Phân biệt ưu, nhược điểm của gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp

Nội thất, ngoại thất bằng gỗ là những món luôn dành được sự chú ý của mọi khách hàng để quyết định trang trí ngôi nhà của mình. Tuy nhiên việc lựa chọn giữa gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp là việc vô cùng khó khăn, lựa chọn làm thế nào cho tối ưu nhất có thể, phải phân vân về tính năng, ưu điểm, nhược điểm và đặt biệt là giá tiền. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu thêm về các ưu điểm và nhược điểm của các loại gỗ công nghiệp và gỗ tự nhiên.

GỖ TỰ NHIÊN

Hầu hết các loại gỗ tự nhiên đều có một tính chất có thể coi nó là một nhược điểm như co giãn, cong vênh, tùy từng loại gỗ sẽ có độ co giãn, cong vênh khác nhau, vì vậy để có thể sử dụng hiệu quả chất liệu gỗ tự nhiên chúng ta phải hiểu rõ các thuộc tính của từng loại gỗ.

Gỗ có 3 đặc điểm chủ yếu: Dẻo dai, Giãn nở, Liên kết chắc chắn

Trong thớ cây, tom gỗ bao giờ cũng kết hợp nước với xơ thân. Việc xử lý gỗ bao gồm 2 công đoạn chủ yếu là phơi thoát hơi nước trong than cây và tẩm sấy, trong 2 công đoạn này thì công đoạn tẩm sấy là quan trọng và cần thiết nhất, nó làm cho các thớ gỗ ổn định, liên kết với nhau tạo nên thế giằng. Khi tẩm sấy tính chất sinh học của gỗ thay đổi, gỗ sẽ trở lên dẻo dai, chắc, có thể chịu được sự va đập, uốn nắn trong việc tạo hình.

Vật liệu gỗ luôn gắn kết với kiến trúc và nội thất ngay từ ban đầu. Điều dễ nhận thấy nhất về ưu điểm của gỗ là tính thẩm mỹ mà cụ thể là vẻ đẹp .Một sản phẩm gỗ tự nhiên được cấu tạo bởi những sợi gỗ. Tom gỗ hình thành do giữa sợi gỗ có lỗ rỗng và chính tom gỗ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới yếu tố quan trọng nhất là độ ổn định của gỗ.

Dù biến thể nhưng gỗ lại mang những đặc tính mới, thể hiện thế mạnh và điểm yếu của chất liệu. Đôi khi nó mang ưu điểm ưa khí hậu nhiệt đới ẩm, có lợi thế bề mặt tự nhiên, có khả năng ứng dụng hoàn hảo trong các chức năng sử dụng. Và đặc biệt gỗ tự nhiên lại mang giá trị thẩm mỹ, hợp với văn hóa và quan niệm của người Việt Nam xưa nay. Nhưng không phải ưu điểm nào cũng cho hiệu quả sử dụng tốt. Dựa vào đặc tính của gỗ, người ta có thể lựa chọn dùng cho từng bối cảnh phù hợp.

Ở Việt Nam, điều kiện khí hậu nóng ẩm, hanh khô nên khả năng co giãn của gỗ thường xảy ra. Nó có thể bị nứt, mối mọt, cong vênh hoặc mục nát theo thời gian. Bởi vậy, việc bảo vệ và gìn giữ được những sản phẩm gỗ là công việc không đơn giản. Việc gia công không tốt sẽ làm phản tác dụng của gỗ. Khi gỗ bộc lộ những nhược điểm như nhạy cảm với thời tiết, biến dạng, cong vênh, co ngót hay nứt nẻ… thì cách khắc phục là gia công tốt, lựa chọn không gian sử dụng phù hợp với tính chất của gỗ.

Thực tế cho thấy, gỗ không kén màu sắc của không gian. Gỗ có thể kết hợp với mọi chất liệu từ thô sần, gai góc, đến bóng nhẵn. Đặc biệt, khi ứng dụng trong điều kiện đòi hỏi sự linh hoạt, gỗ sẵn sàng tồn tại trong những không gian có nhiều kiểu hình khối và phong cách khác nhau, cả hiện đại và truyền thống .

Do vật liệu gỗ sử dụng tương đối dễ trong nhà nên phải tính đến liều lượng. Có nhiều trường hợp lạm dụng quá nhiều về gỗ làm sàn, ốp trên tường, ốp kín cả trần dẫn tới bức bí về màu sắc hoặc dùng vân gỗ một cách bừa bãi gây cảm giác khó chịu.

Điều cần thiết khi sử dụng là biết cân nhắc tỷ lệ giữa gạch, sắt, đá hoa, hay thảm vải, để tương ứng với diện tích gỗ trong một không gian kiến trúc. Để bảo quản tốt gỗ, cần tránh môi trường thời tiết quá khắc nghiệt, không thể để gỗ thường xuyên ngập trong nước, loại bỏ những vỏ ngoài những cây gỗ chưa được lọc hết để tránh mối mọt.

