One Food Group (OFG) Việt Nam: Khởi công nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ 6 tại Việt Nam với công suất 300.000 tấn/năm, nâng tổng công suất thiết kế lên 1,1 triệu tấn/năm
[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Sáng ngày 10/5/2023, One Food Group (OFG) Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Gold Coin Long An tại KCN Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đây là nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 6 của OFG tại Việt Nam, có công suất 300.000 tấn/năm.
Được hình thành từ tháng 9/2019, One Food Group Việt Nam là sự kết hợp của Gold Coin – Thành viên tập đoàn Zuellig, Thụy Sĩ và Pilmico – Thành viên của tập đoàn Aboitiz, Philippines. Đến nay, OFG Việt Nam đã có 06 nhà máy thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại các tỉnh: Hải Dương, Hà Nam, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp và Long An.
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Hà Văn Minh, Tổng giám đốc OFG Việt Nam cho biết, theo định hướng chiến lược 10 năm của OFG Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, sau quá trình nghiên cứu của đội ngũ chuyên gia, tập đoàn đã quyết định đầu tư nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 6 của mình tại Việt Nam.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích đất 4 hecta tại Khu công nghiệp Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An; với công suất thiết kế 300.000 tấn/năm; tổng vốn đầu tư gần 45 triệu USD. Nhà máy được thiết kế bởi đội ngũ kỹ sư chuyên gia giàu kinh nghiệm của tập đoàn và các nhà tư vấn, thiết bị, công nghệ từ nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới. Nhà máy thức ăn chăn nuôi Gold Coin Long An sẽ là một trong những nhà máy quy mô và hiện đại bậc nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới.
“Nhà máy Long An dự kiến được vào vận hành vào quý 1 năm 2024, nâng tổng công suất sản xuất thiết kế của OFG Việt Nam lên tới 1,1 triệu tấn/năm. Đây sẽ là bước ngoặt đưa OFG Việt Nam trở thành một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Việt Nam”, ông Hà Văn Minh khẳng định.
Cũng theo OFG Việt Nam, nhà máy sẽ sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc cho gia súc, gia cầm với 2 mục tiêu chính. Thứ nhất, phục vục bà con chăn nuôi vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Thứ hai, giảm chi phí vận chuyển giảm chi phí logictics, từ đó một phần gián tiếp giảm chi phí chăn nuôi.
Ngoài ra, khi nhà máy đi vào hoạt động, hằng năm sẽ đóng góp ngân sách và tăng trưởng cho tỉnh tỉnh Long An và tạo thu nhập cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Nhachannuoi