Đô thị Việt Nam – Nhìn lại 60 năm đồng hành cùng ngành Xây dựng
60 mươi năm qua là một chặng đường dài, dẫu rằng vẫn còn có những bất cập trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, song chúng ta ghi nhận trước công lao đóng góp của hàng triệu con người lao động, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư, nhà quy hoạch, người dân và bạn bè quốc tế đã nỗ lực không ngừng để chung tay cải tạo, xây dựng mới các đô thị Việt Nam ngày càng khang trang, hiện đại.
Giai đoạn 1958 – 1975, do tình hình lúc đó đất nước còn bị chia cắt, chiến tranh còn âm ỉ và có nguy cơ bùng nổ nên xây dựng đô thị phải gắn với chiến lược quốc phòng, không phát triển xây dựng quá tập trung các công trình trọng điểm, không phát triển các công trình trọng điểm ven biển và dọc biên giới mà phải đưa sâu vào đất liền. Thời kỳ này, quy hoạch xây dựng đô thị dựa trên lý thuyết khu nhà ở với 3 cấp phục vụ tổ chức theo tầng bậc và các mẫu đơn nguyên căn hộ khép kín được du nhập từ Liên Xô vào nước ta.
Các KCN như công nghiệp nặng gang thép Thái Nguyên, công nghiệp nhẹ Việt Trì, công nghiệp hóa chất Bắc Giang, KCN Thượng Đình, Minh Khai ở Hà Nội, khu Cửa Cấm ở Hải Phòng, than và nhiệt điện ở Quảng Ninh, khu Apatit Cam Đường ở Lào Cai… được hình thành và trở thành cơ sở quan trọng cho việc tạo lập, hình thành đô thị sau này.
Ngày ấy, nhiều đoàn chuyên gia các nước XHCN đã sang Việt Nam giúp Bộ Xây dựng lập quy hoạch nhiều đô thị: Liên Xô giúp Hà Nội, Ba Lan giúp Hải Phòng, CHDC Đức giúp TP Vinh và xây dựng khu nhà ở Quang Trung, Rumani giúp TP Nam Định và TX Phủ Lý, Hungari giúp Hòn Gai – Bãi Cháy, Bungari giúp TX Thái Bình, CHDCND Triều Tiên giúp TX Bắc Giang, Cuba giúp TX Đồng Hới…
Sau khi thống nhất đất nước (1975), miền Bắc nhanh chóng phục hồi các đô thị, các cơ sở công nghiệp và hạ tầng đô thị bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh; các đô thị ở miền Nam chủ yếu là đô thị phi sản xuất, do hậu quả của chiến tranh để lại. Nhưng từ những năm 1980 trở đi, hệ thống đô thị toàn quốc đã dần hình thành, với các đô thị cấp quốc gia như Hà Nội, TP.HCM, các đô thị trung tâm vùng và mạng lưới các thị trấn huyện lỵ.
Giai đoạn 1986 – 1995 với chính sách “Đổi mới” của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) chính là những động lực cơ bản để công tác quy hoạch và phát triển đô thị tiếp tục đổi mới, vươn lên. Sau 5 năm (1990 – 1995) đô thị nước ta có bước phát triển mới khá mạnh mẽ, diễn ra tại hầu hết các đô thị. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm tăng cường quản lý đô thị. Chính phủ đã chính thức phê duyệt quy hoạch tổng thể của Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị quan trọng khác.
Chính phủ cũng nhiều lần xem xét quy hoạch tổng thể các địa bàn kinh tế trọng điểm: phía Bắc (tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long), phía Nam (tam giác TP.HCM – Biên Hòa – Vũng Tàu) và miền Trung (Huế – Đà Nẵng – Dung Quất). Ngoài quy hoạch tổng thể (nay là quy hoạch chung) và quy hoạch chi tiết, nhiều đô thị làm quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch giao thông, quy hoạch cấp nước, thoát nước…
Năm 1995, Hội nghị đô thị toàn quốc lần thứ hai đã bàn đến nhiều nội dung liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Có thể nói đây là giai đoạn bùng nổ trong xây dựng đô thị của quá trình đô thị hóa. Nhiều địa phương đã nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch đô thị (QHĐT) đã được phê duyệt, trong đó phải kể đến Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu…
Quy hoạch các đô thị mới và các đô thị tỉnh lỵ mới được tách tỉnh như Vạn Tường – Dung Quất, Chu Lai – Kỳ Hà, Bắc Ninh, Hưng Yên, Gia Nghĩa… đã được triển khai thực hiện. Các quy hoạch vùng lãnh thổ quan trọng như: Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng biên giới phía Bắc, vùng duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng TP.HCM, vùng ĐBSCL… nhằm liên kết phát triển các đô thị trong vùng cũng đã được triển khai.
Đến năm 1995 hầu hết các thành phố, thị xã đều đã có quy hoạch chung được duyệt. Đáng chú ý là phương pháp luận quy hoạch đô thị có sự đổi mới. Những quy hoạch mới thông qua đều được kèm theo Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch cho đô thị đó.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, nhiều đô thị đã lập quy hoạch chi tiết cho các khu vực cần phát triển. Nhiều văn bản pháp quy quan trọng như Luật Xây dựng, Nghị định về quy hoạch xây dựng, đánh giá tác động môi trường trong quy hoạch xây dựng đã được ban hành trong giai đoạn này.
Giai đoạn từ 2009 đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực QHĐT và phát triển đô thị cơ bản đã được kiện toàn như Luật Quy hoạch đô thị 2009; Nghị định 42/2009/NĐ-CP về phân loại đô thị đã làm rõ hơn các tiêu chuẩn, tiêu chí về phân loại đô thị; Thông tư 34/2009/TT-BXD nhằm cụ thể hóa trong Nghị định 42/CP; Luật Xây dựng 2014 trong đó có chương II quy định về QHXD vùng và QHXD điểm dân cư nông thôn. Một số văn bản pháp quy khác cũng lần lượt được ban hành như Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị… đã góp phần luật hóa công tác phát triển đô thị ở nước ta.
Các phương pháp luận mới về QHĐT đã được các nhà QHĐT Việt Nam tham khảo, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng QHĐT trong nước như: đô thị học cảnh quan, chiến lược phát triển đô thị, quy hoạch cấu trúc chiến lược, đô thị phát triển bền vững, đô thị xanh, đô thị ứng phó BĐKH, đô thị chống chịu, đô thị tăng trưởng xanh…
PGS.TS Lưu Đức Hải
Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Nguồn: baoxaydung.com.vn