Tập đoàn Gulf (Thái Lan) “nhắm” dự án điện khí Cà Ná 7,8 tỷ USD
Tập đoàn Gulf (Thái Lan) đang muốn đầu tư Dự án Điện khí LNG Cà Ná (Ninh Thuận), với quy mô 6.000 MW, vốn đầu tư 7,8 tỷ USD. Không chỉ Gulf, mà ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án điện khí ở Việt Nam.
Điện khí được quan tâm
Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf vừa tới Ninh Thuận để đề xuất kế hoạch đầu tư Dự án Điện khí LNG Cà Cá. Theo đó, Gulf muốn Ninh Thuận đồng ý về mặt chủ trương để Tập đoàn có thể thực hiện Dự án Kho cảng LNG và Dự án Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná, quy mô 6.000 MW, bao gồm 4 nhà máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp, mỗi nhà máy có công suất 1.500 MW. Dự án vì thế có vốn đầu tư lên tới 7,8 tỷ USD, dự kiến được đầu tư theo hình thức BOT, hoặc các hình thức khác.
Hoan nghênh kế hoạch này của Gulf, ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Gulf – với kinh nghiệm và năng lực tài chính của mình (Gulf là tập đoàn của tỷ phú Sarath Ratanavadi và là công ty phát điện lớn thứ ba ở Thái Lan – PV) – sẽ là một trong những ứng cử viên để tỉnh lựa chọn cho Dự án Điện khí LNG và Trung tâm Điện lực Cà Ná trong thời gian tới.
Tháng 9 năm ngoái, cùng với việc ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để tỉnh này nghiên cứu phát triển Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Cà Ná với quy mô phù hợp. Và kể từ đó tới nay, Ninh Thuận đã lên kế hoạch để xúc tiến đầu tư vào dự án này.
“Chúng tôi rất mong từ dự án này, Ninh Thuận sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính đầu tư vào tỉnh”, ông Phạm Văn Hậu nói.
Và quả thực, ngay sau khi Chính phủ chấp thuận về chủ trương để Ninh Thuận phát triển Tổ hợp điện khí LNG, rất nhiều đại gia nước ngoài đã tới Ninh Thuận để xem xét các khả năng đầu tư dự án. Đáng chú ý trong số này có Tập đoàn Điện lực quốc gia Hàn Quốc (KEPCO). Tại Ninh Thuận, KEPCO dự kiến đầu tư một nhà máy điện khí công suất khoảng 3.000 – 4.000 MW, trên diện tích khoảng 40 ha.
Đầu năm nay, KEPCO đã tới Ninh Thuận để khảo sát địa điểm và bày tỏ mong muốn đầu tư của mình với lãnh đạo tỉnh. Và KEPCO cũng là một đối tác đầy tiềm năng. Hiện nay, ngoài các dự án điện ở trong nước, KEPCO còn đang vận hành và phát triển 37 dự án tại 25 quốc gia khác nhau trên thế giới, bao gồm dự án điện hạt nhân, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng mới và tái tạo, khai khoáng.
Nhưng nếu Gulf và KEPCO mới chỉ là “ý định”, thì Tập đoàn Total của Pháp đã ký thỏa thuận với UBND tỉnh Ninh Thuận về việc nghiên cứu phát triển Tổ hợp Dự án Điện khí Cà Ná Ninh Thuận từ tháng 11 năm ngoái. Và thời gian gần đây, nhà đầu tư này đã liên tục tới Ninh Thuận để thảo luận các vấn đề liên quan đến dự án này. Total cũng đề xuất UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công thương và Chính phủ bổ sung Dự án vào quy hoạch.
Theo kế hoạch, Total sẽ cùng với các đối tác là Siemens, Vovatek (Nga) và Công ty TNHH Đầu tư và Công nghệ Việt Nam (A&A) triển khai Dự án Điện khí Cà Ná với tổng công suất 4.500 MW, trong đó giai đoạn I là 1.500 MW, tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD.
Tên tuổi của Total hẳn nhiên cũng không cần phải bàn cãi. Toàn các nhà đầu tư sừng sỏ, đầy kinh nghiệm và tiềm lực tài chính nhòm ngó Dự án Điện khí Cà Ná.
Bao giờ sẽ hiện thực hóa?
Nhà đầu tư quan tâm thì nhiều. Cơ hội cũng không phải là không có, nhưng vấn đề là, bao giờ các kế hoạch này được hiện thực hóa?
Trên thực tế, điện khí được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất tốt trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng lớn, nguồn cung điện từ các loại năng lượng truyền thống đang bị hạn chế. Nhưng, hiện vẫn còn một số rào cản đối với việc phát triển các dự án điện khí.
Trước hết, đó là chi phí đầu tư lớn, trong khi Chính phủ chưa có cơ chế hỗ trợ cho điện khí giống như các ngành năng lượng tái tạo khác. Chưa kể, còn một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là để phát triển các dự án điện khí, thì còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí. Sau đó, là các cam kết bao tiêu nguồn điện của các nhà máy điện khí này.
Ở Việt Nam, ngoài các dự án điện khí ở Ninh Thuận, lâu nay, dư luận cũng nhắc nhiều tới kế hoạch phát triển điện khí ở miền Trung, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ năm 2016. Theo đó, sẽ có 4 nhà máy điện khí với tổng công suất 3.000 MW được phát triển tại khu vực này, trong đó 2 nhà máy xây dựng ở Quảng Nam, 2 nhà máy xây dựng ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, mới đây, nhà máy thứ ba ở Quảng Ngãi đã được đưa vào quy hoạch, nâng tổng số nhà máy điện khí dự kiến được xây dựng ở khu vực này lên 5 nhà máy.
Sembcorp, nhà đầu tư Singapore, đã đeo đuổi dự án điện khí ở đây từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, các kế hoạch xây dựng nhà máy điện khí của Sembcorp, cũng như các dự án điện khí khác, được cho là còn phải chờ đợi vào kế hoạch khai thác mỏ Cá Voi Xanh của Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ). Chính phủ Việt Nam cũng đang mong muốn Exxon Mobil nhanh chóng triển khai dự án có vốn đầu tư dự kiến 4,6 tỷ USD này để thuận cả đôi đường. Song xem ra, cũng vẫn sẽ phải chờ đợi.
Dự án Điện khí miền Trung đã vậy, thì cũng chưa dễ để Điện khí Cà Ná sớm trở thành hiện thực. Dù vậy, việc có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới dự án này mở ra nhiều hy vọng mới về việc sẽ có một trung tâm điện khí được hình thành ở Ninh Thuận trong tương lai không xa.
Hai yếu tố cần thiết để phát triển dự án điện khí
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển các dự án điện khí, cần đảm bảo 2 yếu tố: có nguồn nguyên liệu và có đủ cơ sở hạ tầng thông qua việc đầu tư xây dựng các nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ và đảm bảo môi trường.
Theo quy hoạch nguồn điện đến năm 2030, ngành điện khí cần đạt 30.000 MW và tới năm 2050 ước tính lên tới 50.000 MW trong tổng cơ cấu nguồn điện theo quy hoạch.
Nguồn: baodautu.vn