Sơn Hà tham vọng gì khi liên tiếp mở nhà máy và mua nhiều thương hiệu?
Tính đến năm 2018, Tập đoàn Sơn Hà (SHI) đã xây dựng 10 nhà máy, trong đó có một nhà máy ở Myanmar, và sắp tới sẽ xây dựng thêm một nhà máy ở Ấn Độ. Chưa kể trong hai năm qua, Sơn Hà đã mua lại thương hiệu của hai “ông lớn” bồn nước đã có chỗ đứng vững chãi trên thị trường: Toàn Mỹ và Trường Tuyền. Vậy Sơn Hà đã và đang có tham vọng gì khi liên tiếp mở nhà máy và thu mua nhiều thương hiệu lớn?
Mở rộng thị trường, loại được đối thủ rất mạnh
Tháng 10/2018, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã chứng khoán: SHI) thông báo đã hoàn tất việc phát hành 17,96 triệu cổ phiếu hoán đổi để sở hữu 8,98 triệu cổ phần, chiếm 99,78% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Sản xuất – Kinh doanh Toàn Mỹ.
Trước đó, Toàn Mỹ và Sơn Hà đã được đưa lên bàn cân, một bên là tổng tài sản gần 3.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 840 tỷ đồng, còn một bên, các con số lần lượt là hơn 200 tỷ đồng và gần 100 tỷ đồng. Chưa kể cán cân đại lý, chi nhánh và nhà phân phối của Sơn Hà lớn gơn Toàn Mỹ rất nhiều. Vậy thì lý do gì khiến Sơn Hà chấp nhận đổi giá trị 2 cổ phiếu của mình để lấy 1 cổ phiếu Toàn Mỹ?
Người đứng đầu Sơn Hà đã phân tích: Toàn Mỹ là thương hiệu rất mạnh ở phía Nam, từng có thời kỳ vươn mạnh ra cả thị trường miền Bắc. Song Toàn Mỹ đã vấp phải một sai lầm trong sử dụng chất liệu inox không đạt chuẩn và bị các đối thủ cạnh tranh phát giác. Điều đó khiến Toàn Mỹ rơi vào khủng hoảng, buộc phải rút khỏi thị trường miền Bắc để lo giữ thị trường miền Nam.
Dù vướng phải “sự cố” đó, song Toàn Mỹ vẫn là thương hiệu có chỗ đứng rất vững trong thị trường phía Nam. Hơn nữa sản phẩm của họ ở phân khúc cao cấp, trong khi sản phẩm của Sơn Hà ở phân khúc trung cấp; giá bán của Toàn Mỹ luôn cao hơn Sơn Hà cũng là một lý do để Sơn Hà mua lại Toàn Mỹ.
Vì thế, việc chớp thời cơ để mua lại Toàn Mỹ với Sơn Hà rất quan trọng, nên người đứng đầu Sơn Hà nhận định: “Trước câu hỏi 2 cổ phiếu Sơn Hà lấy 1 cổ phiếu Toàn Mỹ có đắt không, thì tôi cho là rẻ”.
Chưa kể việc mua được Toàn Mỹ còn giúp Sơn Hà mở rộng được cánh cửa để nước vào thị trường phía Nam, và mua lại Toàn Mỹ cũng là cách để Sơn Hà loại bớt được một đối thủ rất mạnh trên thị trường.
Năm ngoái, Sơn Hà cũng đã thành công trong việc mua lại Trường Tuyền – thương hiệu bồn nước inox có mặt sớm nhất trên thị trường phía Nam – của Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Trường Tuyền, xuất hiện lần đầu tiên tại thị trường phía Nam vào năm 1992.
Hiện nay, Công ty TNHH Dịch vụ và Công nghiệp Trường Tuyền là một công ty con thuộc Tập đoàn Sơn Hà. Thương hiệu Trường Tuyền vẫn được giữ nguyên, gắn với các dòng sản phẩm, dịch vụ như: bồn nhựa, chậu rửa inox, máy lọc nước R.O, máy nước nóng năng lượng mặt trời…, trong đó bồn inox Trường Tuyền là sản phẩm mang tính chiến lược.
Như vậy, việc thu mua Toàn Mỹ và Trường Tuyền giúp Sơn Hà không chỉ tận dụng được lợi thế sẵn có về năng lực sản xuất, hệ thống phân phối và thương hiệu của hai thương hiệu này tại thị trường phía Nam, mà còn củng cố vững chắc vị trí “vua bồn inox” của Sơn Hà.
Hướng đến tập đoàn mang tầm châu lục
Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Sơn Hà hiện nay là ống inox công nghiệp – sản phẩm duy nhất của Việt Nam đạt tiêu chuẩn để vào thị trường châu Âu, châu Mỹ. Ống inox của Sơn Hà đã có mặt ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Người Ấn Độ đánh giá ống inox công nghiệp của Sơn Hà là phẩm tốt, được tin dùng nhất trên đất nước của họ. Ngoài chất lượng, ống inox công nghiệp còn là sản phẩm tự hào về doanh số của Sơn Hà khi doanh thu xuất khẩu đạt đến 70 triệu USD/năm.
Việc tới đây Sơn Hà đầu tư xây dựng nhà máy ở đất nước tỷ dân Ấn Độ nằm trong mối tương quan về vị trí, vai trò của ống inox công nghiệp của họ trên thị trường này và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ.
Thị trường lớn với dân số trên 1,3 tỷ người, Ấn Độ còn đang là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Từ 2015, Ấn Độ cũng vượt Trung Quốc trở thành quốc gia thu hút vốn FDI (đầu tư trực tiếp) lớn nhất trên thế giới.
Trong khi ở thị trường trong nước, các đại gia ngành thép không gỉ đang phải đối mặt với xu hướng bão hoà về nhu cầu, cộng thêm áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thì việc tìm hướng đi để tạo ra các dư địa tăng trưởng mới và hướng ra nước ngoài như Sơn Hà là một lời giải.
Trước đó, từ 2015, Sơn Hà đã đầu tư vào Myanmar – một thị trường mà theo Sơn Hà là còn nhiều tiềm năng khai phá, bởi thị trường này có nhiều điểm tương đồng với thị trường Việt Nam hơn một thập kỷ trước, nên nhu cầu nhu cầu tiêu dùng tại quốc gia này cũng sẽ phát triển theo những logic mà Sơn Hà đã thành công tại Việt Nam giai đoạn trước.
Việc mở rộng nhà máy ra nước ngoài vừa là một lời giải của Sơn Hà trước bối cảnh cạnh tranh trong nước, vừa như bàn đạp để tập đoàn này hướng đến tham vọng trở thành tập đoàn hàng đầu của cả Việt Nam và châu Á.
Nguồn: baomoi.press