Điều cần thiết khi quyết định sử dụng gỗ là phải xác định rõ mục đích. Mỗi loại gỗ có ưu, nhược điểm khác nhau, và nếu được sử dụng hợp lý sẽ giúp tăng tuổi thọ. Đối với những loại gỗ có thể chịu được nước, nên ưu tiên sử dụng trong môi trường nước. Ngược lại, những loại gỗ cứng nên dùng ở nơi cần va đập ví dụ như cầu thang thường được làm bằng gỗ lim, sàn nhà gỗ tự nhiên thường được dùng gỗ căm xe…

Thông thường, gỗ mềm có thể sử dụng làm đồ gia dụng. Nhưng gỗ cứng phải được sử dụng làm cầu thang, sàn nhà, nơi thường chịu lực. Gỗ muốn dùng hợp lý, không chỉ ứng biến tùy theo chất liệu đi kèm, màu sắc chủ đạo, hay tỷ lệ tương quan, mà nó phải được tôn trọng theo phong cách kiến trúc của chính ngôi nhà.

Sàn gỗ tự nhiên.

Để kết hợp với nhiều loại vật liệu khác, người ta phải nắm được tính ổn định và biến dạng của gỗ, vì bên cạnh yêu cầu về màu sắc, gỗ còn phải có tính chất lý, hóa phù hợp với kết cấu, biến dạng, chịu lực của nó, để lựa chọn, thi công một cách hợp lý, hiệu quả trong công năng sử dụng.

GỖ CÔNG NGHIỆP

Với nguồn gỗ tự nhiên ngày càng cạn kiệt, và để đáp ứng nhu cầu sử dụng gỗ trong thiết kế nội thất, sản xuất nội thất gia dụng trong gia đình, ván gỗ nhân tạo ra đời, với nhiều chủng loại phong phú, màu sắc đa dạng, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau trong nội thất, đặc biệt ván gỗ nhân tạo có đặc tính cơ lý ưu việt là không cong vênh, co ngót nên hiện nay gỗ công nghiệp thường được ứng dụng nhiều trong thiết kế nội thất hiện đại.

Các loại gỗ công nghiệp phổ biến hiện nay:

– Ván sợi

– Ván ghép thanh

– Ván dăm

– Ván ép tổng hợp
…….

+ Ván dăm MFC: là gỗ nhân tạo được sản xuất từ nguyên liệu gỗ rừng trồng (bạch đàn, keo, cao su…), có độ bền cơ lý cao, kích thước bề mặt rộng, phong phú về chủng loại. Mặt ván được dán phủ bằng những loại vật liệu trang trí khác nhau: melamine, veneer (gỗ lạng)… Ván MFC chủ yếu sử dụng để trang trí nội thất, sản xuất đồ mộc gia đình, công sở. Ván được sản xuất bằng quá trình ép dăm gỗ đã trộn keo, tương tự như MDF nhưng gỗ được xay thành dăm, nên chúng có chất lượng kém hơn ván sợi.

Công nghệ dán phủ mặt và cạnh ván thỏa mãn nhiều yêu cầu về hình dạng và kích thước, gồm hai loại sản phẩm ván dăm trơn và MFC. Ván dăm trơn là loại phổ biến trên thị trường, khi sử dụng thường được phủ veneer, sơn, hoặc phủ PU. Với sản phẩm MFC, hai mặt được phủ một lớp melamine nhằm tạo vẻ đẹp, chống ẩm và trầy xước.

Những nước sản xuất ván dăm nhiều trên thế giới là Malaysia, New Zealand, Thái Lan, Australia.

+ Ván sợi MDF (còn gọi gỗ ép) thuộc loại gỗ nhân tạo có độ bền cơ lý cao, kích thước lớn, phù hợp với công nghệ sản xuất đồ mộc nội thất trong vùng khí hậu nhiệt dới. Ván sợi được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất, xây dựng. MDF được trải qua quá trình ép sợi gỗ xay nhuyễn đã trộn keo, tỷ trọng từ 520 đến 850 kg/m3, tùy theo yêu cầu chất lượng, nguyên liệu gỗ, độ dày. Trên thị trường hiện có 3 loại chính là trơn, chịu nước và melamine.

MDF trơn là loại phổ biến nhất, khi sử dụng thường được phủ veneer, sơn hoặc phủ PU. MDF chịu nước cũng thuộc loại MDF trơn, được trộn keo chịu nước trong quá trình sản xuất, thường sử dụng ở nơi có khả năng tiếp xúc với nước hoặc có độ ẩm cao như cánh cửa, đồ gỗ trong nhà bếp. Melamine MDF, cả hai mặt ván MDF được phủ một lớp melamine nhằm tạo vẻ đẹp, chống ẩm và trầy xước.

