Quảng Ninh: Tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư từ Nhật Bản
Trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Quảng Ninh xác định Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược. Vì thế, tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án “Thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư của Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh” cũng như có nhiều giải pháp thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư Nhật Bản.
Tích cực các hoạt động hợp tác
Để ghi nhớ cho mối quan hệ hợp tác đó, UBND tỉnh và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội) đã ký kết chương trình hợp tác Nhật Bản – Quảng Ninh với tầm nhìn 30 năm. Qua đó, hai bên đã thành lập Hội đồng cố vấn để hỗ trợ, hợp tác thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Quảng Ninh và xây dựng chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh. Hội đồng cố vấn đã hỗ trợ giới thiệu nhiều lượt đoàn đại diện chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm và làm việc tại Quảng Ninh; hỗ trợ tỉnh quảng bá tuyên truyền qua website của JETRO. JETRO cũng tư vấn cho tỉnh thành lập Bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk) trực thuộc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh vào cuối năm 2014.
Thông qua các chương trình ký kết đó, các hoạt động hợp tác kinh tế với Nhật Bản đã được tăng cường. Tỉnh đã ký kết hợp đồng lập ‘‘Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và ngoài 2050’’ với Công ty Nikken Sekkei, Nhật Bản; hợp đồng dịch vụ tư vấn lập “Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh và Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030’’ với Công ty TNHH Nippon Koei, Nhật Bản; Biên bản ghi nhớ với Công ty Seiwa Denko và Công ty Chodai (Nhật Bản) về việc hợp tác thực hiện Dự án “Cải thiện môi trường nước thông qua việc ứng dụng hệ thống xử lý nước thải độc lập không thu gom, không đảo trộn tại Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên Thế giới”. Tập đoàn SE đã được UBND tỉnh chọn liên danh với một số công ty của Việt Nam để triển khai dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, theo hình thức BOT. Sở NN&PTNT; Quảng Ninh ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Green Tex, Công ty Chodai (Nhật Bản) về việc hợp tác thực hiện dự án thử nghiệm “Ứng dụng công nghệ G-tex trong việc thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ thích ứng với điều kiện môi trường tự nhiên và phát triển thị trường nông sản giá trị gia tăng cao”. Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Long với Công ty CP Green Wind (Nhật Bản) ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác liên doanh đầu tư phát triển sản xuất và xuất khẩu rau an toàn tại Quảng Ninh. Tháng 3 vừa qua, TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) và Hiệp hội Xúc tiến giao lưu kinh tế TX Esashi (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản) đã ký xúc tiến giao lưu kinh tế và nhân lực…
Bên cạnh đó, giữa Quảng Ninh với Nhật Bản cũng tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên lĩnh vực ngoại giao, văn hoá, du lịch. Đồng thời, tỉnh tăng cường học tập kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư, quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh với Nhật Bản. Trong 5 năm qua, tỉnh đã cử khoảng 10 đoàn công tác tại Nhật Bản; Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh đã đón tiếp khoảng hơn 40 lượt đoàn các nhà đầu tư Nhật Bản tới Quảng Ninh…
Lan tỏa cơ hội, giá trị đầu tư mới
Qua sự hợp tác tích cực từ hai phía, đến nay toàn tỉnh có 5 dự án của Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư đăng ký 45 triệu USD, đứng thứ 12/23 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Quảng Ninh. Nhật Bản hiện là nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Quảng Ninh với 12 dự án ODA đang thực hiện, tổng mức đầu tư trên 4.800 tỷ VND, trong đó có 4 dự án do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ (khoảng 160 triệu USD).
Trong 5 dự án đầu tư của Nhật Bản có 4 dự án hoạt động hiệu quả: Dự án sản xuất kinh doanh vật liệu lọc nước tại TP Cẩm Phả của Công ty Tonkemy Corporation và Công ty TNHH Dương Nhật, tổng vốn đầu tư trên 2 triệu USD, hiện đã chuyển sang 100% vốn Việt Nam; Dự án nuôi cấy ngọc trai, sản xuất, gia công và kinh doanh ngọc trai của Công ty Taiheiyo Shinju Việt Nam, 2 triệu USD; Nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Cái Lân, 4,6 triệu USD; Nhà máy Sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô của Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam, 35 triệu USD. Cùng với các dự án này, Quảng Ninh còn có 3 dự án có sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản. Trong đó, dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT có Tập đoàn SE Nhật Bản là một trong 8 liên danh nhà thầu tham gia đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư 335,8 triệu USD.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư Nhật Bản vào Quảng Ninh vẫn còn hạn chế. Trong tổng số 3.292 dự án do Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam, 120 dự án FDI còn hiệu lực ở Quảng Ninh thì tỉnh chỉ có 4 dự án của Nhật Bản hoạt động. Vì thế, những năm qua, tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, như tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách TTHC, đào tạo nguồn nhân lực. Một trong những rào cản thu hút đầu tư của Quảng Ninh mà các nhà đầu tư Nhật Bản đã chỉ ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư do tỉnh tổ chức năm 2012 hiện đã và đang được dỡ bỏ. Quảng Ninh đã đầu tư đồng bộ 3 tuyến giao thông đường bộ, hàng không, cảng biển. Một loạt các dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai, dự kiến trước năm 2020 hệ thống đường cao tốc kết nối Hà Nội – Hải Phòng với Hạ Long, Móng Cái sẽ hoàn thành; Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh dự kiến năm 2018 hoàn thành; Cảng Cái Lân là cảng duy nhất khu vực phía Bắc đón được tàu container sức chở trên 5.000 Teu cập cảng làm hàng và đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng. Với việc Vân Đồn được Chính phủ lựa chọn là một trong 3 đặc khu kinh tế của cả nước sẽ mở ra cơ hội lớn cho Quảng Ninh…
Trước hàng loạt cơ hội mở ra như vậy, tại buổi toạ đàm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại đầu tư Nhật Bản – Quảng Ninh ngày 12-7 vừa qua, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Đọc chân thành mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến với Quảng Ninh, cùng với địa phương khai thác những tiềm năng và lợi thế, phát triển những lĩnh vực ngành nghề thuộc thế mạnh của Nhật Bản, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ và du lịch…; trong đó, định hướng đầu tư vào các KCN chuyên sâu Việt Hưng, KCN Đầm Nhà Mạc, KCN Sông Khoai và Khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, chính quyền Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển, xây dựng niềm tin, đảm bảo sự phát triển bền vững. Các bạn Nhật Bản nhất định sẽ tìm thấy ở đây sự hội tụ những lợi ích và lan toả các cơ hội, giá trị đầu tư mới.
Ông Kunio Umemda, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Chính phủ Nhật Bản đang có những chính sách ưu tiên nguồn vốn ODA đầu tư vào một số lĩnh vực, dự án bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì thế, mong muốn tỉnh Quảng Ninh sẽ tận dụng các chương trình hỗ trợ của Nhật Bản.
Đặc biệt, các đối tác doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định Quảng Ninh hiện đã hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà và ngỏ ý muốn nghiên cứu đầu tư một số dự án tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư của Nhật Bản cũng đề xuất tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các lĩnh vực là thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản, như chế tạo, dịch vụ du lịch, nông nghiệp, các dự án bảo vệ môi trường…
Hy vọng, với sự nỗ lực trong sự hợp tác, cải thiện môi trường, thu hút đầu tư của tỉnh, sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản, tới đây Quảng Ninh sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản./.
Nguồn: baoquangninh.com.vn