Nợ vay của Novaland nhìn từ các đại dự án
Các chuyên gia cho rằng nợ vay vượt vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Novaland đang rơi vào tình trạng nguy cơ không an toàn.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland) vừa thông báo đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu bằng phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận, từ ngày 11/2 đến 11/3. Nếu giao dịch thành công, ông Nhơn sẽ nắm giữ hơn 201,6 triệu cổ phiếu, tương đương 20,8% vốn.
Động thái trên diễn ra ngay sau khi doanh nghiệp này gửi thư kêu cứu đến Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục triển khai dự án 30 ha tại quận 2, TP Hồ Chí Minh.
Tập đoàn Novaland hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thú y, thuốc thủy sản, xây biệt thự cho thuê. Năm 2007, nhờ tái cấu trúc và hợp nhất các công ty thành 2 Tập đoàn: ANOVA CORP, NOVALAND GROUP. Hiện nay, Novaland Group là một doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực Đầu tư và Phát triển Bất động sản tại TP Hồ Chí Minh…
Ông Nguyễn Hải Thanh – Chuyên viên kiểm toán KPMG phân tích, theo các dữ liệu tài chính trên sàn niêm yết thì cơ cấu nợ đa dạng và tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu dù đang được cải thiện nhưng nợ vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Nợ phải trả của Novaland tính đến 31/12/2019 là 65 ngàn tỷ/vốn chủ sở hữu 24,4 ngàn tỷ. Điều này cho thấy nguy cơ tài chính không an toàn luôn hiện hữu…
Trong các báo cáo phân tích về tình hình kinh doanh của Novaland cho thấy, với quy mô dự án đồ sộ nên trong thời gian qua, Novaland có cơ cấu nợ vay đa dạng, nhằm giúp tiết kiệm được chi phí tài chính lãi vay. Báo cáo tài chính cho thấy nợ vay bằng USD của Tập đoàn đang chiếm 55% tỷ trọng, 45% còn lại là nợ vay bằng đồng VND.
Trong năm 2018, Novaland đã phát hành 240 triệu USD trái phiếu chuyển đổi được niêm yết tại sàn SGX, lãi suất 5,5%, giá chuyển đổi được reset tại thời điểm cuối tháng 10/2019 là 60.000 đồng/cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên sau 06 năm, một doanh nghiệp Việt Nam phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) trên sàn giao dịch quốc tế.
Trước đó, Novaland cũng đã huy động thành công các khoản vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế như Maybank, Credit Suisse AG và GW Supernova PTE Ltd. Hiện tại, các khoản vay quốc tế của Novaland còn có mức lãi suất ngoại tệ thấp hơn các khoản vay trong nước, giúp tập đoàn tạo nên lợi thế từ khoảng chênh lệch này trong giai đoạn tỷ giá hối đoái ổn định.
Để điều hành 1 dự án đồ sộ, Novaland vẫn duy trì nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước và niêm yết trái phiếu trong nước bởi đây vẫn là nguồn vốn quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu vốn vay của Tập đoàn.
Cơ cấu nợ lần lượt của Tập đoàn là 18% trái phiếu, 21% trái phiếu chuyển đổi và 60% nợ vay. Bên cạnh đó, điểm nhấn đáng tích cực là tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu giảm từ mức 1.36 lần năm 2018 còn 1.17 lần năm 2019, giúp Novaland giảm bớt một phần gánh nặng tài chính.
Ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đối với doanh nghiệp bất động sản việc huy động vốn ngoài nguồn vốn chủ sở hữu, trong đó huy động vốn vay từ ngân hàng, từ cá nhân và các tổ chức tín dụng khác là hoạt động bình thường để đảm bảo an ninh an toàn cũng như đảm bảo sự phát triển lành mạnh.
“Tuy nhiên, việc dùng hệ số đòn bẩy, tỷ lệ nợ trên số vốn chủ sở hữu cần có giới hạn nhất định. Theo thông lệ bình thường dao động từ 1 lần, tối đa 2 lần so với vốn chủ sở hữu. Các doanh nghiệp có vốn vay nợ trên vốn chủ sở hữu quá mức 3 lần thì rơi vào trạng thái cảnh báo đỏ” – ông Hiếu chia sẻ.
Báo cáo tài chính (chưa kiểm toán) của Novaland cho thấy đạt doanh thu 11.026 tỷ đồng trong năm 2019, lãi sau thuế 3.382 tỷ đồng, vượt 82 tỷ đồng so với kế hoạch năm (3.300 tỷ đồng).
Đáng chú ý, tổng tài sản của Novaland tăng đột biến, gần 21.000 tỷ đồng, tương đương biên độ 30%, lên mức 89.972 tỷ đồng, khẳng định đây là doanh nghiệp địa ốc lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau Vinhomes (197.170 tỷ đồng).
Novaland hiện sở hữu danh mục hơn 40 dự án bất động sản bao gồm dự án nhà ở cao tầng và thương mại (sản phẩm căn hộ, căn hộ thương mại, văn phòng thương mại) và các dự án đô thị (tổ hợp đô thị nhà ở bao gồm cao tầng và thấp tầng, thương mại…), đóng góp hơn 27.000 căn hộ vào quỹ nhà ở TP.HCM. Tập đoàn Novaland tập trung vào phân khúc trung và cao cấp tại TP.HCM.
Nổi bật với các dự án bất động sản nhà ở: Victoria Village (Q.2) và The Grand Manhattan (Q.1); chuỗi bất động sản Khu đô thị vệ tinh, tiêu biểu là đại dự án khu đô thị: Aqua City.
Từ năm 2018, Tập đoàn đã mở rộng vào phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng với 3 dòng sản phẩm chính là NovaBeach, NovaHills, NovaWorld tại các thành phố có tiềm năng du lịch lớn như Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết – Bình Thuận, Ninh Thuận, Cam Ranh – Khánh Hòa,…
Trong năm 2019, Novaland đã đẩy mạnh triển khai các dự án NovaWorld Phan Thiết quy mô 1.000 ha tại Bình Thuận, NovaWorld Mekong, NovaWorld Hồ Tràm và NovaHills Mũi Né…
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp