Quy hoạch đô thị cho đáng sống, tiền không phải là vấn đề cốt lõi đầu tiên
Chia sẻ trong chương trình bàn tròn trực tuyến của mục Góc nhìn thẳng, vị cha đẻ của kiến trúc Singapore, TS. Liu Thai Ker nhìn nhận Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh có thể trở nên đáng sống hơn với bản quy hoạch đô thị tầm nhìn 50 năm. Tiền không phải là vấn đề cốt lõi đầu tiên.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải thốt lên, quy hoạch đô thị của Thủ đô đã bị băm bát. Và cũng chưa bao giờ, các lãnh đạo ở Bộ Xây dựng lại thẳng thắn nhìn nhận một quy hoạch đô thị có nhiều khiếm khuyết và lổ hổng như hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải ra văn bản chỉ đạo nhắc nhở việc tuân thủ quy hoạch đô thị đối với Tp Hà Nội. Và điều này cũng đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc lại trong hội nghị tổng kết Bộ Xây dựng hồi tuần trước.
Một câu hỏi nóng là, ngập lụt, ùn tắc và ô nhiễm, phải gỡ khó ra sao cho bài toán quy hoạch đô thị Việt Nam? Làm sao để Hà Nội, Tp HCM trở thành phố đáng sống.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã tổ chức bàn tròn trực tuyến về vấn đề này với sự tham gia của 4 khách mời.
– TS Liu Thai Ker (Lưu Thái Cơ), người được coi là cha đẻ, đặt nền móng cho kiến trúc Singapore hiện đại. Ông hiện là Chủ tịch Trung tâm thành phố đáng sống thuộc chính phủ Singapore, nguyên kiến trúc sư trưởng của Singapore.
– TS Sumila Gulyani, Trưởng nhóm toàn cầu về chiến lược và phân tích phát triển đô thị của Ngân hàng Thế giới.
– Bà Jolanta Kryspin-Watson, chuyên gia trưởng toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai và là điều phối viên Chương trình Quản lý rủi ro thiên tại tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới.
– Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Uỷ viên Ban thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội, chuyên gia về phản biện quy hoạch đô thị Việt Nam.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa quý vị, lời đầu tiên chúng ta cần nhắc lại hình ảnh của đô thị Việt Nam ngày hôm nay. Vâng, thưa KTS Trần Huy Ánh, là một công dân Thủ đô, ông suy nghĩ thế nào về những câu chuyện đang tranh cãi gần đây về quy hoạch Hà Nội, Tp HCM? Từ chuyện xe buýt nhanh cần đường ưu tiên, cao ốc mọc kín trong nội đô ở Hà Nội hay những đợt ngập lụt nặng nề ở Tp HCM năm qua?
KTS Trần Huy Ánh: Đầu tiên, chúng ta thấy rõ, đây là một sự bị động về mặt chính sách trong quá trình phát triển.
Đây cũng là tâm trạng bất an của cư dân của hai thành phố trước những vấn đề thảm hoạ, trước các vấn đề của đô thị mà nhà quản lý, cũng như các cơ quan chức năng khác có vẻ đang rất khó khăn khi phải đối mặt với nó.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Liu Thai Ker (Lưu Thái Cơ), ông đã từng đến Việt Nam rất nhiều lần, ông nhìn thấy gì về sự đổi thay trong đô thị Việt Nam vừa qua như ở Hà Nội hay Tp HCM trong 20 năm qua? Nó đẹp lên hay xấu đi?
TS Liu Thai Ker: Trước tiên, tôi cũng muốn chúc mừng Việt Nam, Hà Nội và Tp HCM về sự phát triển thời gian qua. Nói về câu chuyên đô thị, trước tiên, tôi phải nói rằng, một điểm rất đáng ghi nhận là việc các bạn đã bảo tồn được những toà nhà, những căn nhà mang dấu ấn lịch sử, là di tích lịch sử.
Chúng ta không thể để những công trình này đi xuống nhưng phải giữ những ngôi nhà đó như thế nào?
Cách đây 20 năm, tôi đã tới Hà Nội và hôm qua, tôi đã đi dạo trên phố Hà Nội thì thấy, ở đây đã có nhiều dấn ấn về sự thịnh vượng và phát triển, nhiều cửa hàng, cửa hiệu nhộn nhịp. Đó là một sự tuyệt vời.
