nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh Hà Nam và khu vực.
Nguồn: vnfinance.vn