Thủ tướng đồng ý đầu tư 29,5 km đường bộ ven biển Thanh Hóa
Thủ tướng đồng ý đầu tư 29,5 km đường bộ ven biển Thanh Hóa trị giá 3.400 tỷ đồng
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương – Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa trị giá 3.400 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 649/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương – Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT.
Dự án đi qua các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, có mục tiêu từng bước hoàn thành tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch; hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực, hình thành trục đường giao thông chính ven biển để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội; củng cố an ninh quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự án sẽ đầu tư xây dựng mới 2 đoạn tuyến với tổng chiều dài 29,5km, bao gồm 3 đoạn. Đoạn tuyến 1 (Hoằng Hóa – Sầm Sơn) dài 12,3km có điểm đầu tại vị trí giao với đường tỉnh 510 thuộc địa phận xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa; điểm cuối nối vào tuyến đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn (thuộc địa phận phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn).
Đoạn tuyến 2 (Quảng Xương – Tĩnh Gia) dài 17,2km, có điểm đầu nối tiếp vào điểm cuối của dự án đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn thuộc địa phận xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương; điểm cuối nối tiếp vào dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực – tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia.
Hai đoạn đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng nền đường 12m. Tổng vốn đầu tư Dự án là 3.400 tỷ đồng, trong đó Ngân sách trung ương hỗ trợ 1.400 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng theo quy định của pháp luật); ngân sách tỉnh Thanh Hóa 980 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 1.020 tỷ đồng.
Nhà đầu tư được phép xây dựng trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn đối với phần vốn của nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng Dự án theo đúng quy định pháp luật trong thời gian dự kiến thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn Dự án là 24 năm 2 tháng (từ năm 2023 đến năm 2047). Thời gian chính thức sẽ được xác định thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật; thời gian đầu tư xây dựng từ năm 2020 đến năm 2024.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật; gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT để theo dõi, giám sát, tổng hợp theo đúng quy định và bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ dự án được phê duyệt.
Nguồn: Baodautu