Sử dụng vật liệu xây không nung: Các vấn đề thường gặp khi thi công
Do việc sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) còn một số bất cập, nên thực tế khi ứng dụng vào thực tế công trình đã gặp các khuyết tật như nứt tường, thấm tường, vỡ gạch trên tường, giữ ẩm lâu làm hư hại lớp sơn tường. Tuy nhiên không có sự cố gây sập đổ công trình. Song các khuyết tật xảy ra đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ, gây thiệt hại về kinh tế, kéo dài thời gian bàn giao công trình, gây tâm lý ngại và sợ sử dụng VLXKN của người sử dụng, chủ đầu tư công trình cũng như người quản lý trên địa bàn và thậm chí là các UBND tỉnh.
Như vậy vấn đề khắc phục triệt để khuyết tật và đưa ra biện pháp phòng ngừa không để xảy ra các khuyết tật trên các công trình là công việc rất bức thiết hiện nay. Đây là vấn đề cần sớm khắc phục trong thời gian ngắn bằng các biện pháp đồng bộ.
Các vấn đề thường gặp, nguyên nhân:
Thẩm định, thẩm tra, thiết kế, cấu tạo kiến trúc không phù hợp cho các loại VLXKN. Hiện chỉ quy định tỷ lệ sử dụng VLXKN mà không có thiết kế phù hợp cho mỗi loại VLXKN.
Định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng sai hoặc không phù hợp cho mỗi loại VLXKN.
Vật liệu, vật liệu phụ trợ và phụ kiện không đạt yêu cầu kỹ thuật: phản hồi và trả lại. Có thể tái kiểm định chất lượng bởi phòng LAS đọc lập với nhà cung cấp.
Máy và dụng cụ chưa đạt: yêu cầu bổ sung, thay thế.
Nhân công: phải có kỹ thuật hiểu biết các kỹ thuật riêng biệt cho xây các loại tường. Phải có công nhân lành nghề. Tổ chức kiểm tra tay nghề bằng cách xây dựng tường mẫu hoặc phòng mẫu.
Tài liệu QCXD 16, các TCVN, TCCS về vật liệu xây tường và VLXKN không nắm được hoặc không có sẵn.
Tường xây không ngang bằng sổ thẳng, không đầy mạch, bị trùng mạch; tay nghề thợ không đảm bảo. Yêu cầu dỡ ra xây lại. Quản lý kỹ thuật phải tăng cường.
Tường bị nứt tập trung và nứt xuyên tường: do co khối xây vượt quá khả năng chịu kéo của khối xây tại thời điểm xuất hiện nứt. Cần phải kiểm tra nhịp tường – chiều dài tường đã đảm bảo chưa, ví dụ tường AAC có chiều dài cho phép không quá 4m, tường gạch bloc có chiều dài cho phép không quá 6m. Chiều cao giằng đã đảm bảo chưa: tường AAC từ 1,2 – 1,5m có 1 giằng; tường bloc 2,2 – 2,4m phải bố trí giằng. Đã đảm bảo hệ neo, bát neo theo thiết kế chưa.
Tường bị nứt rạn, vết nứt dạng chân chim: nếu gạch bị nứt trước khi trát thì do gạch không được bảo dưỡng tốt, bị phơi trực tiếp mưa nắng nhiều ngày. Nếu vữa trát bị nứt là do vữa có cấp phối không tốt, dùng cát nhiều hạt mịn. Nếu tường ngoài bị rạn nứt chân chim thì do bảo dưỡng tường sau khi trát không tốt, nhất là tường hướng tây.
Tường bị nứt tách vị trí tiếp giáp với cột, gốc chuyển hướng: là do thiếu bát neo, neo không đảm bảo liên kết, chiều sâu và mật độ neo; không có lưới thủy tinh hoặc lưới thép; không liên kết tốt mặt lưới với tường như thiếu skimcoat, thiếu ghim thép, không đủ ghim thép với tường.
Tường bị vỡ cục bộ trên đỉnh tường tiếp giáp với sàn bê tông: do sàn võng và ép cục bộ lên đỉnh tường. Cần phải bơm form PU vào các vị trí khe đỉnh tường.
