HOUSELINK Global #1: Thị trường Xuất khẩu, Vật liệu xây dựng biến động tuần qua

Đẩy mạnh xuất khẩu Vật liệu xây dựng sang thị trường Úc, nhìn nhận những hạn chế của Logistics để đẩy mạnh xuất khẩu hay thị trường Xây dựng trong nước lao đao vì giá thép “bỗng nhiên” tăng vọt là những tin tức nổi bật trong tuần qua.

Thương vụ Việt Nam tại Australia kêu gọi đẩy mạnh xuất khẩu vật liệu xây dựng, sản phẩm nội thất, ngoại thất, trang trí sân vườn sang thị trường Australia.

Thương vụ Việt Nam tại Australia thông tin, hiện nay thị trường xây dựng và vật liệu xây dựng Australia đang bùng nổ. Tổng đơn vị nhà ở được điều chỉnh theo mùa đã tăng 18,6% lên 51.055 căn nhà; các dự án xây dựng nhà ở tư nhân mới khởi công tăng 26,6% lên 33.761 căn nhà; các dự án nhà ở khác của khu vực tự nhân tăng 4,1% lên 16.049 công trình; tổng giá trị các công trình đã hoàn thành tăng 0,1% lên 29,4 tỷ AUD.

Trong tuần qua, Thương vụ đã trao đổi và kêu gọi các Hiệp hội tại Australia và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vật liệu xây dựng, đồ trang trí, đồ nội thất, ngoại thất, sân vườn, trong bối cảnh nhiều người Australia đổ xô đi mua nhà. Dự báo tiếp theo sẽ là các hoạt động chữa sửa, xây mới, trang trí, hoàn thiện.

Nhận diện những hạn chế của logistics ở Việt Nam

Sự tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam những năm qua mang đến tiềm năng lớn cho ngành logistics. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém và chi phí logistics cao làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của hàng hóa và các doanh nghiệp Việt Nam. 

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2020, dựa trên công thức tỷ lệ % của chi phí logistics tương đương với GDP phụ thuộc vào tổng chi phí logistics và tổng GDP, Công ty tư vấn ALG của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chi phí logistics theo GDP của Việt Nam năm 2018 khoảng 16,8%, tương đương giá trị khoảng 42 tỷ USD. World Bank xếp logistics Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia trên thế giới và thứ 3 trong ASEAN, chỉ xếp sau Singapore và Thái Lan, và tăng 35 bậc so với năm 2016.

Còn theo Niên giám thống kê vận tải và logistics của Ngân hàng Thế giới và Bộ GTVT năm 2018 công bố vào tháng 5/2020 cho thấy, chi phí logistics trên doanh thu của doanh nghiệp trên toàn quốc chiếm 8,96% với các doanh nghiệp sản xuất và 9,7% doanh nghiệp phân phối, bình quân là 9,37% với các doanh nghiệp sản xuất và phân phối. Trong đó, chi phí vận tải vẫn là thành phần chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics.

Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế tại khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối phân phối hàng hoá. Vận tải đa phương thức để kết hợp ưu điểm của các phương thức vận tải cũng chưa phát triển hiệu quả ở Việt Nam. Kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế vẫn tiếp tục là nguyên nhân dẫn đến chi phí vận tải tại Việt Nam còn quá cao, thiếu tính cạnh tranh.

Xây dựng “khóc ròng” vì giá thép

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính chung ba tháng đầu năm nay, sản xuất thép các loại đạt 7,7 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ  năm 2020. Bán hàng đạt 6,8 triệu tấn, tăng 35%, trong đó xuất khẩu thép các loại hơn 1,6 triệu tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.

VSA cũng dự báo điều chỉnh giá thép có thể tăng hết quý III-2021. Nguyên nhân do giá phôi thép ngày 6-4 vừa qua ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3-2021 và tăng hơn 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020. Giá thép cuộn cán nóng đầu tháng 4-2021 đạt mức 795 USD/tấn, tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3-2021.

Thị trường thép cuộn cán nóng thế giới biến động mạnh khiến thị trường thép cuộn cán nóng trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt như tôn mạ, ống thép… sử dụng loại thép này làm nguyên liệu sản xuất.

Giá bán có thể sẽ tiếp tục tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng. Các Doanh nghiệp Xây dựng sẽ còn có thể tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

 

Kỳ vọng thị trường xi măng quý II/2021 – nội địa và xuất khẩu

Thị trường tiêu thụ xi măng có hai “điểm rơi”, đó là dịp Tết Nguyên đán và mùa mưa, cũng là lúc tiêu thụ xi măng chậm nhất. Năm 2021, cộng thêm “điểm rơi” thứ ba là ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19. Nhưng thống kê cho thấy, tổng sản phẩm tiêu thụ xi măng, clinker toàn xã hội (gồm cả xuất khẩu) quý I/2021 đạt 21,6 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ.

Dự báo về tiêu thụ xi măng nội địa thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhấn mạnh: Từ quý II/2021, thị trường xi măng tiếp tục ổn định, phát triển tốt. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 tại Việt Nam được ngăn chặn hiệu quả cùng với việc tái khởi động lại các dự án BĐS, xây dựng và đà phục hồi chung của nền kinh tế, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm xi măng được kỳ vọng sẽ tăng. Đặc biệt, sau Đại hội Đảng thành công, Đảng và Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng cho đất nước, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, hàng loạt các dự án đầu tư công như cao tốc Bắc – Nam hay đường vành đai ở các thành phố lớn sẽ được xây dựng, thúc đẩy tăng trưởng ngành Xây dựng giai đoạn 2021 – 2025 và tiêu thụ xi măng sẽ tăng.

Theo dõi #HOUSELINKGlobal để cập nhật tin tức trong lĩnh vực Xuất khẩu – Vật liệu Xây dựng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo