Quảng Nam: Quyết tâm xây dựng khu công nghệ cao
Không thể làm công nghệ cao bằng giá rẻ
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Chu Hảo cho rằng, xây dựng Khu công nghệ cao phải xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của sự phát triển kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ, chứ không thể là ý muốn chủ quan, duy ý chí của một cá nhân, tập thể nào.
Theo Giáo sư Chu Hảo phải cần các yếu tố “5 có và 3 không” để xây dựng và vận hành thành công một khu công nghệ cao.
“5 có là có con người tâm huyết và chuyên nghiệp; có vốn đầu tư đủ ngưỡng; có vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng tốt; có quy hoạch khoa học và có cơ chế chính sách phù hợp. Phải có những người chủ trì đề án tâm huyết, chuyên nghiệp và sáng táo để xây dựng đề án khu công nghệ cao và phải có tiền, có vốn đầu tư đủ ngưỡng. Đừng nghĩ làm công nghệ cao bằng giá rẻ như một thời ta tưởng có thế “chân dép lốp mà bước vào vũ trụ”. Nếu không được đầu tư đủ ngưỡng thì việc xây dựng khu công nghệ cao sẽ chắp vá, kéo dài thời gian và rất lãng phí. Ví dụ như Khu công nghệ cao Hoà Lạc được cấp vốn giải phóng mặt bằng rất nhỏ giọt, đến nay sau 20 năm vẫn còn 30ha chưa được giải phóng mặt bằng, các hạng mục xây dựng cở sở hạ tầng cũng nhỏ giọt không kém, chỉ vài năm trở lại mới khởi sắc nhờ sự giúp đỡ của Nhật Bản”, Giáo sư Chu Hảo phát biểu.
Còn về “3 không” mà Giáo sư Chu Hảo nói là “không chỉ trông chờ vào Nhà nước, không chọn nhầm đối tác và không vội vàng”. Phải khẳng định rằng không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì không thể xây dựng khu công nghệ cao, nhưng ở đây vai trò của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xã hội hoá các nguồn đầu tư cho Khu công nghệ cao. Tuy nhiên xây dựng khu công nghệ cao không được vội vàng, mà phải nghiên cứu, lựa chọn giải pháp phù hợp với địa phương.
Nghiên cứu nhiều mô hình khu công nghệ cao ở các nước trên thế giới, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện công nghệ VinIT, đề xuất mộ hình Khu công nghệ cao mới tại miền Trung phải gồm có ba cấu thành cơ bản, liên quan chặt chẽ với nhau.
Một là Khu nghiên cứu và phát triển, làm nhiệm vụ dẫn dắt các nghiên cứu, thí nghiệm chuyển giao, ứng dung công nghệ, đào tạo đội ngũ chuyên gia công nghệ cao. Hai là Khu chế xuất các sản phẩm công nghệ cao theo nhu cầu. Ba là khu thương mại hoá các sản phẩm công nghệ, kiểm định, chuyển giao công nghệ và các sản phẩm công nghệ cao.
Quảng Nam quyết tâm xây dựng công nghiệp cao
Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng, Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nhằm quản lý tổng thể các khu công nghệ cao trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo quyết định này, từ nay đến nay 2030, không thành lập mới các khu công nghệ cao quốc gia đa ngành, quy mô như 3 khu công nghệ cao quốc gia đã thành lập là gồm Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Theo đó sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại 3 khu công nghệ cao quốc gia. Thành lập mới một số khu công nghệ cao do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi hội thảo |
Theo Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, nếu được xây dựng thì Khu công nghệ cao đặt tại Quảng Nam sẽ có những lợi thế và ưu điểm của khu vực miền Trung, như có cảng nước sâu, có đô thị lớn như Đà Nẵng, Khu kinh tế Dung Quất, có khu kinh tế mở Chu Lai và giao thương thuận lợi, có quỹ đất để xây dựng Khu công nghệ cao với diện tích 400 – 500 ha …
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cảnh báo, “Để có thể xây dựng một khu công nghệ cao cần một khối lượng lớn nhân lực, vật lực và tài lực. Vì vậy Quảng Nam phải chuẩn bị những yếu tố quan trọng là con người, bố trí đất đai, thu xếp vốn đầu tư và sắp xếp cơ chế chính sách của một Khu công nghệ cao, mà trước mắt là Khu công nghệ cao địa phương. Việc xây dựng khu công nghệ cao phải xuất phát từ như cầu thực tiễn của địa phương và đất nước”.
Theo các nhà khoa học Khu kinh tế mở Chu Lai của tỉnh Quảng Nam hội đủ điều kiện để xây dựng một khu công nghệ cao. |
Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, tỉnh muốn phát triển phải chú trọng đến khoa học – công nghệ, nên việc xây dựng một khu công nghệ cao là rất cần thiết.
“Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của tỉnh đến năm 2030 ngoài những chỉ tiêu khoa học công nghệ cụ thể thì tỉnh cũng mong muốn xây dựng 1 khu công nghệ cao tại Quảng Nam. Hiện tỉnh Quảng Nam đang rất quyết tâm thực hiện mong muốn này. Tất nhiên việc xây dựng khu công nghệ cao phải phối hợp với các nhà khoa học để xây dựng mô hình cho phù hợp. Hội thảo này mang lại nhiều thông tin để tỉnh có định hướng đúng, phù hợp cho quy hoạch, hoạch định chính sách để xây dựng khu công nghệ cao. Muốn vậy, tỉnh phải nghiên cứu, thảo luận nhiều với các nhà khoa học để tìm ra mô hình phù hợp, xây dựng đề án khu công nghệ cao dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, chứ không viễn tưởng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Đầu tư Online