Tiêu chuẩn vật liệu xây không nung: Đã tương đối đầy đủ
Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020, Bộ Xây dựng ban hành lần lượt các Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 về việc quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, Thông tư 09/2012/TT-BXD được thay thế bằng Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 về việc quy định sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng.
Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 890/QĐ-BXD ngày 29/7/2015 về việc phê duyệt kế hoạch và ngân sách chương trình KHCN trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2015 – 2020 cho nhiệm vụ “Nghiên cứu phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung cho công trình xây dựng đến năm 2020”. Bộ Xây dựng đã phê duyệt thực hiện 10 nhiệm vụ KHCN, trong đó có các nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn, hỗ trợ công nghệ…
KHCN đã góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, các hiện tượng nứt, thấm công trình sử dụng VLXKN dần được khắc phục. Các tiêu chuẩn sử dụng cho sản phẩm VLXKN đã được ban hành tương đối đầy đủ, tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu khối xây sử dụng VLXKN cũng đã có và có thể sử dụng hiệu quả.
Thực hiện “Nghiên cứu và phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung”
Giai đoạn trước khi có Quyết định 567/QĐ-TTg, VLXKN chưa được chú trọng phát triển nên các nhiệm vụ KHCN chưa được quan tâm đúng mức, số lượng hạn chế, các hướng nghiên cứu chưa nhiều. Các nghiên cứu tập trung chủ yếu cho bê tông bọt, một số ít nghiên cứu về gạch AAC, các nghiên cứu này mang tính tự phát mà chưa có định hướng nghiên cứu. Thời điểm này nhu cầu sử dụng loại vật liệu này cũng chưa nhiều, chủ yếu sử dụng làm vật liệu cách âm, chống nóng. Chính vì chưa được sử dụng nhiều trong công trình xây dựng nên các hiện tượng nứt, thấm khối xây chưa được phản ánh nên ít thông tin được ghi nhận.
Sau khi có Quyết định 567/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng đã ban hành lần lượt các Thông tư 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, Thông tư 09/2012/TT-BXD được thay thế bằng Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng.
Ngày 29/7/2015 Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 890/QĐ-BXD phê duyệt kế hoạch và ngân sách chương trình KHCN trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2015 – 2020 cho nhiệm vụ “nghiên cứu phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung cho công trình xây dựng đến năm 2020”, trong đó tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ KHCN liên quan đến VLXKN, như các đề tài của Viện VLXD, Hội VLXD, Viện KHCNXD…
Năm 2013, TCty Viglacera – CTCP được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo dây chuyền thiết bị và công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp công suất 200 nghìn m3/năm”, nhiệm vụ được gia hạn đến 30/6/2019.
Năm 2014, Viện VLXD được Bộ KH&CN giao nhiệm vụ nghiên cứu theo Nghị định thư với Viện Hàn lâm VLXD Trung Quốc (CCBM), tên nhiệm vụ “Nghiên cứu và chế tạo tấm tường dùng bê tông bọt”.
Các đề tài nghiên cứu về VLXKN tiếp tục được quan tâm thực hiện, các nghiên cứu trong thời gian này tập trung giải quyết một số vấn đề: Nghiên cứu sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ; Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm; Nghiên cứu cải thiện tính chất của VLXKN; Nghiên cứu sử dụng phế thải các ngành công nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất VLXKN; Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo VLXKN; Nghiên cứu hoàn thiện khối tường xây sử dụng VLXKN.
Thời gian đầu, các đơn vị thi công chưa có kinh nghiệm, chưa có quy trình hướng dẫn, chưa có sự kết nối giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học với các đơn vị sản xuất, sử dụng VLXKN nên nhiều công trình xây dựng sử dụng loại vật liệu này đã xảy ra hiện tượng nứt, thấm gây hoài nghi trong xã hội về chất lượng sử dụng loại vật liệu này trong các công trình xây dựng.
Sau Quyết định 567/QĐ-TTg, ngoài Bộ Xây dựng triển khai thực hiện, đến năm 2015 Bộ KH&CN được UNDP tài trợ dự án “tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, thực hiện 2016 – 2019. Mục tiêu của Dự án là giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc tăng cường sản xuất và sử dụng GKN thay thế dần sản xuất gạch đất sét nung sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất nông nghiệp.
Trong dự án này, nội dung đào tạo là một phần quan trọng nhằm xây dựng năng lực, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các tổ chức cung cấp dịch vụ kỹ thuật, các nhà đầu tư sản xuất và sử dụng GKN, các tổ chức tài chính và các cơ quan của Chính phủ, địa phương để họ có đủ năng lực thực hành quản lý phát triển và áp dụng công nghệ GKN trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Chương trình đào tạo của Dự án được chia thành 5 module đào tạo khác nhau:
Module 1: PNFB-1 Kiến thức cơ bản về GKN, chính sách và tiêu chuẩn.
