Những “ông lớn” FDI cất cánh cùng Vĩnh Phúc
Từ một tỉnh có nguồn thu khoảng 100 tỷ đồng và phụ thuộc nhiều vào ngân sách trung ương ở thời điểm tái lập, đến nay, sau 20 năm xây dựng và phát triển, số thu nội địa của Vĩnh Phúc chỉ đứng sau Hà Nội và TP.HCM, trong đó đầu tư nước ngoài là nhân tố quan trọng nhất trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách cho Tỉnh.
Điều này khẳng định sách lược thu hút đầu tư nước ngoài của Vĩnh Phúc thời gian qua là đúng đắn và sự tham gia đầu tư của các “ông lớn” nước ngoài đã làm “thay da đổi thịt”, tạo diện mạo mới cho địa phương này.
Honda, Toyota, Nissin – những “ông lớn” đầu tiên
Khi mới tái lập vào năm 1997, Vĩnh Phúc là tỉnh thuần nông có điểm xuất phát về kinh tế rất thấp (GDP bình quân đầu người đạt khoảng 140 USD/người, bằng 47,8% so với mức bình quân chung của cả nước). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm trên 52%, công nghiệp chỉ chiếm 12,2%, thu ngân sách trên địa bàn chưa đầy 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ thu hút được một số dự án lớn của nhà đầu tư Nhật Bản như Honda, Toyota, Nissin trong giai đoạn từ năm 1997 – 2000 với tổng vốn đầu tư hơn 245 triệu USD, Vĩnh Phúc đã có cơ sở, cơ hội phát triển kinh tế – xã hội. Theo đánh giá của Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn của Honda, Toyota, Nissin thời kỳ này là những dự án có vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và hình thành nên ngành công nghiệp ô tô, xe máy của Tỉnh trong giai đoạn sau này. Các “ông lớn” này là động lực quan trọng để Tỉnh ban hành những ưu đãi khuyến khích các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN); tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh cải cách hành chính, vận dụng chính sách thu hút đầu tư một cách linh hoạt để hỗ trợ đầu tư, hấp dẫn hơn với nhà đầu tư… Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Vĩnh Phúc ngày càng nhiều hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc đạt cao và khá ổn định. Số lượng dự án và số vốn FDI đầu tư vào địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng dần qua các năm, tổng số dự án thu hút giai đoạn 2001 – 2005 là 75 dự án, với số vốn đầu tư 469 triệu USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề cơ khí, may mặc, giày da, công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô xe máy…
Trong giai đoạn 2006 – 2010, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 104 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký 2,03 tỷ USD. Các dự án thu hút trong giai đoạn này chủ yếu tập trung ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhiều dự án đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, giá trị sản xuất công nghiệp tăng thêm, đặc biệt là các sản phẩm ô tô, xe máy, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghệ cao như: cảm biến hình ảnh cho điện thoại di động và màn hình tinh thể lỏng…
Ở giai đoạn 2011 – 2015, mặc dù kinh tế toàn cầu và Việt Nam có nhiều biến động lớn, nhưng nhờ sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, thu hút FDI giai đoạn này của Tỉnh vẫn đạt kết quả khá với 112 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,43 tỷ USD, chủ yếu là lĩnh vực cơ khí, linh kiện điện tử, giày da, may mặc, vật liệu xây dựng…
Từ năm 2016 đến nay, với sự vận dụng linh hoạt nhiều chính sách, pháp luật mới của Nhà nước, việc thu hút đầu tư ở Vĩnh Phúc tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh được đẩy mạnh đầu tư xây dựng. Một số khu công nghiệp đã chủ động được quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng hợp lý, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả đã thu hút được 27 dự án mới với tổng vốn đầu tư 548 triệu USD, chủ yếu thuộc lĩnh vực cơ khí, linh kiện điện tử, giày da, may mặc…
FDI tác động tích cực nhiều mặt đến kinh tế – xã hội Vĩnh Phúc
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư, đứng đầu là Hàn Quốc với 115 dự án, vốn đầu tư hơn 1.100 triệu USD, chiếm 31,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Đài Loan đứng thứ hai với 33 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 802 triệu USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư. Thứ ba là Nhật Bản với 28 dự án, tổng vốn đầu tư 793 triệu USD, chiếm gần 22% tổng vốn đầu tư. Còn lại lần lượt là các dự án từ các nhà đầu tư Singapore, Thái Lan, Italia, Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Samoa, Seychelles, Malaysia, Pháp, Đức, Indonesia…
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 250 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,67 tỷ USD, vốn thực hiện gần 2.300 triệu USD, đạt hơn 62% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án còn hiệu lực. Trong tổng số 245 dự án FDI còn hiệu lực, có 200 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm hơn 81,6% tổng số dự án. Còn lại là các dự án đang triển khai xây dựng, san nền, bồi thường, giải phóng mặt bằng; một số dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư đang triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng.
Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đánh giá kết quả thu hút FDI trong vòng 20 năm qua trên địa bàn Tỉnh đã cho thấy, FDI là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc. FDI trên địa bàn Tỉnh là nhân tố quan trọng nhất trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách của Tỉnh từ khi tái lập Tỉnh đến nay. Năm 1997, thu ngân sách của Vĩnh Phúc mới đạt 114 tỷ đồng và phụ thuộc và ngân sách trung ương, đến năm 2016 thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay đạt 32.578 tỷ đồng (tăng gần 285 lần so với năm 1997). Hiện Vĩnh Phúc là một trong 13 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trong đó thu nội địa chỉ đứng sau Hà Nội và TP.HCM (trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước, thu nội địa chiếm tỷ trọng khoảng trên 80% tổng thu).
Cũng theo đánh giá của Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, FDI thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Khu vực công nghiệp có vốn FDI phát huy vai trò tích cực trong thúc đẩy phát triển công nghiệp của Tỉnh. Hiện nay, 89,7% vốn FDI của Tỉnh tập trung vào lĩnh vực công nghiệp. Đã có một số doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất các sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng lớn như ô tô, xe máy. Tỷ trọng công nghiệp có vốn FDI tăng nhanh, từ 19% năm 1997 lên 63% năm 2016. Bên cạnh đó, FDI vào địa phương tạo nên nhiều ngành nghề, nhiều sản phẩm mới, góp phần tăng năng lực ngành công nghiệp của Tỉnh. FDI cũng có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong tỉnh, kích thích lĩnh vực dịch vụ của Tỉnh nâng cao chất lượng và phát triển nhanh hơn.
FDI cũng góp phần rất tích cực trong tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Vĩnh Phúc. Khu vực có vốn FDI tạo việc làm ổn định cho trên hàng vạn lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp và hàng ngàn lao động gián tiếp tại địa phương. Năm 2016, các doanh nghiệp FDI giải quyết việc làm cho khoảng 75.000 lao động (trong đó lao động là người Vĩnh Phúc chiếm khoảng 73%, còn lại là lao động ngoài tỉnh). Đồng thời, FDI đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh và góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của địa phương.
Nguồn: Báo Đấu thầu