Thanh Hóa sắp thêm hai nhà máy, giúp hàng ngàn lao động miền núi có việc
Hai dự án trên được thực hiện tại huyện miền núi Như Xuân và Thường Xuân, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương…
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 304/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà máy giày da xuất khẩu tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân.
Theo đó, chấp thuận cho Công ty TNHH Xây dựng và đầu tư Linh Chi, địa chỉ tại phường Trường Thi, thành phố Thanh Hoá, thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy giày da xuất khẩu. Vốn đầu tư của dự án khoảng gần 97 tỷ đồng.
Diện tích đất thực hiện dự án này khoảng hơn 37.000m2. Theo tiến độ hoàn thành dự án đưa vào hoạt động chậm nhất trong 21 tháng kể từ thời điểm được Nhà nước bàn giao đất.
Tiếp đến, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà máy giày Thường Xuân của Công ty TNHH giày Thường Xuân.
Dự án được điều chỉnh với diện tích đất sử dụng khoảng 50.000m2. Lý do điều chỉnh quy mô và các hạng mục xây dựng dự án nhằm phù hợp với diện tích đất đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phù hợp với quy mô xây dựng các hạng mục công trình theo Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án này cũng được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 80 tỷ đồng lên hơn 533 tỷ đồng nhằm tăng công suất sản xuất. Trong đó, 100% là nguồn vốn của nhà đầu tư tự có.
Theo quyết định này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Xuân Liêm yêu cầu Công ty TNHH giày Thường Xuân khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục của dự án, tập trung các nguồn lực để thi công xây dựng, hoàn thành đưa dự án vào hoạt động theo đúng chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận, điều chỉnh và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Dự án Nhà máy giày Thường Xuân được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại quyết định số 1532/QĐ-UBND ngày 6/6/2022. Dự án được UBND huyện Thường Xuân phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào ngày 19/8/2022. Công suất dự kiến của nhà máy khi đi vào hoạt động khoảng 2,2 triệu sản phẩm/năm; sử dụng khoảng 2.000 lao động.
Theo lãnh đạo huyện Thường Xuân cho biết, việc xây dựng, đưa dự án này đi vào hoạt động sẽ giải quyết được nguồn lao động từ các tỉnh phía Nam đi làm ăn xa trở về địa phương sau thời điểm sau dịch Covid-19, giảm áp lực an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu giải quyết công ăn việc làm, chăm lo đời sống cho nhân dân.
Nguồn : vneconomy