Tập đoàn Amata đầu tư 155 triệu USD phát triển KCN Sông Khoai 714 ha tại Quảng Ninh
Ngày 30/3, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-O-Cha, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư dự án Xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho Tập đoàn Amata (Thái Lan).
Dự án được triển khai trên diện tích 714 ha thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên và được chia thành 5 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư là 3.534,9 tỷ đồng (tương đương 155,59 triệu USD).Dự án Xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Sông Khoai là dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp đầu tiên do nhà đầu tư Thái Lan triển khai tại tỉnh Quảng Ninh và là dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp thứ 4 do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện tại tỉnh này tính từ năm 2014 đến nay.
Theo phân kỳ đầu tư thì đến cuối năm 2019, giai đoạn I của dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Mục đích của nhà đầu tư đến từ Thái Lan nhằm hướng đến đối tượng khách hàng là các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động trong các lĩnh vực như công nghệ chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ phần mềm…
Như vậy, sau 5 năm (từ tháng 3/2013) kể từ ngày ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư Tổ hợp Khu đô thị – công nghiệp công nghệ cao tại Quảng Ninh cùng với Tập đoàn Tuần Châu, nhà đầu tư đến từ Thái Lan đã chính thức được nhận giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, sự hợp tác ban đầu giữa Amata và Tập đoàn Tuần Châu đã không thành công.
Theo dự kiến ban đầu thì dự án sẽ được khởi công trong tháng 12/2013 và đến cuối năm 2014 sẽ có nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động. Lý do khiến dự án của Tập đoàn Amata tại Quảng Ninh bị chậm triển khai là do chủ đầu tư đã đề nghị chuyển đổi vị trí Khu công nghiệp Phương Nam trong quy hoạch (thuộc các phường Phương Đông, Phương Nam, TP Uông Bí) sang xã Sông Khoai lấy tên là Khu công nghiệp Sông Khoai (diện tích quy hoạch 700 ha ở xã Sông Khoai, phường Minh Thành, phường Đông Mai và một phần phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên).
Việc chuyển vị trí đầu tư khu công nghiệp này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Điều này đồng nghĩa với việc phải thực hiện hàng loạt thủ tục để đưa Khu công nghiệp Phương Nam ra khỏi Quy hoạch phát triển Khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và bổ sung Khu công nghiệp Sông Khoai (diện tích khoảng 700 ha) vào Quy hoạch. Và đến 13/12/2016, khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ban hành Văn bản số 2234/TTg-KTN, Khu công nghiệp Sông Khoai đã chính thức được bổ vào Quy hoạch phát triển Khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.
Đây là cơ sở pháp lý để tỉnh Quảng Ninh làm việc với Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 3 để xác định cụ thể diện tích, vị trí, phạm vi ranh giới, mốc giới Khu công nghiệp Sông Khoai bảo đảm không ảnh hưởng tới các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Tiếp đó, Quảng Ninh và chủ đầu tư phải dành thời gian để xây dựng quy hoạch chi tiết, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập Khu công nghiệp và cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.