+ Ván HDF là loại ván có mật độ sợi gỗ cao hơn loại ván thông thường. Nó được sản xuất vỡi kỹ thuật có thể thích ứng với hầu hết mọi như cầu ứng dụng chẳng hạn như dát mỏng lót sàn dưới áp lực cao.

HDF được tạo thành bởi 80-85% chất liệu là gỗ tự nhiên, còn lại là các phụ gia làm tăng độ cứng và kết dính cho gỗ. Hầu hết đều sử dụng lại lõi HDF đạt tiêu chuẩn E1, đây là tiêu chuẩn đảm bảo lõi gỗ có đủ độ cứng, bền, và có nguồn gốc tự nhiên, không có hại cho sức khoẻ. Lõi gỗ có thể là màu xanh hoặc màu trắng tuỳ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào. màu của lõi gỗ không ảnh hưởng gì tới chất lượng của lõi gỗ.

+ Ván ghép thanh (còn gọi gỗ ghép) Được sản xuất từ nguyên liệu chính là gỗ rừng trồng. Những thanh gỗ nhỏ đã qua xử lý hấp sấy, trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, gỗ được cưa, bào, phay, ghép, ép, chà và sơn phủ trang trí. Ván ghép thanh được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất, sản xuất ván sàn và nhiều sản phẩm khác.

Có 4 cách thức gỗ ghép song song, mặt, cạnh, giác. Gỗ ghép song gồm nhiều thanh gỗ cùng chiều dài, có thể khác chiều rộng, ghép song song với nhau. Gỗ ghép mặt gồm nhiều thanh gỗ ngắn, ở hai đầu được xẻ theo hình răng lược rồi ghép lại thành những thanh có chiều dài bằng nhau, rồi tiếp tục ghép song song các thanh, cho nên chỉ nhìn thấy vết ghép hình răng lược trên bề mặt ván, thị trường Nhật Bản rất chuộng cách ghép thanh này.

Gỗ công nghiệp để sản xuất nội thất cao cấp ở nước ta chủ yếu vẫn là gỗ nhập khẩu từ các nước như Malaysia, Indonexia, Đài Loan, Thái Lan,… Còn gỗ nhân tạo của nước ta còn nhiều nhược điểm chưa được khắc phục như chứa những chất độc hại, dễ biến dạng khi gặp nước, dễ bắt lửa, hay bị mối mọt, nứt tách.

NỘI THẤT GỖ TỰ NHIÊN

Ưu điểm

Bền theo thời gian: Vật liệu gỗ tự nhiên thường có độ bền cao, một số loại gỗ thuộc dạng quý hiếm như Pơ mu, Giáng Hương, Đinh Hương, Gụ, Trắc …còn gia tăng giá trị gỗ theo thời gian sử dụng.

Đẹp: Gỗ tự nhiên mang vẻ đẹp của tự nhiên, những hình vân gỗ là nét đặc trưng của mỗi loại gỗ , không có hai loại gỗ có vân giống nhau, cho nên từ xưa những người am hiểu về gỗ có thể nhìn vân gỗ để nhận diện loại gỗ, giống như vân tay của con người vậy . Tuỳ vào sở thích của mỗi người mà chọn loại vân gỗ, màu sắc sơn phù hợp . Thông thường người ta thường sơn màu cánh gián, màu nâu vàng nhạt đậm tùy sở thích mỗi người, hoặc cũng có thể giữ màu tự nhiên của gỗ…

Bền với nước: Ưu điểm nổi bật của gỗ tự nhiên là có độ bên cao khi tiếp xúc với nước, tất nhiên phải được tẩm sấy, sơn bả kỹ không hở mộng.

Chắc chắn: Như đã nói ở trên thì sự chắc chắn của gỗ tự nhiên rất cao cho dù bạn chọn loại gỗ gì đi chăng nữa, so với gỗ công nghiệp thì gỗ tự nhiên chắc chắn hơn.

Thẩm mỹ, họa tiết : Gỗ tự nhiên có nhiều kích thước khác nhau tạo nên sự phong phú, với gỗ tự nhiên thì người thợ có thể chế tạo ra những họa tiết, kết cấu mang tính mỹ thuật , điều này thường không làm được ở gỗ công nghiệp vì gỗ công nghiệp được sản xuât theo tấm có độ dày cố định và giới hạn, mà không thể ghép những tấm gỗ vào với nhau được như gỗ tự nhiên.

Phong cách: Cổ điển, ấm cúng, sang trọng.

Nhược điểm

Giá thành cao : Gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm, hiện nay hầu hết gỗ tự nhiên được nhập khẩu, vì vậy giá gỗ khá cao, chi phí gia công chế tác gỗ tự nhiên cao vì phải làm thủ công nhiều, không thể sản xuất hàng loạt như gỗ công nghiệp nên giá thành của sản phẩm gỗ tự nhiên luôn cao hơn khá nhiều so với gỗ công nghiệp.

