Tập đoàn PNE của Đức muốn làm dự án điện gió ngoài khơi 4,6 tỷ USD ở Bình Định
(VNF) – Tập đoàn PNE (Cộng hòa liên bang Đức) đang nghiên cứu đầu tư dự án điện gió ngoài khơi với công suất dự kiến là 2.000MW, vốn đầu tư 4,6 tỷ USD tại Bình Định.
Thông tin trên được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) tổ chức.
Chủ tịch Phạm Anh Tuấn cho biết những năm qua mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh Bình Định và cộng đồng doanh nghiệp của Đức ngày càng mở rộng, sâu sắc. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư các doanh nghiệp Đức trên địa bàn tỉnh Bình Định còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai bên.
Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 4 dự án của các nhà đầu tư Đức với tổng vốn đăng ký đầu tư là 55,09 triệu USD. Trong đó, dự án Nhà máy sản xuất màng mỏng của Công ty TNHH KURZ Việt Nam tại Bình Định, vốn đầu tư 40 triệu USD, kỳ vọng là dự án tiêu biểu cho sản xuất công nghệ cao, góp phần thu hút các dự án khác tương tự đầu tư vào Bình Định.
Qua tìm hiểu, các doanh nghiệp Đức có thế mạnh trong các lĩnh vực, như: năng lượng, công nghiệp chế tạo máy móc, cơ khí, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường, tự động hóa, logistics, cảng biển…
Được biết, các nhà đầu tư của Đức tham dự hội nghị lần này đang đầu tư các lĩnh vực: điện tử, kim loại công nghệ cao, logistics, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dệt may…
“Đây chính là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, gồm công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, xử lý nước sạch, rác thải, nước thải”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khi đầu tư vào Bình Định nói chung và Khu Kinh tế Nhơn Hội nói riêng, đặc biệt là Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, nhà đầu tư sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ Việt Nam và ưu đãi bổ sung của tỉnh Bình Định.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đầu, miễn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Hiện nay, mức thuế thu nhập doanh nghiệp bình thường là 20%. Nhà đầu tư sẽ được miễn thuế nhập khẩu 5 năm đầu sản xuất đối với nguyên liệu, bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Khi đầu tư vào địa bàn khác của tỉnh, tùy theo ngành nghề đầu tư ưu đãi hoặc đặc biệt ưu đãi, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi miễn một số năm tiền thuê đất, giảm thuế suất và miễn một số năm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định…
Đối với các dự án năng lượng điện tái tạo, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho hay luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu, việc thực hiện dự án sẽ tuân theo quy định của Chính phủ Việt Nam.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 7 dự án điện mặt trời, tổng công suất 529,5 MWp (đã vận hành phát điện 415,5 MWp) và 4 dự án điện gió, tổng công suất 111MW (đã vận hành phát điện 81 MW). UBND tỉnh Bình Định đang kiến nghị bổ sung vào quy hoạch 18 dự án điện mặt trời (1.169MWp) và 11 dự án điện gió (6.174,5MW).
“Tập đoàn PNE đang nghiên cứu đầu tư điện gió ngoài khơi với công suất dự kiến là 2.000MW, với vốn đầu tư 4,6 tỷ USD. Nếu dự án này được triển khai thì đóng góp rất lớn cho sản lượng điện của cả nước và khu vực, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của Bình Định”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói.
Nguồn: vietnamfinance