Tuy nhiên, tắc nghẽn giao thông lại là một vấn đề rất lớn, theo sự nhìn nhận của tôi. Chất lượng cuộc sống đô thị, chất lượng nhà ở dường như đang là một thách thức rất lớn cho thành phố Hà Nội.
Như vậy, có điểm tốt và có điểm chưa tốt của sự phát triển này. Chúng ta nên cố gắng làm sao giữ được điểm tốt này và hạn chế những điểm không tốt.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa bà Jolanta Kryspin- Watson, bà là chuyên gia trưởng về quản lý rủi ro thiên tai, bà nhìn thấy vấn đề gì ở quy hoạch đô thị Việt Nam từ những cơn ngập lụt được ví như đại hồng thuỷ ở Hà Nội năm 2008, ở Quảng Ninh năm 2015, hay ở TP Hồ Chí Minh năm 2016? Đó đều là những trận ngập lụt kinh hoàng mà hàng chục năm, mười mấy năm mới xảy ra.
Bà Jolanta Kryspin- Watson: Tôi nghĩ rằng, khi những thành phố được phát triển, các nhà hoạch định chính sách đã chưa tính đến được những rủi ro của thiên tai, như lũ lụt, thảm hoạ về thuỷ văn. Giờ, chúng ta có thể thấy, các nhà quản lý cũng đang đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan, đôi khi là không biết nên làm gì trước ở trường hợp này.
Thông thường, trong những trường hợp này, phản ứng đầu tiên ở chính quyền nhiều thành phố, đó là tìm cách giảm thiểu rủi ro thiên tại, ngập lụt đó nhưng các động thái hiện nay là chưa đủ.
Chúng ta không thể chỉ đối mặt với những gì xảy ra mà còn phải chuẩn bị trước, dự đoán được trước biến đổi khí hậu, nó sẽ gây ra rủi ro gì.
Trong quá trình phát triển đô thị hiện nay, chúng ta phải lồng ghép những nguy cơ rủi ro này.
Tôi nghĩ rằng, các thành phố muốn phát triển, sẽ phải có hướng phát triển nhìn nhận về tương lai dài hơn, phải hoạch định được những nguy cơ thảm hoạ thiên tai có thể xảy ra trong tương lai chứ không phải chỉ là đối mặt với thảm hoạ đã xảy ra hôm nay.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa TS Sumila Gulyani, bà là chuyên gia về phân tích phát triển đô thị toàn cầu, bà nghĩ thế nào về những điều mà 3 vị khách vừa chia sẻ? Bà nghĩ sao về những bài học kinh nghiệm trên thế giới mà Hà Nội, Tp HCM có thể áp dụng để có thể trở thành những thành phố không ngập lụt, không ô nhiễm, không ùn tắc?
TS Sumila Gulyani: Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam. Những gì mà các bạn vừa mô tả về Tp HCM, Hà Nội thì không phải là những vấn đề độc nhất. Sự tắc nghẽn giao thông hay những yếu kém trong quy hoạch đô thị…, điều đó xảy ra ở rất nhiều thành phố trên thế giới.
Từ quan điểm chiến lược, một điều quan trọng là phải hiểu là những vấn đề cần phải giải quyết khi phát triển đô thị là như thế nào? Ngoài ra, phải xem điều kiện sống của người dân như thế nào? Tiếp cận việc làm của người dân như thế nào? Sự di chuyển của người dân như thế nào? Và nền kinh tế khi phát triển, có thể mang lại lợi ích cho các yếu tố phát triển đó như thế nào hay lại là cản trở nó. Ví dụ, hệ thống tài chính có tốt hay không?
Và quy hoạch thành phố, những tài sản như các hạ tầng cứng như cơ sở hạ tầng, môi trường thiên nhiên như công viên, vườn hoa hay hạ tầng mềm như các quy định pháp lý… Tất cả những điều này đều phải cân nhắc tới.
Một hành động ở lĩnh vực này có thể lại ảnh hưởng đến một hành động ở lĩnh vực khác. Vì vậy, cách tiếp cận khi làm chiến lược phát triển đô thị phải đồng bộ, tổng thể, không chỉ tập trung khía cạnh này mà quên đi khía cạnh khác và sau đó, triển khai từng bước một.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông Liu Thai Ker, ông từng là kiến trúc sư trưởng của Singapore- một quốc gia xinh đẹp và sạch, khiến rất nhiều người dân trên toàn thế giới ngưỡng mộ. Đối với ông, ông có những tiêu chí như thế nào về một quốc gia đáng sống, một thành phố đáng sống?
