Nỗi lo của các nhà đầu tư điện gió
Trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án về điện gió. Các dự án này đang gặp nhiều khó khăn, áp lực và nguy cơ về những rủi ro trong quá trình thực hiện.
Ngay sau khi được bổ sung vào quy hoạch, các nhà đầu tư đã tích cực thực hiện những thủ tục liên quan như: thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường, thẩm định phòng cháy chữa cháy, thỏa thuận đấu nối, thủ tục thuê đất… để sớm triển khai dự án.
Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ, điện gió sẽ được mua với giá 1.928 đồng/kWh (tương đương 8,5 Uscent/kWh), áp dụng cho các công trình đưa vào vận hành phát điện trước ngày 1-11-2021. Tuy nhiên, để hoàn thiện đầy đủ tất cả các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng một dự án điện gió cần nhiều thời gian nên nhiều nhà đầu tư lo ngại sẽ không kịp phát điện trước thời gian này. Ngoài ra, do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến công tác đàm phán hợp đồng, mua sắm thiết bị, khan hiếm nguồn cung thiết bị trên thế giới, làm gia tăng giá thành, tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến tính hiệu quả, khả thi của dự án.
Bên cạnh đó, ngay sau thời điểm Quyết định 39 có hiệu lực thi hành (1-1-2018), hoạt động đăng ký đầu tư và bổ sung quy hoạch đối với các dự án điện gió và truyền tải bị ngưng trệ hơn một năm do chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện Luật Quy hoạch (ngày 2-12-2019 mới có hướng dẫn). Do đó, đến ngày 6-6-2020, Thủ tướng Chính phủ mới bổ sung các dự án vào danh mục quy hoạch điện lực. Việc chậm được đưa vào quy hoạch đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai những thủ tục khác của các nhà đầu tư. Theo đại diện một nhà đầu tư đang chuẩn bị khởi công dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, quá trình từ khi chuẩn bị, tiến hành khảo sát, thi công đến hoàn thành công trình phải mất 3 năm. Đối với trường hợp sau khi được bổ sung quy hoạch, để đủ điều kiện lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án buộc phải có kết quả đo gió được thực hiện tối thiểu trong 12 tháng. Một nhà đầu tư khác đang chờ bổ sung dự án vào quy hoạch cũng tỏ ra lo lắng vì từ nay đến hết tháng 10-2021, thời điểm quy định các dự án điện gió đưa vào vận hành được áp dụng giá mua điện ưu đãi còn rất ít thời gian, không đủ cho doanh nghiệp chuẩn bị những thủ tục đầu tư như: bổ sung quy hoạch, giải phóng mặt bằng, lập và phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, đặt hàng, mua sắm thiết bị, đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện và các quy định khác.
Trên địa bàn tỉnh có 6 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, với tổng công suất 657 MW và 10 dự án, tổng công suất 776 MW được Bộ Công thương đề xuất bổ sung vào quy hoạch nhưng chưa được phê duyệt. Rõ ràng, lo ngại của các nhà đầu tư điện gió là hoàn toàn có cơ sở khi họ đang phải “chạy đua” với thời gian ít ỏi còn lại bởi lý do khách quan chứ không phải của bản thân chủ dự án. Để giảm rủi ro trong quá trình thực hiện dự án điện gió, UBND tỉnh đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, cho kéo dài thời gian áp dụng giá mua điện gió (8,5 Uscent/kWh) theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2023 nhằm bảo đảm huy động kịp thời nguồn điện gió để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Đối với các dự án đã được Bộ Công thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm phê duyệt bổ sung quy hoạch để nhà đầu tư có cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành phát điện thương mại.
Nguồn baodaklak.vn