Thu hút FDI nhìn từ những dự án khủng
Sự trở lại ấn tượng của các dự án tỷ USD
Số liệu tổng kết của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Tính đến ngày 20/12/2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016.
Không thể phủ nhận, bên cạnh sự bùng nổ của vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, thì sự quay trở lại ấn tượng của các dự án tỷ USD đã góp phần quan trọng đẩy vốn FDI vào Việt Nam trong năm qua tăng trưởng ngoạn mục.
Có tới 5 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư trong năm 2017. Đó là 3 dự án điện BOT, gồm: Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (vốn đầu tư 2,79 tỷ USD, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa); Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỷ USD, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 (2,07 tỷ USD, do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thái Bình).
Hai dự án còn lại là Dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD tại Kiên Giang.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong số các dự án tỷ USD nói trên, có tới 3 dự án BOT trong lĩnh vực năng lượng và thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều dự án trong lĩnh vực này rất chậm trễ trong triển khai. Bởi thế, đốc thúc các dự án này sớm thực hiện để không trở thành dự án ảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý thời gian tới.
Cơ hội mới chờ nhà đầu tư nước ngoài
Các chuyên gia trong nước và quốc tế dự báo, nhiều khả năng trong năm nay, Việt Nam vẫn sẽ là “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư nước ngoài. Dự báo này không phải là không có cơ sở khi các nhà đầu tư nước ngoài đang rất lạc quan về triển vọng kinh tếcủa Việt Nam và đang xúc tiến mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Khảo sát hơn 1.400 CEO của 21 nền kinh tế APEC do Công ty PwC mới công bố cho thấy, gần một nửa số nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (47%) dự định tăng đầu tư vào Việt Nam trong 12 tháng tới.
“Việt Nam không chỉ được coi là một thị trường tiêu thụ sản phẩm nhanh với dân số trẻ, mà còn được coi là trung tâm sản xuất của khu vực nhờ lợi thế chi phí nhân công cạnh tranh, sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô cũng như các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Ngoài ra, việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước hứa hẹn nhiều cơ hội đầu tư mới cho nhà đầu tư nước ngoài”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận xét.
Bên cạnh đó, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới cũng được kỳ vọng sẽ mở ra không ít cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/1/2018 đã nhấn mạnh việc xây dựng định hướng thu hút có chọn lọc các dự án FDI, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, theo Dự thảo Chiến lược FDI giai đoạn 2018 – 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng, hàng loạt các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đã được chỉ ra với phương thức tiếp cận mới.
Cụ thể, các ngành ưu tiên thu hút FDI trước mắt sẽ là các ngành cần thiết cho gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh trong nước, bao gồm sản xuất (kim loại bậc cao/khoáng chất/hóa chất/nhựa và linh kiện điện tử/công nghệ cao; máy và thiết bị công nghiệp); dịch vụ (hậu cần và cung cấp thiết bị, phụ tùng sửa chữa); nông nghiệp (sản phẩm nông nghiệp sáng tạo, giá trị cao); du lịch (dịch vụ du lịch giá trị cao).
Trong ngắn hạn, dành ưu tiên cho các ngành có cơ hội hẹp để cạnh tranh như sản xuất thiết bị gốc và cung cấp thiết bị vận tải và ô tô (trong sản xuất); thiết bị bảo tồn nước, mặt trời, gió…(công nghệ môi trường).
Trong trung hạn, ưu tiên các ngành đi đôi với mở cửa và phát triển kỹ năng, bao gồm sản xuất – chế tạo (dược phẩm, thiết bị y tế); dịch vụ (dịch vụ giáo dục và y tế; dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính; dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ trí thức (kế toán, thiết kế…)
Góp ý cho dự thảo này, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài lưu ý, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới cần bổ sung nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến 3 đặc khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, vì nhiều khả năng, 3 đặc khu này sẽ được thông qua trong năm 2018. Khi được thông qua, các đặc khu trên sẽ là những “mũi nhọn tăng trưởng”, thu hút dòng vốn đầu tư lớn của cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.
Cũng cho ý kiến về Dự thảo Chiến lược FDI giai đoạn 2018 – 2023, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhìn nhận, trong danh mục các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong Dự thảo còn thiếu vắng lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần, đó là kết cấu hạ tầng – lĩnh vực đòi hỏi đầu tư rất lớn, mà năng lực trong nước không đáp ứng được.
“Hiện nay, không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông – vận tải. Các dự án như Sân bay Long Thành và đường cao tốc Bắc – Nam đang cần nguồn vốn khổng lồ. Nếu thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, thì đây có thể coi là thành công lớn của FDI đối với phát triển kinh tế Việt Nam”, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận xét.
Nguồn: Báo Đầu tư Online