Cong vênh, co ngót: nếu thợ thi công nội thất nếu không có tay nghề cao, và không làm trong môi trường sản xuất nội thất chuyên nghiệp thì rất dễ làm ra một sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và hiện tượng cong vênh, co ngót sẽ xảy ra nhất là với phần cánh cửa, cánh tủ …hầu hết các lỗi để đồ nội thất có tình trạng cong vênh là do người thợ bố trí kích thước không hợp lý, gép mộng không đúng kỹ thuật, tuy ban đầu có thể không xuất hiện, hiện tượng cong vênh nhưng sau một thời gian sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng các cánh bị vênh hoặc cong và không đóng được cánh tủ.

NỘI THẤT GỖ CÔNG NGHIỆP:

Ưu điểm

Giá thành: Gia công gỗ công nghiệp thường đơn giản hơn gỗ tự nhiên, chi phí nhân công ít, có thể sản xuất ngay không cần phải qua giai đoạn tẩm sấy, lựa chọn gỗ như gỗ tự nhiên, giá phôi gỗ rẻ hơn, vì vậy gỗ công nghiệp thường rẻ hơn nhiều so với gỗ tự nhiên. Mức chênh lệch giá tùy thuộc từng loại gỗ khác nhau

Không cong vênh: Gỗ công nghiệp có đặc điểm ưu việt là không cong vênh, không co ngót. Có thể làm cánh phẳng và sơn các màu khác nhau, với phong cách nội thất hiện đại, trẻ trung gỗ công nghiệp là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay.

Thời gian thi công sản xuất nhanh: Như trên đã đề cập đến thì gỗ công nghiệp thời gian thi công nhanh hơn gỗ tự nhiên, có thể sản xuất hàng loạt vì phôi gỗ thường đã có sẵn, theo dạng tấm nên thợ chỉ việc cắt, ghép, dán, không mất công trong việc xẻ gỗ, bào và gia công bề mặt đánh giấy ráp…

Phong cách: Phong cách hiện đại, trẻ trung, công năng sử dụng cao.

Nhược điểm

Độ bền: Nếu so sánh về độ bền giữa đồ nội thất làm bằng gỗ công nghiệp thì không được bền bằng gỗ tự nhiên nhưng ngày nay khác với thời xưa đồ nội thất có thể thay đổi hàng năm hoặc một vài năm theo model tùy theo điều kiện kinh tế của từng người, độ bền của gỗ công nghiệp thường hơn 10 năm, nếu được sản xuất tại các cơ sở sản xuất uy tín, chuyên nghiệp, đội ngũ thợ tay nghề cao.

Ngoài ra một điểm quan trọng ảnh hưởng lớn đến độ bền của gỗ công nghiệp là các phụ kiện đi kèm như bản lề cánh tủ, ray trượt ngăn kéo, nếu dùng các phụ kiện chất lượng thấp rất dễ làm hỏng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng gỗ do gẫy bản lề, hoặc bung ray trượt.

Đặc tính của gỗ công nghiệp là hút nước nên sơn bề mặt gỗ phải được đảm bảo, sơn từ 4 lớp đến 7 lớp để tránh thấm nước vào cốt gỗ, nếu sơn không đảm bảo khi gặp nước gỗ sẽ bị bung liên kết keo trong gỗ làm tấm gỗ công nghiệp trở nên rời ra và không còn sử dụng được , nên khi sử dụng đồ gỗ công nghiệp quan trọng nhất là sơn phải đảm bảo nhưng tuy sơn đảm bảo rồi thì vẫn phải tránh nước nếu không tuổi thọ của đồ nội thất sẽ ngắn .

Họa tiết, đường soi: Do đặc điểm cơ lý của gỗ công nghiệp và sự liên kết của gỗ do đó mà ta không thể sản xuất được chi tiết mỹ thuật như gỗ tự nhiên (đường soi, họa tiết, hoa văn…).

Tuổi thọ của đồ nội thất gỗ công nghiệp nếu thi công tốt sẽ được trên dưới 10 năm, so với gỗ tự nhiên thì không bằng nhưng với đồ nội thất ngày nay thì với thời gian đó là đủ để chúng ta có thể thay đồ nội thất khác, với thời gian sử dụng trên 10 năm thì cũng đã khấu hao hết rồi. Vì vậy sự lựa chọn ở đây chủ yếu theo phong cách, nhu cầu là chính, người thích phong cách cổ điển, ấm cúng thì chọn gỗ tự nhiên, còn nếu thích phong cách hiện đại, trẻ trung, có thể chọn gỗ công nghiệp để làm đồ nội thất.

BBT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo