Sắp có thêm 2 dự án lớn tại Quảng Nam
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa phát đi Thông báo số 248/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại buổi làm việc trực tuyến về chương trình hợp tác, đầu tư các dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025.
Diện mạo mới cho đô thị Tam Kỳ
Theo đó, đối với dự án Khu đô thị và cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ thành phố Tam Kỳ, đoạn từ sông Kỳ Phú đến quảng trường biển Tam Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu UBND thành phố Tam Kỳ phối hợp với các đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, gửi Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai để khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trước tháng 10/2021.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, khu vực cánh đồng Nhong có vị trí và địa hình tự nhiên đặc biệt, quan trọng, tạo điểm nhấn sinh thái kiến trúc cho đô thị Tam Kỳ và là không gian chứa lũ của đô thị Tam Kỳ, định hướng sẽ quy hoạch phát triển thành công viên chuyên đề với mật độ xây dựng không quá 25% và thực hiện phương án thi tuyển ý tưởng kiến trúc để tạo điểm nhấn tại khu vực này.
Đối với quảng trường biển, yêu cầu UBND thành phố Tam Kỳ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu lại vị trí quảng trường biển theo hướng thuận lợi trong việc kết nối giao thông khu vực, đảm bảo tổ chức các sự kiện biển quy mô lớn mang tầm quốc gia, khu vực; hệ thống giao thông kết nối phải đồng bộ, đa dạng và đảm bảo khả năng thoát nạn khi tổ chức các sự kiện tập trung đông người.
Bên cạnh đó, trục đường Điện Biên Phủ là trục cảnh quan chính của đô thị Tam Kỳ, kết nối trung tâm thành phố Tam Kỳ hiện hữu đến biển nên quá trình nghiên cứu, đầu tư phải có các công trình điểm nhấn về chiều cao, kiến trúc, vật liệu xây dựng, hiệu ứng ánh sáng,… phù hợp, tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại nhưng phải khác biệt với các trục đô thị tương tự trên cả nước,…
Khu đô thị ven sông Vĩnh Điện: Điểm nhấn đặc biệt giữa Hội An và TP.Đà Nẵng
Đối với dự án Khu đô thị ven sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn khẩn trương đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Điện Bàn để gửi Sở Xây dựng kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh văn bản gửi Bộ Xây dựng lấy ý kiến trước ngày 15/7/2021.
Đôi bờ sông Vĩnh Điện
Đồng thời, đề nghị UBND thị xã Điện Bàn, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị liên quan để làm việc, giải trình với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành về các nội dung liên quan đến khu vực nghiên cứu, đầu tư dự án Khu đô thị ven sông Vĩnh Điện.
Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn UBND thị xã Điện Bàn, đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Thời gian hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong năm 2021.
Đề nghị Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND thị xã Điện Bàn quy hoạch, bố trí các cầu qua sông Vĩnh Điện tại các vị trí phù hợp; trong đó lưu ý, các cầu qua sông phải mang tính biểu tượng, có điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan, phương án chiếu sáng trang trí,…. hợp lý để phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại,…
Vẻ đẹp hoang sơ đôi bờ sông Vĩnh Điện
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, việc phát triển đô thị ven sông Vĩnh Điện phải xác định trục cảnh quan chính là sông Vĩnh Điện, UBND thị xã Điện Bàn, và các đơn vị trong quá trình quy hoạch, đề xuất đầu tư dự án phải có phương án quy hoạch, khai thác, phát huy có hiệu quả giá trị cảnh quan sông Vĩnh Điện, phải có điểm nhấn kiến trúc và cảnh quan đặc sắc gắn với sông Vĩnh Điện theo hướng hình thành bảo tàng tre Việt Nam, xây dựng thương hiệu chủ đạo của dòng sông Vĩnh Điện gắn với tre để phát triển đô thị có bản sắc riêng, khai thác du lịch.