Tạo mặt bằng ‘sạch’ để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song với hàng loạt giải pháp, trong đó có việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền các quận, huyện nơi “đóng quân” của các khu công nghiệp (KCN) để tạo mặt bằng “sạch”, sẵn sàng đón nhà đầu tư. Dường như bức tranh thu hút đầu tư vào các KCN ở Hà Nội trong những tháng cuối năm đang cho thấy những gam màu sáng.
Việc mới đây, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội tổ chức Lễ ký kết quy chế phối hợp với UBND các quận, huyện về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các khu công nghiệp cho thấy quyết tâm của Thành phố trong việc phục hồi và phát triển kinh tế trong các KCN.
Thu hút đầu tư vào các KCN có xu hướng giảm
Điểm nhấn của việc ký kết này là các đơn vị sẽ tập trung phối hợp trên các lĩnh vực công tác về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai và trật tự xây dựng; công tác quản lý nhà nước về đầu tư; tài nguyên, môi trường; lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và người lao động; công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ; công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.
Hiện tại, trên địa bàn Thành phố có 10 KCN đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1,347,42ha; trong đó, có 09 KCN, với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100% như: KCN Thăng Long, diện tích 274 ha; KCN Nội Bài, diện tích 114ha; KCN Nam Thăng Long, diện tích 31,5 ha; KCN Quang Minh I, diện tích 407ha…
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Hà Nội cho biết, thu hút đầu tư vào các KCN của Hà Nội thời gian qua có xu hướng giảm do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư mới và mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp phải dừng kế hoạch đầu tư hoặc chưa có kế hoạch đầu tư mở rộng; quỹ đất sạch tại các KCN không còn nhiều. Đây là khó khăn để thu hút các dự án đầu tư mới vào KCN của Hà Nội.
Tuy nhiên, báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho thấy, lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý vẫn thu hút đầu tư được 4 dự án mới, vốn đăng ký 1 triệu USD và 450 tỷ đồng; 12 dự án đầu tư mở rộng với vốn đăng ký 60 triệu USD và 30 tỷ đồng.
Tổng mức thu hút đầu tư là 81 triệu USD quy đổi. Thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm 2022 đạt 100 triệu USD (đạt 25% so với kế hoạch năm 2022, bằng 45% so với cùng kỳ năm 2021). Về kết quả sản xuất, kinh doanh, ước 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là 4.869 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước 238,5 triệu USD.
Sớm có mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư
Trong bối cảnh đó, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư vào các KCN năm 2022 đạt 400 triệu USD (tăng 33,3% so với năm 2021).
Cụ thể, 6 tháng cuối năm 2022, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phấn đấu tổng vốn thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp cả năm 2022 đạt khoảng 400 triệu USD (tăng 28,8% so với năm 2021); triển khai thành lập một khu công nghiệp mới và hoàn thành thủ tục đầu tư 2-3 khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, phấn đấu doanh thu đạt 8.200 triệu USD; nộp ngân sách 229,4 triệu USD…
Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư hạ tầng các KCN, đặc biệt là KCN hỗ trợ Nam Hà Nội tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá tới các nhà đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản, trước mắt là hỗ trợ Công ty TNHH Onaga và nhóm các doanh nghiệp Nhật Bản (sản xuất các sản phẩm, linh kiện trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, tàu shinkansen, ô tô, tàu biển, nông ngư nghiệp,…) thực hiện đầu tư các dự án sản xuất tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội thời gian tới.
“Ban Quản lý tiếp tục phối hợp với các sở ngành và UBND cấp huyện, chủ đầu tư hạ tầng KCN đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm có mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư thứ phát vào KCN của Hà Nội trong 6 tháng cuối năm 2022”, đại diện Ban quản lý nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, mục tiêu của thành phố Hà Nội là thành lập và phát triển 2-5 KCN mới trong giai đoạn 2021-2025.
“Hiện nay có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu để đầu tư sản xuất kinh doanh và phát triển hạ tầng các KCN Hà Nội. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chủ đầu tư dự án hạ tầng KCN với Ban Quản lý, các sở, ngành và UBND các huyện có liên quan trong công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện dự án cũng như công tác đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào KCN…”, ông Nam nói.
Theo Quyết định phê duyệt đề án “Thành lập từ 2-5 khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025”, các khu công nghiệp dự kiến sẽ được thành lập gồm: khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu công nghiệp Đông Anh, huyện Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ; Khu công nghiệp Phụng Hiệp huyện Thường Tín. Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như: Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm. Thành phố còn thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2). |
Nguồn: vnbusiness.vn