Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư cho 25 dự án
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm 2023 đến nay, sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 436 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 5.244 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Bình cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ giải quyết thủ tục và chấp thuận chủ trương đầu tư của 25 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 9.896 tỷ đồng; trong đó, có 20 dự án sử dụng đất với tổng vốn đầu tư hơn 2.258 tỷ đồng, 5 dự án khu đô thị khu nhà ở với tổng vốn 7.638 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 45 dự án.
UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023; tổ chức các hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, trả lời và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ triển khai Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025 để lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, đơn vị.
Đồng thời, giao các sở, ngành thực hiện các công tác để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch; tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các hình thức linh hoạt; trong đó, có tổ chức đối thoại doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng rà soát 15 nhóm vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng và thực thi các luật, văn bản hướng dẫn thi hành theo kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp
Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung; trong đó, có các doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình phải đối mặt với nhiều khó khăn như: sức mua của thị trường suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm. Bên cạnh đó, việc thiếu đơn hàng, sụt giảm doanh thu khiến nhiều doanh nghiệp đang chật vật trong việc giữ chân người lao động để chờ đợi thị trường phục hồi.
Tại tỉnh Quảng Bình, đã có 288 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, 32 doanh nghiệp giải thể tự nguyện và 185 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động.
Các doanh nghiệp cũng chịu áp lực bởi chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng khó khăn.
Nguồn: vietnammoi