Phát triển đô thị thông minh: Nhiều thách thức

Việc triển khai các mô hình đô thị thông minh (ĐTTM) đang được xem là một giải pháp mang tính đột phá, giúp Việt Nam phát triển bền vững hơn. Đây cũng là một bước đi tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ số, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Mô hình ĐTTM nào phù hợp với Việt Nam?

Hiện trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về ĐTTM và tùy thuộc trình độ phát triển, năng lực khoa học kỹ thuật, tiềm lực kinh tế của từng quốc gia, đô thị mà phát triển mô hình ĐTTM khác nhau.

Ở Việt Nam cũng vậy. Dựa trên các giá trị tổng thể của ĐTTM theo kinh nghiệm thế giới và các định hướng phát triển đô thị phù hợp với Việt Nam, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn – Chủ tịch Cty Tư vấn Thiết kế Ngô Viết định nghĩa: “ĐTTM là đô thị sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và mạng lưới thiết bị kết nối qua internet (IoT) để làm nền tảng xây dựng đô thị đáng sống, với quy hoạch bền vững, quản lý đô thị hiệu quả và minh bạch, với tính cạnh tranh đô thị cao về mọi mặt”.

Còn theo Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), TS Trần Quốc Thái: ĐTTM là thông minh hóa đô thị thông qua các quá trình quy hoạch đô thị, quản trị đô thị và cung cấp các ứng dụng tiện ích đô thị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và tạo sự tham gia tích cực của các bên liên quan, gồm chính quyền – DN – người dân. Phát triển ĐTTM phải lấy mục tiêu trọng tâm là con người, sử dụng tài nguyên hiệu quả, giải quyết các vấn đề trong quá trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, sử dụng công nghiệp làm nền tảng cho việc đáp ứng hiệu quả nhu cầu của con người một cách bền vững.

Ông Phạm Đức Long – Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT thì cho rằng, ba đối tượng chính được phục vụ trong ĐTTM là “chính quyền – DN – người dân”. Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội… DN được hưởng môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Chính quyền giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí, thu được nhiều thuế từ các DN, người dân đóng góp.

3 năm trở lại đây, Chính phủ đã cho thấy quyết tâm xây dựng ĐTTM qua rất nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Việt Nam và đối tác là DN, tổ chức đến từ các quốc gia, khu vực đã phát triển ĐTTM thành công như Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Cộng đồng chung ASEAN…

Đặc biệt, nhằm xây dựng nền tảng chung cho toàn quốc về phát triển ĐTTM, ngày 01/8/2018, tại Quyết định 950/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030”.

TS Trần Quốc Thái nhận định: Việc triển khai Đề án sẽ góp phần phát triển đô thị Việt Nam thông minh hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; Khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; Khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống; Hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm tàng; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

Ở cấp độ địa phương, hiện cả nước đã có gần 30 địa phương ký kết biên bản hợp tác với các đối tác là các tập đoàn công nghệ viễn thông lớn trong và ngoài nước xúc tiến các hoạt động xây dựng ĐTTM. Nhiều địa phương đã phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án ĐTTM ở giai đoạn đầu như TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…

Mỗi địa phương theo đuổi mô hình ĐTTM riêng, song về cơ bản, các lĩnh vực được quan tâm nhất trong phát triển ĐTTM bao gồm giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, dịch vụ công thông minh, hành chính công và chính quyền điện tử, du lịch thông minh, an toàn thông minh, giám sát điều hành thông minh…

Thách thức trong phát triển ĐTTM

Có lẽ bởi đang triển khai ở giai đoan đầu tiếp cận nên việc phát triển ĐTTM ở Việt Nam đã bộc lộ không ít thách thức: Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị phân tán ở nhiều ngành, thiếu tính nhất quán dẫn đến việc dự báo, định hướng và điều hành gặp nhiều khó khăn; Chưa hình thành hệ thống cơ sở pháp lý, quy phạm pháp luật và hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan, trong khi phát triển ĐTTM có tính chất liên ngành, liên quan tới nhiều lĩnh vực.

Hơn nữa, phát triển ĐTTM yêu cầu phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp và phải chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội khác nhau. Nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu, thử nghiệm mô hình hợp tác công tư (PPP) hiệu quả trong phát triển ĐTTM nhằm khắc phục vấn đề thiếu hụt nguồn lực đầu tư từ Nhà nước…

Bên cạnh đó, năng lực của bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu quản trị của đất nước trong thời đại công nghệ số. Trong khi đó, ĐTTM phát triển trên nền tảng công nghệ

Nhằm khắc phục các thách thức nêu trên và với mong muốn sớm có được bộ tiêu chuẩn về ĐTTM, Bộ TT&TT cho biết Bộ này đang nghiên cứu và sẽ đề xuất xây dựng những tiêu chuẩn liên quan đến ICT trong xây dựng ĐTTM. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn Việt Nam phục vụ cho phát triển ĐTTM.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Trần Quốc Thái thì cho rằng việc phát triển ĐTTM ở Việt Nam cần xác định rõ tầm nhìn cũng như các mục tiêu cơ bản như cải thiện hệ thống hạ tầng, nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành của đô thị, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, cải thiện mối liên kết giữa đô thị và đô thị, cung cấp các tiện ích nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân đi kèm với các mục tiêu phát triển bền vững và đô thị xanh…

Trên bình diện quốc gia, các Bộ Xây dựng, TT&TT, TN&MT, GTVT, KH&ĐT, Tài chính… cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng các quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư, khuyến khích phát triển ĐTTM; xây dựng các tiêu chí đánh giá ĐTTM trên các tiêu chuẩn quốc tế liên quan để theo dõi, giám sát việc phát triển ĐTTM.

Ngoài ra, cần xây dựng những lĩnh vực trọng tâm, lĩnh vực có thể thông minh hóa trong phát triển ĐTTM và hướng dẫn thực hiện. Trên cơ sở đó, các đô thị sẽ căn cứ vào đặc thù, tiềm lực và tính cấp thiết để lựa chọn phương thức đầu tư phát triển cho phù hợp.

Đặc biệt, cần xây dựng cơ sở dữ liệu không gian đô thị (tối thiểu gồm các thông tin như dân số, đất đai, tài nguyên môi trường, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, ranh giới hành chính) và các cơ chế liên quan như cập nhật, duy trì, chia sẻ, bảo mật ứng dụng…, bởi đây là công việc quan trọng quyết định mức độ thông minh của đô thị…

Còn theo các chuyên gia đô thị, để phát triển thành công các mô hình ĐTTM tại Việt Nam, chính quyền phải giữ vai trò “bà đỡ”, định hướng phát triển ĐTTM thông qua công tác quy hoạch phát triển đô thị, cấu trúc đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị…

Trong phát triển ĐTTM cần phải có sự đồng thuận của 3 nhân tố: Nhà nước – thị trường – xã hội. Trong đó, Nhà nước là người kiến tạo, cầm lái. Thị trường là động lực vận hành. Xã hội là những người giám sát thực hiện. Nói khác là phải có chính quyền mạnh, DN tốt, xã hội thông minh đồng thuận. Ngoài ra còn cần có công nghệ và nguồn vốn. Nhà nước phải có chính sách, cơ chế tạo điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực tri thức, vốn, năng lực của khu vực tư nhân tham gia tích cực vào quá trình hình thành ĐTTM.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo