Thanh Phúc – Tiger – Nihon Kogyo – Amron hợp tác cùng phát triển gạch cao cấp

Công nghệ và vật liệu thay thế là xu hướng phù hợp cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, nhất là gạch không nung chưa như kỳ vọng. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể, qua đó góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế và hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường từ việc sản xuất vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp trong nước cũng không ngừng cải tiến và nâng cấp thiết bị để có thể sản xuất gạch cao cấp cho phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Trong đó Cty CP Cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc đã cùng hợp tác với Tiger – Nihon Kogyo – Amron để hướng tới sản phẩm gạch không nung, gạch cao cấp, đặc biệt là gạch xuyên nước.

Phát triển vật liệu thân thiện với môi trường

Đó là nội dung xuyên suốt trong chuyến công tác của Thanh Phúc – Tiger – Nihon Kogyo – Amron từ Bắc vào Nam; các cuộc gặp gỡ, làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học Công nghệ và Hội thảo Vietbuild tại TP Hồ Chí Minh. Phát triển vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung là chủ trương đúng, đặc biệt sản phẩm này góp phần tích cực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, chương trình phát triển vật liệu xây không nung vẫn chưa như kỳ vọng dù đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Tại buổi làm việc với Vụ Vật liệu Xây dựng Bộ Xây dựng đại diện Tiger – Nihon Kogyo và Amron đã giới thiệu về các loại gạch cao cấp mà Nihon Kogyo đã nghiên cứu và sản xuất, đó là các loại sản phẩm gạch xuyên nước, gạch lát cách nhiệt, gạch giao thông, công trình đô thị, trong đó có hai loại chính sẽ được đưa vào thị trường Việt Nam là gạch xuyên nước, gạch vừa xuyên nước và chứa nước, gạch lát xuyên nước cách nhiệt Land Samas.

Ông Trần Duy Phúc – Giám đốc – Trưởng phòng Kinh Doanh Cty Thanh Phúc Giới thiệu sản phẩm gạch xuyên nước tại Hội thảo Vietbuild 2018.

Các sản phẩm gạch xuyên nước đã được đưa vào sử dụng tại các nước phát triển từ rất lâu với những lợi thế vượt trội như: Xuyên nước, chứa nước – hạn chế ngập úng đô thị; giữ được nguồn nước ngầm trong lòng đất mà không chảy ra biển; giữ nguyên môi trường sống của các vi sinh trong lòng đất; chống các rác thải bẩn chảy vào miệng cống thoát nước; cách nhiệt – hạn chế hiệu ứng bê tông hóa, góp phần điều hòa nhiệt độ đô thị, giảm nhiệt từ 12-15ºC; tái chế được; loại bỏ Nox; chống trơn trượt an toàn cho con người, chịu lực tốt; thi công nhanh…

Cty Thanh Phúc ông Trần Duy Phúc cũng đã có kiến nghị với Bộ Xây dựng về việc cần có những chính sách và sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong việc sử dụng gạch không nung để tạo điều kiện khuyến khích các dịch vụ phát triển dây truyền thiết bị nhằm sản xuất các loại vật liệu xây dựng và kiến nghị với Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng ông Phạm Văn Bắc về việc quản lý vật liệu xây dựng và tham mưu với Chính phủ những cơ chế chính sách, tiêu chuẩn quy chuẩn, hướng dẫn thi công để đưa gạch không nung vào cuộc sống.

Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng Phạm Văn Bắc (ngoài cùng bên trái) làm việc cùng Đoàn hợp tác Thanh Phúc – Nihon Kogyo – Amron.

Ông Bắc cho biết: Đến nay, hầu hết các địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung, cũng như khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung. Đặc biệt, một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như Bắc Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Ông Bắc cho rằng: Với tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa nhanh chóng của Việt Nam hiện nay, chúng ta cần có những loại vật liệu mới, vật liệu xanh, vật liệu thân thiện với môi trường để cung cấp cho ngành Xây dựng giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị. Các sản phẩm này vừa phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, tải trọng, làm đẹp cho đô thị nhưng cũng phải đảm bảo yếu tố tự nhiên, khí hậu, môi trường.

“Chúng tôi biểu dương Cty CP Cơ Khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc đã đầu tư cùng đối tác Nhật Bản: Tiger – Amron – Nihon Kogyo công nghệ mới cao cấp để ứng dụng sản xuất các sản phẩm mới gạch không nung cao cấp, gạch lát xuyên nước. Đây là sản phẩm mới, chúng tôi cũng đề nghị chủ đầu tư công bố các tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ tiến hành xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để các doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu, chủ đầu tư có cơ sở đưa vào sử dụng sản phẩm cho các công trình xây dựng”, ông Phạm Văn Bắc nhấn mạnh.

Tính đến nay, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm không nung chính, gồm gạch block xi măng cốt liệu (gạch bê tông), gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt đã đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm; sản xuất đạt 6,5 tỷ viên/năm, chiếm khoảng 27% so với tổng sản lượng vật liệu xây (ước khoảng 24 tỷ viên). Chương trình đã đạt mục tiêu đề ra “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 – 25% vào năm 2015; 30 – 40% vào năm 2020”.

Tuy nhiên, dù nhiều công trình lớn đã sử dụng từ 80 đến 100% vật liệu xây không nung như Dự án nhà ở xã hội Ecohome, Dự án nhà ở thương mại tại ngõ 102 Trường Chinh (Hà Nội), nhưng với các công trình xây dựng nhỏ lẻ, gạch không nung chưa thực sự được hưởng ứng. Lý giải điều này, ông Bắc cho rằng đó là thói quen sử dụng gạch cũ; thứ hai là lợi ích của việc sản xuất, sử dụng vật liệu cũ sẽ bị động chạm khi bị vật liệu mới thay thế; thứ ba là sự thờ ơ của một số cá nhân, tổ chức với mục tiêu chung và cuối cùng là tính tùy tiện vẫn còn trong thiết kế, thi công công trình.

Ông Bắc cũng nhấn mạnh: Đối với hành lang pháp lý về sử dụng gạch không nung đã tương đối đầy đủ và những kiến nghị của Thanh Phúc trong việc tăng cường giám sát, kiểm tra và có chế tài trong việc chấp hành sử dựng vật liệu xây dựng tại các tỉnh thành theo chính sách của nhà nước cùng với những hỗ trợ của các Bộ, ban ngành về phát triển vật liệu xây dựng cần mạnh và hiệu quả hơn nữa.

Giải pháp cụ thể bằng hợp tác đầu tư

Để bảo đảm ngành Vật liệu xây dựng phát triển ổn định, bền vững, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng và để san lấp.

Cùng với đó, Bộ cần tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung có hiệu quả.

Hiện Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng (hiệu lực từ ngày 1/2/2018). Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.

Đối với các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ và vùng Đông Nam Bộ, tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%. Nhà nước khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng…

Trong giai đoạn 2014 – 2017, dự án tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam đã đạt kết quả đáng khích lệ. Dự án có 4 hợp phần và 27 kết quả đầu ra, đến hết năm 2017 chỉ còn 2 kết quả đầu ra chưa được thực hiện. Năm 2018 và năm tiếp theo sẽ thực hiện tiếp những công việc còn lại của dự án, từ đó sẽ thúc đẩy phát triển ngành Xây dựng đi đôi với sự bền vững của môi trường.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo