Siêu cảng hơn 50.000 tỷ tại Đà Nẵng hút vốn ngoại, thêm ông lớn logistics nhập cuộc đầu tư
Trước đó, dự án siêu cảng tại Đà Nẵng cũng thu hút sự quan tâm của các tập đoàn quốc tế như Adani (Ấn Độ) và Sumitomo (Nhật Bản)…
Theo thông tin từ Báo điện tử Đầu tư, Tập đoàn APM Terminals và Tập đoàn Hateco đã gửi hồ sơ bày tỏ sự quan tâm đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu tại TP. Đà Nẵng.
Nếu được chọn làm nhà đầu tư cho dự án này, Liên danh APM Terminals – Hateco cam kết đảm bảo lưu lượng hàng hóa vận chuyển ổn định và tạo ra luồng hàng từ các điểm trọng yếu, qua đó giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong trung và dài hạn.
Liên danh cũng đặt mục tiêu phát triển cảng Liên Chiểu thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam, với hệ thống dịch vụ logistics xanh, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về quản trị, trách nhiệm môi trường và xã hội. Họ cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng để cảng sớm đi vào khai thác, bằng cách áp dụng các biện pháp thi công hiệu quả nhất.
APM Terminals là một trong những nhà khai thác cảng container hàng đầu thế giới, thuộc Tập đoàn AP Moller-Maersk, hiện đang quản lý hơn 70 cơ sở cảng và nhà ga tại 38 quốc gia trên năm châu lục. Cùng với hãng vận tải biển Maersk, APM Terminals có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về thị trường, giúp đề xuất các giải pháp phù hợp cho những thách thức lớn trong ngành vận tải biển.
Hateco là một tập đoàn đa ngành lớn của Việt Nam, thành lập năm 2004, đã tiên phong trong nhiều dự án hạ tầng quan trọng như: Bến số 5, 6 cảng Lạch Huyện (Hải Phòng); Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (Quảng Ninh); Khu cảng cạn ICD Long Biên (Hà Nội). APM Terminals và Hateco đã hợp tác chiến lược trong việc phát triển Cảng quốc tế Hateco Hải Phòng thành cảng container lớn và hiện đại nhất miền Bắc.
Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu bao gồm hai phần. Phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và TP. Đà Nẵng, đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2021. Phần này đã được UBND TP. Đà Nẵng khởi công vào tháng 9/2023 và dự kiến hoàn thành năm 2025.
Phần thứ hai là dự án kêu gọi đầu tư, bao gồm 8 bến container (chiều dài neo đậu 2.750m cho tàu từ 50.000-200.000DWT), 6 bến hàng tổng hợp (chiều dài neo đậu 1.550m cho tàu từ 50.000-100.000DWT), và các bến cho tàu pha sông biển cùng hậu phương cảng. Theo ước tính sơ bộ của UBND TP. Đà Nẵng, chi phí đầu tư cho phần này khoảng 48.304 tỷ đồng.
Hiện tại, ngoài các doanh nghiệp trong nước, dự án bến cảng Liên Chiểu cũng thu hút sự quan tâm của các tập đoàn quốc tế như Adani (Ấn Độ) và Sumitomo (Nhật Bản).
Nguồn: nguoiquansat