Thanh Hoá: Chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút các nhà đầu tư lớn
Trong nhiều năm trở lại đây, Thanh Hoá là từ khoá tìm kiếm “hot” trong lĩnh vực đầu tư và thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã “chọn mặt gửi vàng”.
Với vị trí địa lý đặc thù, hội tụ đủ 3 vùng miền núi, trung du, đồng bằng ven biển, có hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối vùng như đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy, những năm vừa qua, kinh tế – xã hội của Thanh Hóa phát triển tốc độ cao, quy mô nền kinh tế của tỉnh đang đứng thứ 8 cả nước, thu hút đầu tư, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá cao.
Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
Những năm qua, Thanh Hoá đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, bổ sung các quy hoạch có chất lượng, tầm nhìn; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; hạ tầng du lịch.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hoá đã thu hút 1.204 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư 234.931 tỷ đồng. Trong đó, 1.125 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư 147.360 tỷ đồng và 79 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký đầu tư 3,8 tỷ USD.Báo cáo mới đây của UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, 8 tháng năm 2021, đã chấp thuận chủ trương đầu tư 74 dự án (7 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 22.700 tỷ đồng và 42,6 triệu USD. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, văn hóa, xã hội, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp, thương mại dịch vụ.
Có thể thấy, Thanh Hoá chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực nhằm nắm bắt thời cơ thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin, tạo cầu nối để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư mới đầu tư vào tỉnh.
Đáng nói, trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, Thanh Hóa được đánh giá thuộc cấp độ 2, tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021 tiếp tục phục hồi và nhiều lĩnh vực có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng mạnh so với cùng kỳ, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,98%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,3%; giá trị xuất khẩu tăng 44,9%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 2.255 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng ước đạt 27.389 tỷ đồng, bằng 103% dự toán và tăng 13,6% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công tăng 9,7%.
Chuẩn bị nguồn nhân lực, cải cách các thủ tục hành chính
Hiện Thanh Hóa đang ra sức cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai quy hoạch, không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng; quan tâm đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, cải cách các thủ tục hành chính… Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cam kết sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và thực hiện đầu tư, kể cả khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định. Trong đó, sẽ chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương nơi doanh nghiệp dự định đầu tư hỗ trợ tối đa về mặt bằng, đảm bảo tốt nhất an ninh trật tự, để Thanh Hóa thực sự là đất lành, là sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt của nhà đầu tư.
UBND tỉnh Thanh Hoá đặc biệt lưu ý về việc tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2025 được xác định là tập trung phát triển công nghiệp – xây dựng với tốc độ cao, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút đầu tư một số dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, lấy công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn giá trị gia tăng cao làm nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là mũi nhọn, để đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về công nghiệp nặng.
Tỉnh Thanh Hóa không chỉ nâng tầm sức hút, sự hấp dẫn của địa phương bằng những lợi thế vị trí địa lý, giao thông, tiềm năng từ tự nhiên và nguồn lao động, mà còn chính bằng sự cầu thị, chân thành và mến khách với khát vọng lớn lao. Điểm hội tụ của các nhà đầu tư lớn cùng với sự dịch chuyển của những ông lớn sản xuất, Thanh Hóa trở thành “điểm hẹn hội tụ” của các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Vingroup tiên phong mang cả hệ sinh thái gồm các thương hiệu hàng đầu. Bên cạnh đó, hàng loạt tên tuổi khác như Sungroup đầu tư nhiều dự án lớn tại TP Sầm Sơn, huyện Như Thanh;… tập đoàn T&T, Erowindow, Flamingo cũng đã trình làng các kế hoạch của mình. Điển hình trong tháng 10/2021, đã khởi công Dự án Flamingo Hải Tiến tại huyện Hoằng Hóa với tổng vốn đầu tư 3.350 tỷ đồng và một số dự án lớn khác.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, những kết quả tích cực đạt được trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay là nỗ lực trong công tác điều hành, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.
Thanh Hóa cũng đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy đầu tư nước ngoài và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực để đón nhận “cơ hội vàng” trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ngay sau khi thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư vào tháng 9/2020, hầu hết các nhiệm vụ liên quan đến thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài đều được thực hiện theo mô hình kiêm nhiệm, ứng với các hoạt động thường xuyên của các sở, ban, ngành có liên quan, đã thực hiện một số hoạt động nổi bật như: xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư; thúc đẩy Dự án Khu công nghệ nông nghiệp năng lượng xanh – thông minh; thành lập Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản;…
Những năm gần đây, danh sách các nhà đầu tư vào Thanh Hóa liên tục được bổ sung thêm những tên tuổi hàng đầu thế giới. Trong đó, Foxconn có lẽ là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong năm nay khi có tới 3 địa điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút tập đoàn này để đặt nhà máy sản xuất. Các bước xúc tiến thủ tục đầu tư đã được thực hiện. Dự kiến tổng mức đầu tư lên tới 1,3 tỉ USD, sử dụng khoảng 100 – 150 nghìn lao động.
Theo quy hoạch từ nay tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hoá sẽ phát triển thêm cửa khẩu kinh tế Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn, 2 khu công nghiệp đô thị – dịch vụ phía Tây và phía Bắc Thanh Hóa. Cũng theo báo cáo từ UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay toàn tỉnh đã thu hút, cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho 08 Dự án đầu tư nước ngoài (bằng 61,5% cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký đầu tư 112,66 triệu USD (bằng 47,1% cùng kỳ).
Tại cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 10/2021, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá trực tiếp giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, tham mưu thực hiện hiệu quả Nghị quyết 58; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức sử dụng lao động, người lao động tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, thời gian tới, dự báo làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục vào Việt Nam, nhất là các tập đoàn đa quốc gia sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiềm chế, vì vậy đây là những cơ hội lớn trong lĩnh vực xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài.
Nguồn: Báo Công Luận