Module 2: PNFB- 2 Thiết kế và thi công các công trình sử dụng GKN.
Module 3: PNFB- 3 Công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC).
Module 4: PNFB- 4 Công nghệ sản xuất gạch bê tông (CBB, viết tắt tiếng việt GBT).
Module 5: PNFB – 5 Kế hoạch hóa đầu tư và nguồn vốn cho các dự án GKN.
Theo đánh giá của BQL, dự án đã đạt được một số kết quả sau: Ban hành chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng GKN; Tăng cường năng lực và kiến thức cho cơ quan Chính phủ trong việc điều tiết phát triển sản xuất và sử dụng GKN. Gia tăng số lượng các nhà cung cấp dịch vụ và cung ứng GKN ở địa phương có năng lực chuyên môn và tay nghề kỹ thuật được nâng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các nhà đầu tư tiềm năng và DN nhỏ và vừa tiếp cận được nhiều hơn và bền vững hơn các nguồn tài chính để đầu tư các nhà máy sản xuất GKN và chế tạo thiết bị sản xuất GKN. Tăng lòng tin của các định chế tài chính, các nhà đầu tư sản xuất GKN và các cơ quan quản lý vào tính khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính, lợi ích kinh tế môi trường của việc sản xuất GKN. Tăng thị phần của GKN trong thị trường gạch xây dựng nói chung.
Tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng VLXKN
Trước khi có Quyết định 567/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng đã cho xây dựng một số tiêu chuẩn ngành về “VLXKN“ như TCXDVN về block bê tông bọt, gạch xi măng cốt liệu, gạch block bê tông,…
Khi Quyết định 567/QĐ-TTg ra đời, nhiều tiêu chuẩn đã được soát xét ban hành mới như TCVN 9029:2011; TCVN 7959:2011; TCVN 9028:2011; TCVN 6477:2011, Chỉ dẫn kỹ thuật thi công và nghiệm thu tường xây bằng block bê tông khí chưng áp,…
Tiêu chuẩn TCVN 5573:2011; TCVN 4085:2011 có thể sử dụng để tính toán thiết kế, thi công nghiệm thu khối xây sử dụng VLXKN.
Nhận thấy việc sản xuất, sử dụng loại vật liệu này có nhiều bất cập, Bộ Xây dựng tiếp tục cho soát xét, xây dựng mới các tiêu chuẩn TCVN 9029:2017; TCVN 7959:2017; TCVN 6477:2016, đang tiến hành soát xét tiêu chuẩn TCVN 4314:2003; TCVN 9028:2011.
Để mở rộng thêm các loại VLXKN khác và đáp ứng nhu cầu của thực tế, Bộ Xây dựng đã cho xây dựng và ban hành tiêu chuẩn TCVN 11524:2016; TCVN 12302:2018, đang cho xây dựng tiêu chuẩn tấm tường từ bê tông khí chưng áp AAC.
Bộ Xây dựng đang cho soát xét tiêu chuẩn thiết kế, thi công và nghiệm thu kết cấu khối xây bằng gạch bê tông tổ ong, cũng như đang cho xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về tấm tường AAC.
Trong năm 2019 sẽ cho soát xét 2 tiêu chuẩn TCVN 5573:2011 và TCVN 4085:2011.
Về quy chuẩn kỹ thuật, QCVN 16 được xây dựng và ban hành năm 2014 (64 sản phẩm hàng hóa VLXD), đến năm 2017 được soát xét (31 sản phẩm hàng hóa VLXD), năm 2019 quy chuẩn này được Bộ Xây dựng giao cho Viện VLXD soát xét, một số loại VLXKN chủ yếu đều được quy định trong QCVN như gạch bê tông bọt, gạch bê tông khí chưng áp AAC, gạch bê tông.
Về định mức, Bộ Xây dựng đã ban hành định mức dự toán xây dựng công trình – phần xây dựng (sửa đổi và bổ sung) – Công tác sử dụng VLXKN. Ban hành kèm theo Quyết định 1264/QĐ-BXD ngày 18/12/2017.
Cho đến nay, các tiêu chuẩn liên quan đến VLXKN đã được Bộ Xây dựng cho xây dựng khá đầy đủ bao phủ được hầu hết các loại VLXKN từ chất lượng sản phẩm, thiết kế, thi công, nghiệm thu.
Kết quả của chương trình phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung đến năm 2020 của Bộ Xây dựng đã đạt được một số kết quả sau: Hoàn thiện được danh mục các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu liên quan đến VLXKN. Các nhiệm vụ KHCN hướng đến việc cải thiện tính chất VLXKN, sử dụng phế thải các ngành công nghiệp làm nguyên liệu cho chế tạo VLXKN. Việc sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng đã được đa dạng hóa, chất lượng khối xây sử dụng VLXKN đã được cải thiện ít còn hiện tượng nứt, thấm.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh – TS Vũ Hải Nam
Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng
Nguồn: baoxaydung.com.vn