Được, mất gì từ FDI?

Sau 3 thập kỷ kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam được ban hành vào tháng 12/1987, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, về khoa học, FDI thực sự làm to “cái bánh” của Việt Nam. Nếu ko có FDI, “cái bánh” của Việt Nam không to. Trả lời câu hỏi “FDI có chèn lấn đầu tư tư nhân không?”, ông Thành cho rằng có nhiều đánh giá định lượng FDI không đến mức chèn lấn tư nhân VIệt Nam.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) phân tích: “Những năm đầu thu hút FDI, nền kinh tế chúng ta còn non trẻ, kinh tế tư nhân gần như chưa phát triển, không có vốn đầu tư. Mục tiêu lúc đó là thu hút vốn đầu tư phát triển. Nhưng sau 3 thập kỷ, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ khối FDI, nay chiếm tới 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu”.

Còn theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE): Từ năm 1991 đến nay, FDI trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong 26 năm từ 1991- 2017, nước ta đã thu hút được 161,959 tỷ USD vốn FDI thực hiện.

Theo GS. Nguyễn Mại, quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn.

Năm 2016, khu vực kinh tế ĐTNN chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, smartphone, linh kiện điện tử… có tỷ trọng cao hơn nhiều; chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.

“Đối với những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa (ở miền Bắc), Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam) thì đóng góp của khu vực này còn lớn hơn nhiều, làm thay đổi cơ bản cơ cầu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển có hiệu quả kinh tế cao, người dân trong vùng trở nên giàu có hơn các địa phương lân cận”, GS. Nguyễn Mại nhận định.

Theo GS Nguyễn Mại, những con số thống kê trên thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế – xã hội của khu vực kinh tế ĐTNN ngày càng cao hơn.

“30 năm là thời gian đủ dài để khẳng định rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có thu hút vốn đầu tư quốc tế đồng thời với chủ trương đổi mới theo kinh tế thị trường là đúng đắn và kịp thời để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế – xã hội sớm hơn dự kiến, tạo tiền đề để chấn hưng đất nước theo các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội”, GS Nguyễn Mại nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, việc thu hút FDI trong thời gian qua cũng có một số hạn chế, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho tương lai.

Ông Trương Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho rằng, thời gian qua, hiệu quả tổng thể nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa cao; FDI hiện tập trung chủ yếu tại địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm, gây mất cân đối vùng miền, không đạt được mục tiêu hướng FDI vào địa bàn khó khăn; Mục tiêu thu hút công nghệ cao, chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng; Một số dự án được cấp phép nhưng chưa triển khai hoặc giải ngân còn chậm,…

Theo GS. Nguyễn Mại, trong khi DNNN sử dụng nguồn lực quốc gia lớn nhất đang trong quá trình cơ cấu lại chưa có hiệu quả, nên không còn là động lực tăng trưởng chủ yếu nữa. Kinh tế tư nhân phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tuy đã gia tăng nhanh chóng về số lượng, hình thành một số tập đoàn lớn nhưng vẫn chưa trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ.

Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng viện Chiến lược, Bộ KH&ĐT nhận định rằng thời gian vừa qua, chính sách thu hút FDI đã đáp ứng mục tiêu thu hút vốn, giải quyết lao động. Song còn cần phải nhìn tới 2 mục tiêu ngay từ đầu là thu hút về công nghệ, lan toả. Nên cần đánh giá trên cả những mục tiêu này. Cần xem xét ở những điểm làm tốt, chưa tốt ở đâu mới xác định giải pháp. 

Không ai nghi ngờ về đóng góp của FDI trong tạo việc làm, thu ngân sách, đóng góp GDP… Nhưng người ta cũng có quyền nghi ngờ về đóng góp trong từng lĩnh vực. Cùng với đó, những vụ việc về môi trường đã gây ra, hay các cuộc đình công cũng cần được nhìn nhận từ 2 phía. Chúng ta cũng cần nghiên cứu về nguyên nhân, cách làm FDI, có những cái chưa đáp ứng được luật, còn bản thân luật đã có về nâng cao công nghệ, lan toả khu vực trong nước”, ông Thắng nói.

Lý giải thêm, ông Thắng cho rằng, sở dĩ đánh giá tiêu cực là về môi trường, xã hội, tình trạng nền kinh tế biệt lập nhau. Người ta chỉ nhìn thấy FDI thuê đất, lao động, trả công lao động, thuế nộp ngân sách còn nền kinh tế FDI và nội địa chưa thực sự gắn kết như mong đợi.

