Tài chính xanh và năng lượng tái tạo cho Việt Nam
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward chia sẻ cách giúp giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu tại Việt Nam nhân tuần lễ Vương quốc Anh xanh từ 15-19/10/2018.
Ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam.
Trong tuần trước, Ông Hoesung Lee Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã đến Việt Nam và trình bày Báo cáo đặc biệt về Hiện tượng trái đất nóng lên 1,5oC. Ông cũng giải thích biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng như thế nào đến con người, sinh thái, và sinh kế trên toàn cầu, kể cả tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2oC. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có những thay đổi chưa từng có, nhanh, và có ảnh hưởng sâu rộng tại các nước phát triển và đang phát triển.
Theo kịch bản phát thải cao của IPCC, dự kiến là vào cuối thế kỷ này, trong tình huống xấu nhất, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam sẽ lên đến 37oC và mực nước biển sẽ dâng đến 95 cm. Điều này có nghĩa là khoảng 22 triệu người Việt Nam sẽ có nguy cơ mất nhà cửa và 45% đất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong biển nước.
Từ lâu, Vương quốc Anh đã đồng tình với các luận điểm về biến đổi khí hậu nhằm có những chính sách mạnh mẽ trong liên quan đến lĩnh vực này. Đạo Luật Biến đổi Khí hậu của Vương quốc Anh, cơ sở của mục tiêu giảm phát thải mang tính ràng buộc pháp lý đầu tiên trên thế giới, đến nay đã có hiệu lực được 10 năm. Tuần này, chúng tôi tổ chức chiến dịch “Tuần lễ Vương quốc Anh Xanh” nhằm nâng cao nhận thức về tính cấp bách của biến đổi khí hậu – một thách thức trên toàn thế giới.
Cơ hội cho tăng trưởng sạch
Đối với Vương quốc Anh, tăng trưởng sạch nghĩa là làm tăng thu nhập quốc dân đồng thời với việc cắt giảm phát thải khí nhà kính. Chúng tôi hiện đang đầu tư hơn 2,5 tỉ bảng vào đổi mới sáng tạo liên quan đến carbon thấp; đây là phần ngân sách tăng nhiều nhất dành cho khoa học, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong hơn 3 thập niên qua. Điều này giúp chúng tôi đứng đầu thế giới về công nghệ điện gió, thu hồi carbon, lưới điện thông minh và pin nhiên liệu hydro.
Cắt giảm phát thải có thể thúc đẩy tăng trưởng. Kể từ năm 1990, mức phát thải của Vương quốc Anh giảm hơn 40%, trong khi hiện nay có hơn 400.000 người làm việc trong các ngành carbon thấp và các chuỗi cung ứng của các nhóm ngành này, các loại pin tốt hơn, hiệu quả hơn được chế tạo và lắp đặt cho những loại xe ô tô ít gây ô nhiễm hơn. Cho đến năm 2030, nền kinh tế carbon thấp của Vương quốc Anh dự kiến sẽ tăng trưởng đến 11% hằng năm, cao gấp 4 lần so với mức tăng trưởng của các nhóm ngành khác của nền kinh tế.
London hiện là trung tâm hàng đầu thế giới về tài chính xanh – cơ chế huy động nguồn lực cần thiết để thực hiện việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp của toàn cầu. Chỉ cách đây vài tuần, một nhà máy điện gió ngoài khơi lớn nhất đã được khánh thành tại Vương quốc Anh, và lượng năng lượng mặt trời chúng tôi sản xuất được trong mùa hè năm nay cao ở mức kỷ lục.
Đến năm 2025 chúng tôi sẽ dừng việc dùng than để sản xuất điện, và việc này có nghĩa là Vương quốc Anh đi trước hầu hết các nước OECD. Chúng tôi muốn giúp các nước khác lên kế hoạch cho giai đoạn chuyển đổi sau khi không dùng than thông qua Liên minh các nước coi than là quá khứ (Powering Past Coal Alliance) trong sản xuất điện.
Hiện nay, Liên minh này đã có đến 70 thành viên cùng với những thời hạn bỏ dần điện than, trong đó có cả các doanh nghiệp toàn cầu, các bang và thành phố.
Hợp tác với Việt Nam
Việt Nam cần được biểu dương vì đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris, xây dựng Chiến lược Tăng trưởng Xanh và cam kết tăng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Trong lúc đó, chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đang giảm và Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, gió và biomass.
Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế IREA tiên lượng rằng cho đến năm 2020 thì năng lượng tái tạo sẽ có thể cạnh tranh được với các loại nhiên liệu hóa thạch hoặc thậm chí sẽ rẻ hơn năng lượng hóa thạch trên toàn cầu. Chúng tôi khuyến khích các quốc gia như Việt Nam, các quốc gia đang đầu tư vào các nhà máy điện than về lâu dài, nên cân nhắc lại việc phát triển năng lượng tái tạo.
Với sự hỗ trợ của Vương quốc Anh, Việt Nam đã và đang hoàn thiện hệ thống kiểm kê khí nhà kính vừa mới được xây dựng và sử dụng công cụ 2050 Calculator trong công tác rà soát cam kết giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi vui mừng chuẩn bị khởi động một chương trình mới cho khu vực Đông Nam Á vào năm 2019, tập trung vào mảng tiết kiệm năng lượng, tài chính xanh và tạo đòn bẩy thúc đẩy đầu tư của khối tư nhân vào các dự án hạ tầng bền vững trong lĩnh vực năng lượng và giao thông của Việt Nam.
Tăng trưởng sạch có thể được cho là cơ hội kinh tế lớn nhất trong lịch sử loài người, mang lại lợi ích to lớn về công ăn việc làm, sức khỏe và môi trường. Một quy hoạch điện với cơ chế khuyến khích, tạo động lực sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ giúp Việt Nam hướng đến tăng trưởng sạch. Đó là một quy hoạch điện có tính đến cải cách ngành điện, thay đổi cơ chế giá, giảm dần trợ giá nhiên liệu hóa thạch, động viên khối tư nhân đầu tư tài chính nhiều hơn và mở ra thị trường năng lượng cạnh tranh và minh bạch.
Tất cả các nước đều phải tích cực đổi mới, chuyển đổi và nâng cao tham vọng nếu chúng ta có cơ hội giảm tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu, và đó cũng là thông điệp mà IPCC chuyển tải đến chúng ta trong tuần vừa qua.
Tuần lễ Vương quốc Anh xanh là tuần lễ từ 15-19.10.2018 lần đầu tiên được tổ chức gồm các sự kiện và hoạt động quy tụ doanh nghiệp, trường học, các nhóm cộng đồng và tổ chức từ thiện cùng tìm hiểu tăng trưởng sạch giúp thay đổi tương lai của chúng ta như thế nào và các lĩnh vực khác có thể cùng chung tay hành động ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào.
Tuần lễ Vương quốc Anh xanh sẽ quảng bá cơ hội giảm phát thải, thúc đẩy phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tạo ra một môi trường tốt hơn. Thông tin thêm về tuần lễ xin xem tại: greengb.campaign.gov.uk.