Thái Bình: “Mở cửa” đón nhà đầu tư bằng cách nào?
Trong 5 năm trở lại đây, tỉnh Thái Bình đã chấp thuận đầu tư cho 570 dự án đầu tư ngoài KCN, 188 dự án đầu tư trong các KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 80.000 tỷ đồng. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2021, tỉnh Thái Bình đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 7 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 496 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh Thái Bình đã và đang tập trung đầu tư, mở rộng các KCN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Trường – Phó trưởng ban BQL KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, địa phương hiện có 8 KCN đã được thành lập. Trong đó, 3 KCN đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; các KCN khác đang trong quá trình thu hút đầu tư. Các KCN trong tỉnh Thái Bình được quy hoạch, bố trí tại những vị trí rất thuận tiện cho giao thông, nhất là các tuyến đường QL39, QL10. Thời gian tới, BQL KKT và các KCN tỉnh Thái Bình sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng trong KCN, KKT; tập trung GPMB các dự án có quyết định thành lập, quyết định chủ trương đầu tư để sớm có mặt bằng sạch, bàn giao cho nhà đầu tư.
Việc đầu tư, mở rộng các KCN được cho là bước đi đột phá, tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Bình. Tính đến tháng 5/2021, toàn tỉnh có 208/293 dự án trong KKT và các KCN đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong KKT và các KCN ước đạt 4.065 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Để tiếp tục đà tăng trưởng, tỉnh Thái Bình đã chủ động trong việc GPMB, tạo quỹ đất sạch để mở cửa đón các nhà đầu tư. Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN – Đô thị – Dịch vụ Liên Hà Thái (GREEN iP-1) phân khu Bắc, hạng mục: Khu công nghiệp (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình).
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2021, với quy mô hơn 600ha, tổng vốn đầu tư lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Đây được đánh giá là một trong những KCN có điều kiện thuận lợi, tiên phong, mở ra một giai đoạn phát triển của cả KKT Thái Bình. Đến nay, huyện Thái Thuỵ đã tiến hành GPMB được 621.103,6m2; dự kiến trong tháng 7, toàn bộ diện tích trong khu vực 88,2ha sẽ hoàn thành GPMB; BQL KKT và các KCN tỉnh Thái Bình đã cho nhà đầu tư hạ tầng thuê đất với tổng diện tích 546.129m2.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Thái Thuỵ, BQL KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, quá trình thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu về công tác GPMB, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án thứ cấp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác điều chỉnh quy hoạch…
Để giải quyết vấn đề này, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư trong, ngoài nước, ông Ngô Đông Hải – Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã đề nghị các sở, ngành, địa phương mở đợt thi đua cao điểm như trong 120 ngày thực hiện dự án KCN Liên Hà Thái. Cụ thể, các đơn vị phải tìm ra đúng nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án, kịp thời có giải pháp tháo gỡ, xác định rõ các mốc thời gian tiến độ để phấn đấu thực hiện; sớm hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, hiện tỉnh đã giao các đơn vị liên quan tiếp nhận hồ sơ của 2 nhà đầu tư Greenworks và Lotes. Tỉnh sẽ nghiên cứu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án của 2 nhà đầu tư này trong tháng 6/2021. Đồng thời, đề nghị nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái có kế hoạch cụ thể về tiến độ đầu tư; sớm làm việc với 2 nhà thầu Greenworks và Lotes để triển khai các thủ tục đầu tư vào KCN theo đúng quy định.
Không chỉ tập trung cho các dự án xây dựng, mở rộng các KCN, tỉnh Thái Bình còn tạo cơ chế thông thoáng, chủ động mời gọi những con “đại bàng” lớn thay vì thụ động chờ nhà đầu tư tìm về.
Một ví dụ điển hình, vào cuối tháng 4/2021, tại toạ đàm “Kết nối xúc tiến đầu tư thương mại Thái Bình và Hoa Kỳ”, ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định, địa phương mong sớm được đón các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến nghiên cứu, khảo sát, hợp tác, đầu tư; đặc biệt trong các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, hỗ trợ, phục vụ nông nghiệp; các dự án công nghệ cao, năng lượng sạch; điện gió và điện khí theo quy hoạch; các dự án dược phẩm, thiết bị y tế… Để đón các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào đầu tư, tỉnh Thái Bình cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo thông thoáng; rà soát, chỉnh sửa các cơ chế chính sách cho phù hợp.
Ông John Rockhold – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, mặc dù Hoa Kỳ chưa có dự án đầu tư nào vào Thái Bình, nhưng buổi tọa đàm chính là cơ hội thuận lợi để Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tìm hiểu, nắm bắt, nghiên cứu, khảo sát những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để tiến tới hợp tác, đầu tư.
Trước đó, để khuyến khích đầu tư vào Thái Bình, địa phương đã ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong KKT giai đoạn 2020- 2030 như: chính sách ưu đãi về đất đai; hỗ trợ san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; hỗ trợ đào tạo lao động và hỗ trợ thủ tục hành chính.
Địa phương cũng thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”, gồm: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu hồ sơ và trả kết quả. Đến nay, 100% sở, ngành của tỉnh Thái Bình với 100% số thủ tục hành chính đã được triển khai thực hiện thủ tục theo phương án này.
Theo http://www.congnghieptieudung.vn/