Thanh Hóa tích cực tháo gỡ khó khăn cho các dự án chăn nuôi
Thanh Hóa là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 190 nghìn con trâu, 265 nghìn con bò, 1,2 triệu con lợn và 23,6 triệu gia cầm. Xác định chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng các địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, nhất là các dự án của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn; ưu tiên phát triển chuỗi giá trị gắn với sản phẩm có lợi thế của địa phương. Đồng thời, ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với chủ đầu tư tổ chức thực hiện các dự án. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản thủ tục hành chính… Vì vậy, đến nay, Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, hiện có 17 dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng và đa dạng cơ cấu vật nuôi như gia cầm, bò sữa, lợn ngoại hướng nạc… Khi các dự án đi vào hoạt động đủ quy mô, công suất sẽ nâng tổng đàn lợn của tỉnh trong giai đoạn 2025-2030 lên 2,2 triệu con, gấp đôi so với tổng đàn hiện nay và thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Có thể nói, các dự án đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị đang trong quá trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện sẽ tạo bước đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi. Điển hình như Dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa do Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa đầu tư, tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, mỗi năm cung ứng cho thị trường 500.000 tấn thức ăn chăn nuôi, hơn 20.000 tấn thịt lợn, 165.000 tấn phân bón vi sinh. Hiện nay, dự án đã hoàn thành 90% xây dựng chuồng trại; trong đó, có 8 chuồng được lắp đặt đầy đủ các thiết bị, hệ thống làm mát, khung chuồng nuôi,… bảo đảm đủ điều kiện chăn nuôi lợn; hoàn thành hệ thống biogas… và đã bắt đầu đi vào vận hành. Dự án cũng đang tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn và nhà máy sản xuất phân vi sinh. Bên cạnh đó, các dự án thành phần thuộc Dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa tại huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Cẩm Thủy; Dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO… cũng đang trong quá trình lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện giải phóng mặt bằng…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số dự án đang gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, như Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại hai xã Yên Mỹ và Công Bình (Nông Cống) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do việc đo đạc, lập bản đồ địa chính chưa chính xác theo đúng diện tích được giao quản lý, sử dụng của chủ đầu tư trước đây; Dự án khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao New Hope Đồng Thịnh (Ngọc Lặc) hiện chưa đáp ứng được khoảng cách môi trường theo quy định… Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh những giải pháp đã và đang thực hiện để tích cực thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện khả năng hoàn thành tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi quy mô lớn đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; từ đó tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bảo đảm khối lượng, chất lượng, không để chậm tiến độ so với cam kết của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để nhanh chóng tìm ra giải pháp khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về vấn đề đất đai, môi trường. Đối với các doanh nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Theo Báo Thanh Hóa