TS Liu Thai Ker: Theo quan điểm của tôi, phát triển đô thị có 2 mục tiêu, thứ nhất là cung cấp một môi trường sống đáng sống cho người dân, nghĩa là cần có môi trường vật chất bền vững cho bản thân thành phố. Và để có môi trường sống tốt hơn thì cần phải đảm bảo những chức năng trong thành phố hoạt động tốt. Ví dụ như giao thông, không chỉ là chú ý ở nội đô mà còn phải quan tâm đến việc kết nối giao thông nội đô đó với các khu vực bên ngoài, thành phố bên ngoài như thế nào? Làm sao để có thể, người dân đi ra, đi vào thành phố thuận tiện hơn.
Các cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tính hiệu quả. Các quy định điều tiết của Nhà nước cần đáng tin cậy, không phải lúc nào cũng thay đổi chính sách. Tôi nghĩ là Nhà nước đừng thay đổi chính sách quá thường xuyên. Kế đó là tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân để cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn.
Như vậy, để đảm bảo môi trường sốngthì phải đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt, cung cấp nhà ở tốt cho người dân, từ đó đảm bảo có môi trường sạch đẹp với hệ thống giao thông tốt.
Đặc biệt đối với những thành phố lớn như Hà Nội, Tp HCM, tôi nghĩ, chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến giao thông công cộng như các tuyến Metro như thế nào, dịch vụ xe bus ra sao cho thực sự hiệu quả.
Đối với các chức năng khác của thành phố, chúng ta cũng phải nghĩ đến việc giữ môi trường tự nhiên như thế nào, chăm sóc các dòng sông như thế nào, đồi núi, công viên, vườn hoa như thế nào để có những vành đai xanh quanh thành phố.
Để làm thành phố trở nên đáng sống, trong quy hoạch đô thị, chúng ta không phải chỉ nhìn từng yếu tố một cách đơn lẻ mà phải nhìn tất cả các yếu tố cùng lúc, tích hợp, lồng ghép và tổng thể.
Bởi vì, khi chúng ta quyết định tác động vào một yếu tố này thì sẽ có tác động tới yếu tố khác. Do đó, phải có cái nhìn tổng thể.
Điều đó là rất khó trong làm quy hoạch đô thị. Khi quy hoạch thành phố, phải đưa ra những quyết định lớn, để quyết định đó đúng đắn thì phải nhìn thấy tất cả các vấn đề cùng một lúc.
Nhà báo Phạm Huyền:Điều ông chia sẻ là nói một tầm nhìn dài hạn và tổng thể. Nói đến quy hoạch đô thị ở Việt Nam, như ở Hà Nội, Tp HCM, sẽ rất là khó khăn vì những căn bệnh của đô thị hiện đại đã thấy rõ, như ùn tắc, ngập lụt, ô nhiễm. Theo ông, các nhà làm quy hoạch ở Việt Nam sẽ cần phải có một bài thuốc như thế nào để chữa trị được những căn bệnh này?
TS Liu Thai Ker: Theo quan điểm của tôi, Tp HCM hay Hà Nội, đang có rất nhiều vấn đề về đô thị. Vấn đề là ta chưa có một quy hoạch tốt của thành phố. Chúng ta phải quy hoạch dài hạn cho thành phố của mình. Ở Singapore, chúng tôi làm quy hoạch cho một lộ trình phát triển tới 50 năm đến 100 năm. Chúng tôi phải quy hoạch cho khu vực đô thị hoá, phải lưu ý giữ những khu vực nào đó cho sự phát triển trong tương lai.
Như vậy, quy hoạch thành phố không phải là một dự án. Nó là một chương trình mang tính chất tổng thể.
Như vậy, khi ta có rất nhiều vấn đề về đô thị là vì ta không có được một quy hoạch dài hạn, toàn diện, tổng thể và hệ thống. Tôi thường nói với mọi người rằng, khi lập kế hoạch cho một thành phố thì đừng chỉ nghĩ chúng ta có tiền hay không, có khả năng để xây hay không? Mà phải nghĩ xem, thành phố của chúng ta thực sự cần cái gì?