TS. Phan Hữu Thắng: “Thách thức lớn nhất là nguy cơ xâm lấn của yếu tố Trung Quốc” .

Ở một khía cạnh khác mang góc nhìn xa hơn, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cảnh báo: “Thách thức sau 30 năm thu hút FDI là nguy cơ xâm lấn của yếu tố Trung Quốc rất nguy hiểm mà trong định hướng sắp tới phải chú ý. Cùng với đó là định hướng thành lập 3 đặc khu kinh tế nếu không cẩn thận chúng ta sẽ mất trắng, bởi nhà đầu tư vào đầu tư dự án lớn có thể kéo theo những bê bối, kéo theo hàng nghìn lao động nước ngoài”.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, cần hiểu rằng xu thế 100% vốn nước ngoài hiện nay là chủ yếu nên định hướng an ninh quốc phòng cần được quan tâm đặc biệt, ngoài các yếu tố môi trường, lan tỏa.

Cần quan tâm nhiều tới Cách mạng 4.0

Từ việc phân tích, đánh giá lại những được và mất mà FDI mang lại cho chúng ta sau 3 thập kỷ, trong bối cảnh mới, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một chính sách thu hút FDI với những điểm nhấn mang tính mới mẻ hơn.

Theo ông Đặng Xuân Quang, thu hút đầu tư trước hết phải đảm bảo bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường; Thứ hai cần tính tới sự phát triển vượt bậc của khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là lĩnh vực tư nhân. Sự lớn mạnh kinh tế tư nhân sẽ tác động mạnh tới chính sách thu hút vốn ngoại trong thời gian tới.

Tiếp đến, trình độ kinh tế của Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh, tạo ra yêu cầu hoàn toàn khác đối với FDI, thay vì số lượng như trước, nay cần chuyển hướng quan tâm về chất lượng và phát triển bền vững.

Theo ông Đặng Xuân Quang, thu hút FDI trong thời gian tới ông Quang cần tính tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Quan trọng hơn cả, theo ông Quang cần tính tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đó cũng là quan điểm của TS. Phan Hữu Thắng. “Thực tế, không phải các quốc gia phát triển chưa cao thì không tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0 được. Chúng ta vẫn có thể tham gia nếu đi đúng “ngách”. Khu vực FDI đã là một trong những đầu tàu phát triển của nền kinh tế trong 3 thập kỷ qua, và sẽ tiếp tục là động lực giúp chúng ta tham gia sâu hơn vào cách mạng công nghiệp thế hệ thứ 4 trong thời gian tới”, ông Quang cho biết.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, cần đặt vấn đề trách nhiệm nhà đầu tư với Việt Nam, khi FDI đạt lợi nhuận tại đây, cũng cần phải chịu trách nhiệm đóng góp lợi nhuận để đào tạo, làm sao công nghệ “cắm” được vào người Việt, doanh nghiệp Việt.

Câu hỏi đặt ra là, “Vậy thu hút FDI bao nhiêu là vừa, tập trung như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Phan Hữu Thắng cho rằng, trước tiên, cần tập trung giải ngân 150 tỷ USD vốn chưa giải ngân lúc này. Có nghĩa là nên hạn chế xúc tiến đầu tư, thu hút mới để tập trung nhiều hơn vào giải ngân số vốn đăng ký của doanh nghiệp FDI chưa giải ngân trong thời gian qua. Còn với việc thu hút đầu tư mới, cần lựa chọn có điều kiện.

Theo ông Bùi Tất Thắng cần xem xét bối cảnh trong nước và bối cảnh quốc tế, có 2 tác động khá mạnh: Đó là xu hướng chủ nghĩa bảo hộ tăng lên. Có hàm ý là điều kiện về xuất nhập khẩu, di chuyển vốn, nguồn lực giảm đi, cũng là dấu hiệu không tốt.

GS. Nguyễn Mại cho rằng, trong khi hiện vẫn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển thì nay cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử…

Trong khi vẫn đang coi trọng thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nên coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế (TNCs) hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương. Đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn; kiên quyết không lựa chọn dự án FDI thâm dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Đầu tư Việt Nam cho rằng: “Theo tôi, việc trong thời gian sắp tới khi công nghệ 4.0 thay đổi, chúng ta cần dần tập trung chuyển từ các dự án đất (khi ta không còn lợi thế) để chuyển sang công nghệ (trước đó, chúng ta cần đánh giá chi tiết, trước hết cần đáp ứng nội bộ và thu hút nước ngoài)”.

Nguồn: Báo Mới