Tường bị nứt chéo góc cửa hay các lỗ kỹ thuật, tiếp diện giảm yếu: không có giằng cửa gốc tường, thiếu lưới thủy tinh hay lưới thép, hoặc do liên kết lớp với tường không đảm bảo, không có skimcoat, thiếu đinh ghim thép.
Tường bị nứt dọc các tuyến rãnh thi công điện nước: không trát vữa đầy rãnh, không dán lưới thủy tinh hoặc dán bằng chất liên kết không đảm bảo dọc tuyến thi công trước khi hoàn thiện mặt tường.
Tường bị thấm chân tường: không chống thấm tốt góc chân tường, không chống thấm đủ chiều cao tường, yêu cầu với WC phải chống thấm cao lên 2m so với cao trình sàn.
Tường bị thấm ngoài tường: do lớp skimcoat không đảm bảo, trát vảy xi măng không tốt, lớp trát không tốt. Có thể do sơn chống thấm không tốt, thời gian lưu nước trên mạt tường lâu.
Tường bị thấm khu WC: lớp skimcoat chống thấm không đảm bảo.
Tường bị thấm dọc tuyến ống nước: bị dò nước tại mối nối ống, bị thủng ống do khoan, cắt hay đục phải.
Tường ngoài bị thấm tại các vị trí lỗ kỹ thuật, lỗ giáo: do trát đầy lỗ giáo không tốt, không dán vải thủy tinh với skimcoat tại vị trí lỗ giáo.
Sơn tường bị mủn, phồng: chủ yếu do gạch và vữa xây trát tường bị ẩm, khi bay hơi sẽ làm sùi hỏng lớp màng sơn.
Sơn tường bị rạn chân chim: do bột bả và lớp trát. Nên sử dụng bột bả có sợi PP siêu mảnh để chống rạn nứt, nhất là đối với tường ngoài có yêu cầu chống thấm cao.
Sơn tường bị ố, đổi màu từng điểm, khu vực: tường bị ẩm, các vật liệu hữu cơ sẽ bị kiềm trong xi măng thấm chiết lignin gây ố tường. Kiểm tra lại cát, kiểm tra lại cấp phối trát. Các vị trí bị ố phải khoét vữa trát lại, bả lại, sơn lại.
Tường bằng tấm composite hoăc tấm xi măng sợi bị cong vênh, mủn: do khả năng chống thấm kém, hệ số hóa mềm thấp.
Đề xuất các biện pháp
Thứ nhất, cần biên soạn Sổ tay thiết kế để phục vụ kỹ sư thiết kế, thẩm tra, thẩm định, thanh tra xây dựng: hướng dẫn lựa chọn và sử dụng VLXKN, sau đó là xuất bản phổ biến rộng rãi. Có thể trong giai đoạn đầu Nhà nước nên phát miễn phí cho người chủ công trình và các bên thi công.
Thứ hai, cần gấp biên soạn giáo trình kỹ thuật xây VLXKN, và tổ chức thực hiện tập huấn rộng rãi cho các đối tượng.
Thứ ba, biên soạn các TCVN vật liệu, TCVN thi công nghiệm thu, TCVN phương pháp thử, TCCS, guide line, thiết kế cấu tạo điển hình, in và phổ biến rộng rãi đến các đối tượng cần thiết.
Thứ tư, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và phổ biến bổ sung cho các loại VLXKN phổ biến.
Thứ năm, xây dựng hiện trường thi công trình diễn để tập huấn kỹ sư và công nhân khi sử dụng VLXKN.
Thứ sáu, nghiên cứu phát triển VLXKN mới và các công nghệ sử dụng, TCVN đi kèm nhằm sử dụng tro xỉ, vật liệu tại chỗ, vật liệu địa phương, vật liệu tiền chế, chất lượng đảm bảo, giá thành cạnh tranh.
Thứ bảy, thanh tra kiểm tra việc sản xuất, buôn bán, sử dụng gạch đất sét nung.
Thứ tám, duy trì lộ trình giảm dần sử dụng gạch đất sét nung theo kế hoạch được duyệt.
TS Trần Bá Việt
Nghiên cứu viên cao cấp, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam
Nguồn: baoxaydung.com.vn