Một khi chúng ta đã có quy hoạch tốt rồi thì sau đó, mới tìm đến huy động nguồn vốn, tiền ở đâu để hiện thực hoá các ý tưởng đó.
Ở Singapore cũng vậy, vào năm 1971, lúc chúng tôi quy hoạch các đường Metro, đến tận năm 1982 mới huy động đủ tiền để xây công trình đó. Khi có tiền rồi, kế hoạch đã có sẵn, dự án thiết kế đã có sẵn sàng. Điều đó có nghĩa, chúng ta cần quy hoạch cho nhu cầu của người dân, nhu cầu của thành phố chứ đừng chỉ dựa vào năng lực hay nguồn tiền mà thành phố có.
Hi vọng rằng, theo cách làm như vậy, chúng ta có thể thay đổi được những vấn đề đau đầu của đô thị hiện nay. Với những quy hoạch mang tính chất dài hạn như vậy, chúng ta sẽ dần dần cải thiện được tất cả các vấn đề hiện nay.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin chia sẻ với ông, tại Hà Nội đã có quy hoạch thủ đô tầm nhìn đến năm 2030, không phải là 50 năm, nhưng vấn đề thực thi đang gây ra nhiều tranh cãi. Quy hoạch này đã từng đề ra tiêu chí hạn chế xây các cao ốc trong nội đô, nhưng sau đó, vì nhiều lý do thì chính quyền vẫn cấp phép cho các dự án nội đô.
Ông nghĩ thế nào về vai trò của nhà làm chính sách ở đây, ít nhất là trong việc chấp hành chính chính sách mình đã ban hành ra trước đây?
TS Liu Thai Ker: Như tôi đã đề cập, chúng ta cần phải có những quy hoạch mang tính chất lô gic, khoa học và mang tính hệ thống.
Ví dụ như một thành phố lớn như Hà Nội với dân số 7 triệu dân, một thành phố rất lớn, chúng ta không thể tránh những toà nhà cao tầng được.
Nếu cứ tiếp tục xây những toà nhà thấp tầng, thành phố sẽ trở nên quá lớn, khoảng cách đi lại sẽ rất xa xôi. Một thành phố lớn sẽ có nhiều nhu cầu cần có những toà nhà thương mại cao tầng với những trụ sở, văn phòng… Nếu không cung cấp những toà nhà như vậy, các nhà đầu tư sẽ bỏ thành phố của chúng ta để đi nơi khác. Họ sẽ tìm những nơi có toà nhà cao tầng thuận tiện hơn cho họ.
Như vậy, ở đây chúng ta vẫn phải có quy hoạch mang tính chất tổng thể, mang tính chất hợp nhất để xác định xem đâu là những chỗ mà chúng ta có thể xây được nhà cao tầng. Tất nhiên, không phải chỗ nào cũng xây được nhà cao tầng.
Chúng ta sẽ phải xác định xem những khu vực nào có thể xây được nhà cao tầng. Ví dụ nhưng khu di tích lịch sử thì không thể xây nhà cao tầng ở đó được.
Tôi xin nhấn mạnh lại, cần phải có quy hoạch rõ, xác định rõ đâu là nơi xây được và đâu là nơi không xây được nhà cao tầng. Với thành phố quy mô 7 triệu người thì chắc chắn, cần phải có nhà cao tầng rồi để giảm bới khoảng cách và thời gian đi lại hay các vấn đề khác để thành phố xanh hơn.
Một thành phố quy mô như vậy thì phải xem xét nghiêm túc việc xây dựng các đường sắt trên cao, đường Metro, đó sẽ là giải pháp rất hiệu quả, hoặc cải thiện hệ thống xe bus.
Vấn đề ở đây không phải là quy hoạch tốt hay xấu mà cần phải xem xét giải quyết những điểm đó như thế nào.
Tôi nghĩ rằng, với trường hợp của Hà Nội, chúng ta đừng cấm các toà nhà cao tầng tuyệt đối, vấn đề là quy hoạch nó như thế nào thôi.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà Sumila, với nhiều kinh nghiệm bài học trên thế giới, liệu những mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển đô thị hiện đại với việc phải đảm bảo chất lượng sống cần giải quyết thế nào? Làm sao để cao ốc mọc lên nhưng không phải đi kèm theo nó là ngập lụt, ùn tắc? Bà có lời khuyên nào cho Việt Nam?
