Nikkei: ‘Samsung tính toán dịch chuyển dây chuyền sản xuất PC từ Trung Quốc sang Việt Nam’

Theo Nikkei Asian Review, Samsung Electronics sẽ dừng sản xuất PC tại Trung Quốc và mong muốn dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để cắt giảm chi phí và duy trì tính cạnh tranh trong mảng này.

Samsung Electronics Tô Châu Computer – nhà máy cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc sẽ đóng cửa ngay trong tháng 8 này. Một phần nhà máy sẽ được chuyển đổi thành trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cho Samsung. Tập đoàn Hàn Quốc này cũng đã thông báo cho toàn bộ nhân viên về kế hoạch dừng hoạt động và cắt giảm nhân sự từ cuối tháng 7 vừa qua.

Samsung Electronics hiện đang xoay xở cách di dời dây chuyền sản xuất sang một nhà máy hiện có tại Việt Nam. Phát ngôn viên của tập đoàn này cũng cho biết quyết định đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc là dựa trên nhu cầu tìm kiếm lợi thế về chi phí.

Ở thời kỳ đỉnh cao, tổng số nhân sự tại Samsung Electronics Tô Châu Computer lên đến 6.500 người. Các máy tính sản xuất tại đây chủ yếu được xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc, Bắc Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo truyền thông Hàn Quốc, nhân sự tại đây hiện tại đã giảm xuống chỉ còn 1.700 người.

Theo hãng nghiên cứu Gartner, lượng PC xuất xưởng trên toàn cầu đã tăng 0,6% lên 261,23 triệu chiếc trong năm ngoái. Trong mảng này, Lenovo Group (Trung Quốc) hiện đang nắm tỉ lệ thị phần lớn nhất (24,1%), và theo sau là HP (Hoa Kỳ) với 22,2%. Thị phần của Samsung hiện thấp hơn nhiều so với các đối thủ khác tại Hoa Kỳ như Dell và Apple, hay tại Đài Loan như Acer và Asus.

Trước sức ép cạnh tranh cực kỳ lớn trong ngành, các doanh nghiệp Nhật Bản đã từ bỏ hoàn toàn mảng kinh doanh PC này. Samsung được cho là vẫn sẽ tiếp tục trụ lại nhưng sẽ buộc phải cắt giảm lao động và chi phí vận hành bằng cách di dời dây chuyền sản xuất sang các quốc gia khác.

Trước đây, Samsung cũng từng có 3 nhà máy smartphone tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tập đoàn này đã đóng máy toàn bộ dây chuyền sản xuất tại đây vào cuối năm ngoái. Sau đó, Samsung đã dịch chuyển hệ thống sang các cơ sở tại Việt Nam hoặc các nhà sản xuất hợp đồng.

Nguồn: cafef.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo