Tập trung nhiều “ông lớn”, Bắc Giang dẫn đầu thu hút vốn FDI
Bắc Giang đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD, chiếm gần 20,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ.
Không chỉ vốn đăng ký giảm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI cũng giảm so với cùng kỳ, đạt 4,3 tỷ USD, giảm 2,2%.
Tuy vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì được mức tăng mạnh như trong 2 tháng đầu năm, song số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm.
Đáng chú ý, trong số các địa phương có vốn đầu tư FDI đăng ký mới, tỉnh Bắc Giang đã liên tục đứng đầu cả nước từ đầu năm đến nay. Không thể phủ nhận, ngoài những yếu tố về địa lý, tự nhiên, Bắc Giang cũng có những chính sách sáng tạo, quyết liệt trong thu hút vốn đầu tư.
Tập trung thu hút “ông lớn”
Sau 4 năm có mặt tại Việt Nam, mới đây, Yadea – Tập đoàn phát triển và sản xuất xe hai bánh chạy điện của Trung Quốc đã quyết định đầu tư thêm một dự án tại Việt Nam, với công suất dự kiến khoảng 2 triệu xe/năm, tổng vốn đăng ký 100 triệu USD, quy mô hơn 23 ha tại Bắc Giang.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục mở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại tỉnh Bắc Giang.
“Chính quyền tỉnh Bắc Giang đã luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tập đoàn triển khai và mở rộng dự án. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ thành lập một khu công nghiệp chuyên môn cao nghiên cứu và sản xuất xe máy điện, khuyến khích các doanh nghiệp vệ tinh cùng liên kết để phát triển sản phẩm”, ông Jerry Zhou, Giám đốc điều hành Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Yadea thông tin.
Trong bối cảnh khó khăn chung của việc thu hút đầu tư FDI của năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã liên tục đứng đầu cả nước về thu hút vốn dòng vốn này từ đầu năm đến nay.
Tính đến 20/3, tỉnh Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD, chiếm gần 20,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo lần lượt là Đồng Nai, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng,…
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay từ khi các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài có ý tưởng đầu tư vào Bắc Giang, UBND tỉnh đã cho thành lập các tổ công tác đặc biệt.
Tổ công tác này gồm đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương nơi doanh nghiệp đó dự kiến đầu tư với nhiệm vụ chính là hỗ trợ các điều kiện, thủ tục giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.
Tỉnh cũng thảo luận và thống nhất lộ trình cụ thể các bước đầu tư đến việc mở rộng dự án sau này. Do đó, từ khâu chuẩn bị đầu tư dự án mới đến mở rộng dự án, doanh nghiệp đều tiến hành theo lộ trình đã thống nhất để đảm bảo đúng tiến độ.
Theo ông Mai Sơn, năm 2023, Bắc Giang phấn đấu thu hút khoảng 1,3 tỷ USD và để đạt mục tiêu thu hút đầu tư, tỉnh phải có cách làm rất sáng tạo và quyết liệt, UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập các tổ công tác để thu hút các tập đoàn lớn.
“Nếu thu hút được ‘đại bàng’ là tập đoàn lớn cũng sẽ thu hút được các doanh nghiệp vệ tinh để tạo ra các sản phẩm đồng bộ, hoàn thiện ở Bắc Giang”, ông Mai Sơn nhìn nhận.
Bên cạnh đó, địa phương cũng phải tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đồng bộ với đó là việc tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, điện,…để phục vụ dự án khi đi vào sản xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp rất quan tâm khi đầu tư tại địa phương là khâu giải phóng mặt bằng.
“Chúng tôi đã tập trung cao vào công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để hỗ trợ các nhà đầu tư sớm triển khai dự án”, ông Mai Sơn cho biết.
Không chỉ tập trung thu hút về số lượng, lãnh đạo địa phương luôn luôn ưu tiên trong thu hút đầu tư FDI là các dự án xanh, các dự án thân thiện với môi trường theo quan điểm của Chính phủ.
“Bắc Giang đã đặt ra yêu cầu với các nhà đầu tư khi thực hiện dự án tại Bắc Giang hoặc có nhu cầu, dự kiến mở rộng đầu tư đều phải đáp ứng các nhu cầu tiêu chuẩn, điều kiện về môi trường, sử dụng công nghệ xanh và khi sản xuất ra các sản phẩm thì cũng phải là các sản phẩm thân thiện với môi trường”, ông Mai Sơn nhấn mạnh.
Với những quyết tâm từ lãnh đạo địa phương, ngoài các hãng công nghệ lớn như: Foxconn, Luxshare,… Bắc Giang cũng là điểm đến của các dự án xanh như Tập đoàn Yadea sản xuất xe máy điện, Fulian sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị truyền thông hay Hainan Longi Green Energy sản xuất pin năng lượng mặt trời.
Nguồn tin: ipcbacgiang.com