TS Sumila Gulyani: Đây là một câu hỏi rất hay. Xin quay trở lại một chút, những kinh nghiệm thực tế của Singapore đối với quy hoạch không phải nhiều thành phố trên thế giới có được. Có nhiều thành phố đã chuẩn bị được quy hoạch nhưng có nhiều thành phố thì không thể thực hiện được những quy hoạch của mình.
Thành phố phát triển mà không có quy hoạch tốt, sẽ bị hỗn độn, không hiệu quả. Tôi nghĩ chúng ta có thể học được nhiều kinh nghiệm từ Singapore và các quốc gia khác, chẳng hạn như việc đã có quy hoạch rồi thì vẫn cần phải rà soát, cập nhật lại quy hoạch đó. Bởi đời sống kinh tế xã hội sẽ có nhiều hoạt động đã diễn ra, có sự thay đổi, tăng trưởng, có nhiều điều kiện thay đổi, có thể xấu đi. Vì vậy, quy hoạch cũng cần điều chỉnh theo.
Ví dụ, ta cần có quy hoạch nhà ở cho người dân trước khi người dân di cư tới thành phố của chúng ta, nghĩa là phải nhìn trước đi, và lập kế hoạch cho nó.
Chúng ta cũng gần phải có chiến lược, nên để người dân đó sống, định cư ở những khu nào. Trên thực tế, sống ở các toà nhà cao tốc thường, khá là tốn kém. Người dân phải trả thêm nhiều khoản phí như thang máy…
Cần phải cân nhắc tất cả yếu tố này. Kết hợp cả toà nhà cao tầng và thấp tầng. Ví dụ như TS Liu Thai Ker đã đề cập đến, cách đây 20 năm, Hà Nội, TP HCM chỉ toàn nhà thấp tầng nhưng tương lai, đâu phải là thế. Số dân tăng rất nhanh. Và 70% dân số sẽ di chuyển đến các khu đô thị để sống.
Vì vậy, chúng ta sẽ cần phải thay đổi quy hoạch cho phù hợp. Như TS Liu nói, cần phải lập kế hoạch không chỉ đối với nhà ở, rồi kế hoạch di cư của người dân, xu hướng như thế nào để đáp ứng những xu hướng đó. Làm thế để tránh làm trầm trọng hơn những vấn đề như ô nhiễm không khí, tắc đường…. và những hệ thống kết nối từ khu vực này sang khu vực khác. …
Ví dụ như người ta đang lái xe, làm thế nào để người ta ra khỏi ô tô và đi được tuyến Metro… Đó cũng là một vấn đề lớn.
Nhà báo Phạm Huyền:Nhân việc bà Sumila nói về câu chuyện xu hướng di dân, xin chia sẻ thêm, chủ trương của Bộ Xây dựng ở Việt Nam là sẽ di chuyển các nhà máy, công sở, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô để giảm áp lực cho hạ tầng nội đô.
Thưa KTS Trần Huy Ánh, ông thấy chủ trương giãn dân này đã được thực hiện nghiêm túc hay chưa? Có điều gì cần phải băn khoăn hay không?
KTS Trần Huy Ánh: Quy hoạch thủ đô 2030 là một bức tranh rất đẹp. Đó là việc di chuyển những nhà máy, bệnh viện, trường học… ra khỏi nội thành. Nhưng thực tế, một hiệu trưởng trường đại học đã đặt câu hỏi, khi trường đại học của chúng tôi đi ra ngoài, thay vào đó là một khu chung cư thì có lẽ, sự tồn tại ở lại của trường đại học có ý nghĩa hơn, là không gian thú vị hơn trong thành phố. Nếu như ở đó, ta làm công viên, hồ nước, làm không gian cho công cộng thì sẽ tốt hơn.
Thực tế là, ở Hà Nội chưa có một bệnh viện, trường học nào ra khỏi nội đô mà ở chỗ đó, lại trở thành không gian công cộng. Tất cả đều là chung cư cao tầng bán để kinh doanh. Tôi lo ngại chủ trương đó có thể sẽ bị phát sản, có thể là như vậy.
Nguồn: kienviet.net