Những vấn đề của ngành xi măng hậu Covid-19

Trong quý I/2020 và đến nay, sản lượng xi măng sản xuất tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2019 và hoạt động sản xuất tại các nhà máy được duy trì bình thường, kể cả trong thời gian Việt Nam áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. 

Yếu tố đầu vào cho sản xuất đang có sự thuận lợi nhất định khi các Bộ đã và đang đề xuất thực hiện giảm một số chi phí như than, điện hay thuế khai thác tài nguyên trong năm nay đễ hỗ trợ kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

1. Sản xuất xi măng không bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian diễn biến dịch Covid-19

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, S&P Global Platts, FPTS tổng hợp.

Trong quý I/2020, sản lượng sản xuất của các nhà máy đạt 21,4 triệu tấn, tăng nhẹ 3% so với quý I/2019. Nguồn cung xi măng trên thị trường không bị ảnh hưởng do các nhà máy được phép hoạt động bình thường, kể cả trong thời gian Việt Nam áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất cũng có sự thuận lợi nhất định khi các chi phí sản xuất như chi phí than (~30% chi phí sản xuất) từ nguồn nhập khẩu đang giảm do nhu cầu than giảm tại 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đồng thời, các Bộ, ban ngành Việt Nam đề xuất giảm một số chi phí có liên quan tới ngành xi măng như giá điện sản xuất, giá than trong nước, thuế tài nguyên trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới nền kinh tế. Trong đó, đề xuất giảm 10% giá điện sản xuất đã được chính phủ phê duyệt, áp dụng từ tháng 4 đến hết tháng 6/2020.

2. Một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn sản xuất trong ngắn hạn

Mặc dù hoạt động sản xuất không bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trong giai đoạn đầu năm đang khiến một số doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn để duy trì hoạt động. Một số đơn vị đang có vấn đề về khả năng thanh toán các khoản chi phí hoạt động đến hạn do sản phẩm tiêu thụ chậm và tình hình tồn kho kéo dài.

Các doanh nghiệp trên đang nằm trong khoảng 20% số doanh nghiệp trong ngành có tình hình tài chính yếu kém như mức nợ vay cao, thâm hụt về nguồn vốn ngắn hạn hoặc hoạt động kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm. Trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ quý I/2020 sụt giảm cùng với công nợ và tồn kho gia tăng làm thâm hụt nguồn vốn sản xuất kinh doah, doanh nghiệp đang xin các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ như hoãn nộp thuế, hoãn tiền thuê đất hoặc xin miễn giảm lãi vay, gia hạn nợ từ ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian phê duyệt các biện pháp hỗ trợ có thể kéo dài, cũng như thủ tục chứng minh ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh rất phức tạp. Một số doanh nghiệp có thể không nhận được sự hỗ trợ kịp thời và phát sinh các rủi ro nghiêm trọng về tài chính.

3. Nguồn cung từ các nhà máy mới tăng vào nửa cuối năm 2020

Trong năm 2020, dự kiến sẽ có 2 nhà máy mới đi vào vận hành với công suất 8 triệu tấn/năm (tương đương với 9% tổng công suất xi măng của Việt Nam hiện tại) gồm: Nhà máy 2 triệu tấn/năm của Xi măng Tân Thắng (Nghệ An, đã vận hành ra sản phẩm tháng 4/2020), dây chuyền mở rộng 2,5 triệu tấn/năm của Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa). Trong tình hình kém khả quan của ngành xi măng trong năm 2020, lượng công suất tăng thêm đáng kể này có thể dẫn tới tính trạng tiếp tục dư cung, đi kèm áp lực cạnh tranh gia tăng giữa các doanh nghiệp (chủ yếu là cạnh tranh về giá) gây trở ngại tới khả năng hồi phục của các doanh nghiệp xi măng sau đại dịch.

Nguồn: vlxd.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo