Tập đoàn TH đã có văn bản về việc cung cấp hồ sơ phục vụ lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng
Ngày 23/1, UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã có văn bản về việc cung cấp hồ sơ phục vụ lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng.
Theo đó, ngày 6/12/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng có phát đi thông báo về kết luận của ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Tập đoàn TH về ý tưởng và đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch quốc gia Đankia – Suối Vàng, dự án Tổ hợp nhà máy tuyển bô-xít, chế biến Alumin, điện phân Nhôm Lâm Đồng 3 kết hợp các dự án mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn TH – Lâm Đồng.
CTCP Tập đoàn TH cũng đã có văn bản về việc cung cấp hồ sơ phục vụ lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng.
UBND huyện Lạc Dương đã yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng, theo các nội dung đề nghị của Tập đoàn TH tại văn bản nêu trên.
Theo Đồ án quy hoạch phân khu Khu du lich quốc gia Dankia – Suối Vàng được phê duyệt vào năm 2022, dự án này có tổng diện tích quy hoạch 3.998 ha thuộc thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) và một phần diện tích thuộc phường 7 (TP Đà Lạt).
Phía đông dự án giáp xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; phía tây giáp xã Lát, huyện Lạc Dương; phía nam giáp phường 7, TP Đà Lạt và phía bắc giáp đất rừng quốc gia Bidoup – Núi Bà.
Về tính chất, khu vực lập quy hoạch định hướng là khu dịch vụ du lịch tổng hợp với các chức năng như du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa; trung tâm hội nghị, khách sạn; đào tạo và nghiên cứu; bệnh viện, chăm sóc sức khỏe; sân golf…
Khu du lịch gồm rất nhiều phân khu chức năng. Trong đó, phân khu trung tâm du lịch tổng hợp quy mô 75,63 ha sẽ được xây dựng theo ý tưởng tái hiện lại những nét hấp dẫn của Đà Lạt xưa; phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, thưởng thức ẩm thực, các hoạt động vui chơi giải trí, hội nghị hội thảo.
Phân khu nghỉ dưỡng quy mô 236,94 ha được định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các loại hình chính như nghỉ dưỡng ven hồ, làng du lịch, bungalow,…
Phân khu chăm sóc sức khỏe quy mô 57,71 ha được định hướng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp áp dụng công nghệ hiện đại. Đồng thời cung cấp các dịch vụ du lịch kết hợp với điều dưỡng, phục hồi sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp.
Phân khu du lịch thể thao – trung tâm thể thao cấp quốc gia có diện tích 107,84 ha, được định hướng là nơi tổ chức các hoạt động du lịch thể thao vận động, dã ngoại ngoài trời kết hợp phát triển các câu lạc bộ thể thao dưới nước, trung tâm huấn luyện thể thao.
Phân khu sân golf diện tích 153,92 ha được định hướng phát triển sân golf 18 hố và các hạng mục nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp thể thao golf,…
Phân khu trung tâm giáo dục diện tích 69,54 ha được định hướng phát triển các cơ sở vật chất phục vụ chức năng giáo dục, tổ chức sự kiện, chương trình ngoại khóa, sinh hoạt, giải trí, tìm hiểu và định hướng nghề nghiệp,…
Phân khu du lịch văn hóa Lang Biang diện tích 49,58 ha sẽ được phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với danh thắng núi Lang Biang, tham quan làng văn hóa dân tộc, tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc,…
Ngoài ra còn có các phân khu sinh thái nông nghiệp kết hợp du lịch quy mô 290,66 ha; phân khu dược liệu kết hợp du lịch quy mô 381,55 ha; các phân khu chức năng phụ trợ quy mô 2.574,81 ha.
Nguồn: dongvon.doanhnhan.vn