Quảng Trị chuyển đổi hơn 20ha rừng để làm nhà máy điện gió Tân Hợp gần 1.700 tỷ đồng

Quảng Trị sẽ chuyển đổi hơn 20ha rừng để làm nhà máy điện gió Tân Hợp có quy mô đầu tư gần 1.700 tỷ đồng.

Quảng Trị chuyển đổi hơn 20ha rừng để làm nhà máy điện gió Tân Hợp gần 1.700 tỷ đồng

Quảng Trị chuyển đổi hơn 20ha rừng để làm nhà máy điện gió gần 1.700 tỷ đồng.

Ngày 18/8, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2168/QĐ-UBND về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và cho Công ty Cổ phần Điện gió Thành An thuê đất (đợt 1) để thực hiện dự án nhà máy điện gió Tân Hợp.

Theo quyết định, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn dự án xin chuyển mục đích sử dụng khoảng 20,4ha. Trong đó, diện tích đất rừng phòng hộ khoảng 3,9ha, diện tích đất rừng sản xuất khoảng 16,5ha.

Phần lớn diện tích đất xin chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án hiện do Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông quản lý (19,5ha).

Về hiện trạng rừng, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết có 11,3ha rừng hiện đang trồng các loài cây thông nhựa bằng nguồn vốn dự án 327 từ các năm 1990, 1994, 1997, 1998 và rừng trống các loài cây thông hỗn giao keo, sao bằng nguồn vốn dựa án 661 vào các năm 1999,2007. Ngoài ra còn có khu vực trồng cây keo từ các năm 2015, 2018 và 2019.

Cũng tại quyết định này, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý cho Công ty Điện gió Thành An thuê hơn 4,8ha đất để xây dựng công trình nhà máy điện gió Tân Hợp với thời hạn đến ngày 15/12/2070. Cùng với đó là hơn 13,2ha đất để phục vụ thi công công trình nhà máy điện gió Tân Hợp.

Công ty Điện gió Thành An sẽ có 12 tháng tính từ ngày được thuê đất để thực hiện dự án. Trong trường hợp công ty không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Được biết, dự án nhà máy điện gió Tân Hợp, do Công ty Điện gió Thành An làm chủ đầu tư, được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3588/QĐ-UBND ngày 15/12/2020.

Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.696 tỷ đồng, với diện tích đất đề xuất sử dụng là 24ha (trong đó, diện tích sử dụng đất có thời hạn là 12,9ha; diện tích sử dụng đất tạm thời là 11,1ha). Sản lượng điện hàng năm dự kiến 150 triệu kWh.

Nhà máy có công suất dự kiến 38MW gồm 10 tuabin gió, mỗi tua bin có công suất 3,8MW và hệ thống điện trung áp đấu nối các tuabin vào trạm biến áp nâng.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Điện gió Thành An được thành lập ngày 29/6/2020, hoạt động trong lĩnh vực chính là sản xuât điện. Trụ sở của công ty tại thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Người đại diện là ông Lê Văn Đài (sinh năm 1979). Ông Đài cũng là giám đốc của công ty này.

Công ty Điện gió Thành An có vốn điều lệ 520 tỷ đồng và được góp bởi 3 cổ đông. Trong đó, đáng chú ý là cổ đông lớn nhất Công ty Cổ phần Thành An với vốn góp 416 tỷ đồng (tương đương 80% vốn điều lệ). 2 cổ đông còn lại là ông Hoàng Tiến Thành và bà Lê Thị Thanh Thủy, mỗi người góp 52 tỷ đồng (tương đương 10% vốn điều lệ).

Được biết, Công ty Cổ phần Thành An thành lập năm 2006, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt và đường bộ. Ông Trần Đình Hiệp (sinh năm 1953) là người đại diện đồng thời là Giám đốc của Công ty Cổ phần Thành An.

Từ năm 2019 đến nay, công ty này đã có 2 lần thực hiện tăng vốn điều lệ. Cụ thể, Công ty Cổ phần Thành An đã tăng vốn điều lệ từ 280 tỷ đồng lên thành 450 tỷ đồng vào tháng 7/2019. Hay mới đây nhất, vào tháng 3/2021, Công ty Cổ phần Thành An tiếp tục tăng vốn điều lệ lên thành 724 tỷ đồng.

Ghi nhận tại thời điểm 31/12/2020, Công ty Cổ phần Thành An có 3 cổ đông chính, trong đó, ông Hoàng Văn Bình (sinh năm 1960) là cổ đông lớn nhất với việc sở hữu 86,67% cổ phần. Ông Bình hiện cũng là Chủ tịch HĐQT của công ty này. Số cổ phần còn lại thuộc về ông Trần Đình Hiệp và một cổ đông khác.

Về tình hình kinh doanh, dữ liệu của VietnamFinance cho thấy doanh thu giai đoạn 2016-2019 của Công ty Cổ phần Thành An biến động theo đồ thị hình sin. Cụ thể, doanh thu tăng từ 289,4 tỷ đồng (năm 2016) lên thành 386,4 tỷ đồng (năm 2017), sau đó giảm xuống 302,2 tỷ đồng (năm 20018), rồi lại tăng lên ở mức 418,5 tỷ đồng (năm 2019).

Mặc dù doanh thu lên cả trăm tỷ mỗi năm ở giai đoạn này, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Thành An chỉ có năm 2018 vượt quá 9 con số với 2,15 tỷ đồng. Trong khi đó 3 năm còn lại chỉ ở các mức 118,5 triệu đồng (năm 2016), 101,9 triệu đồng (năm 2017) và 915,1 triệu đồng (năm 2019).

Tài sản của Công ty Cổ phần Thành An tăng khá nhanh ở giai đoạn này, tăng từ mức 281,1 tỷ đồng (năm 2016) lên thành 409 tỷ đồng (năm 2017) và 683,9 tỷ đồng (năm 2018). Sau đó, tài sản của công ty này đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng ở năm 2019, đạt ở mức 1.063 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 năm tài sản của công ty đã tăng lên gấp 3,8 lần.

Nguồn vốn của Công ty Cổ phần Thành An cũng có sự biến động ở cả nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2016-2019. Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng từ 137,3 tỷ đồng (năm 20216) lên thành 299,9 tỷ đồng (năm 2017), 394 tỷ đồng (năm 2018) và 450,8 tỷ đồng (năm 2019).

Trong khi đó, nợ phải trả sau khi giảm từ 144,3 tỷ đồng (năm 2016) xuống 109 tỷ đồng (năm 2017) thì đã tăng mạnh ở 2 năm tiếp theo, lên lần lượt 289,9 tỷ đồng (2018) và 612,3 tỷ đồng (năm 2019). Theo đó, nợ phải trả của công ty đã tăng hơn gấp 4 lần chỉ sau 3 năm.

Với kết quả như trên, các chỉ số ROA (lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) ở mức khá thấp. Trong đó, chỉ số ROA giao động ở mức từ 0,03%-0,39%, còn chỉ số ROE giao động ở mức từ 0,05%-0,62%.

Nguồn: vietnamfinace.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo