SPMB khởi công và vận hành 29 dự án trong năm 2022
Ban QLDA các công trình Điện miền Nam (SPMB) cho biết, năm 2022, đơn vị quyết tâm đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng các dự án đầu tư xây dựng với tổng giá trị 5.365 tỷ đồng để khởi công 11 dự án; hoàn thành và đưa vào vận hành 18 dự án từ 220-500kV.
Để thực hiện khối lượng vốn đầu tư lớn này, SPMB đã xây dựng tiến độ, kế hoạch chi tiết từng dự án theo từng giai đoạn, từ chuẩn bị đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) đến thi công và quyết toán.
Ông Trương Hữu Thành, Giám đốc SPMB cho biết: “Chúng tôi tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện theo tiến độ đã đề ra nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đầu tư xây dựng được giao. Trong đó có các dự án trọng điểm như: Đường dây 500kV Sông Hậu – Đức Hoà (Giai đoạn 2), trạm biến áp (TBA) 500kV Đức Hoà và các đường dây đấu nối (nhánh rẽ 500kV và đấu nối số 1 phía 220kV), TBA 220kV Cam Ranh, TBA 220kV Vĩnh Châu và đường dây đấu nối…”
Cùng với đó SPMB đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình quan trọng nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và đảm bảo cung cấp điện như: TBA 500kV Long Thành; Lắp máy 2 TBA 500kV Đắk Nông, Nâng công suất TBA 500kV Ô Môn. Đồng thời đảm bảo tiến độ các công trình phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo như: Nâng công suất TBA 500kV Đắk Nông; các TBA 220kV Cam Ranh, Vĩnh Châu, Duyên Hải, Năm Căn.
Theo ông Thành, để đảm bảo hoàn thành khối lượng đầu tư, khởi công, đóng điện; SPMB chú trọng đến hiệu quả trong chất lượng thiết kế và lựa chọn nhà thầu; Thường xuyên kiểm tra công trường các dự án lưới điện trọng điểm nhằm thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các hạng mục của dự án có thể hoàn thành đồng bộ, phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó tích cực thu xếp vốn đầu tư các dự án theo kế hoạch. ”Các dự án chỉ được khởi công khi đã thu xếp được vốn”, ông Thành khẳng định.
SPMB cũng thực hiện quyết liệt các giải pháp để rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng vẫn đảm bảo chất lượng các dự án. Theo đó, SPMB tập trung đẩy nhanh việc trình duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán và tổ chức đấu thầu, xét thầu để khởi công các công trình theo đúng kế hoạch.
Bên cạnh việc kiên quyết xử lý đối với các đơn vị tư vấn thiết kế chưa thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng về chất lượng thiết kế, SPMB tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, quản lý đầu tư xây dựng và tiến độ…
Với giai đoạn thực hiện đầu tư, lãnh đạo SPMB thường xuyên làm việc với lãnh đạo từng địa phương để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ trong đền bù giải phóng mặt bằng; Thực hiện chặt chẽ việc quản lý tiến độ và chất lượng xây dựng công trình, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc. Tất cả các công trình thi công đều có tiến độ chi tiết để làm cơ sở chỉ đạo thực hiện.
Năm 2021, SPMB đạt giá trị đầu tư 4.179 tỷ đồng, giải ngân đạt 4.069 tỷ đồng, bằng 108,9% so với kế hoạch được giao. Theo đó, trong năm đơn vị đã khởi công được 8/9 dự án; trong đó khởi công sớm 2 dự án là Trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu và đường dây đấu nối và Cải tạo đường dây 220kV Cà Mau 2-Nhiệt điện Cà Mau.
Đồng thời đóng điện được 10/11 dự án, riêng dự án Nâng công suất Trạm 500kV Đăk Nông đã cơ bản hoàn tất khối lượng thi công nhưng do Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia chưa bố trí được lịch cắt điện nên chưa tổ chức đóng điện được.
Trong số các dự án đóng điện năm 2021 có các dự án Cải tạo đường dây 220kV Cà Mau – Nhiệt điện Cà Mau đã đóng điện vượt tiến độ 6 tháng, Dự án Trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu và đường dây 220kV đấu nối Vĩnh Châu – rẽ Long Phú – Sóc Trăng cũng đóng điện vượt tiến độ 3 ngày.
Lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) nhìn nhận trong bối cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như các khó khăn vướng mắc kéo dài trong chuẩn bị đầu tư và BTGPMB, với khối lượng đầu tư xây dựng đã thực hiện, các dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2021 thể hiện sự cố gắng nỗ lực rất lớn của SPMB, góp phần cùng EVNNPT đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như đảm bảo cung ứng điện cho các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội như Thành phố Hồ Chí Minh và các phụ tải quan trọng theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty./.
Nguồn: bnews.vn